Chuyện chống xe quá tải

Tác giả: Khánh Hà

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 11/02/2016 11:59

Mục tiêu xóa xe quá tải trong năm 2015 mới chỉ đạt 91,5%, dù chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng đây là sự nỗ lực rất lớn của ngành GTVT, công an và các địa phương. Nhưng ít ai biết được, để có kết quả này là cả một quá trình đấu tranh bền bỉ, với nhiều ngày không nghỉ của lực lượng TTGT, CSGT, cảnh sát cơ động trong gần 2 năm qua trước những chiêu trò, thủ đoạn của chủ xe, lái xe.

2
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN bắt xe quá tải tại Nhà ga T2

Nhiều thủ đoạn qua mặt trạm cân

Khi các địa phương đồng loạt sử dụng trạm cân di động đặt tại các vị trí trọng yếu trên các tuyến quốc lộ, bằng nhiều thủ đoạn, lái xe đã thông đồng nhau hòng qua mặt lực lượng chức năng. Đơn giản nhất là khoảng 5 đến 10 xe tải xếp hàng dài để qua trạm. Khi những xe đi đầu không chở hàng quá tải được đưa vào cân thì những chiếc xe quá tải lần lượt vượt qua trạm.

Còn nhớ vụ vỡ trạm cân tại Hòa Bình vào tháng 9/2014, khi hàng trăm xe chở hàng quá tải từ Tây Bắc về đang di chuyển trên QL6. Khi nắm bắt được thông tin trạm cân sẽ di chuyển về đường Hồ Chí Minh, trong gần 10 ngày, lượng xe ùn lại trước ngã ba Tân Lạc (huyện Tân Lạc). Lực lượng chức năng bất ngờ không di chuyển trạm cân khiến hàng trăm chiếc xe đậu tại quán ăn, cây xăng, đường nhánh… đợi thời cơ vượt trạm. Lãnh đạo Sở GTVT, công an đến tận nơi vận động lái xe nhưng lái xe không chấp hành. Sau đó, khi Cục Đường bộ 1 điều xe kéo đến cùng sự hỗ trợ của cảnh sát cơ động, CSGT thì những chiếc xe này mới quay đầu bỏ chạy về phía Sơn La…

Tinh vi hơn, nhiều lái xe đã dùng biển số giả, giả làm xe quân đội để chở hàng quá tải nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Đêm Nô-en 2014, đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia và Tổng cục ĐBVN nhận được thông tin về tình trạng bốc hàng quá tải lên xe từ Nhà máy Đường Man (Khu công nghiệp Tiên Du - Bắc Ninh). Trước đó, vào ngày 13/12, đường dây nóng đã nhận được thông tin từ người dân gửi đến có 4 xe từ nhà máy chạy ra bốc hàng và chở quá tải từ 10 - 15 tấn hàng, điểm hạ tải là Nhà máy bia tại Nghệ An. Tuy nhiên, khi vào đến Thanh Hóa, TTGT mới bắt được xe mang BKS 37C 02624 chở quá tải 181%. 3 xe còn lại là không bắt được, trong đó có xe BKS 37C 12.060. Ông Đặng Văn Chung - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục ĐBVN) cho biết, nguy hiểm hơn, qua tra cứu trong cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì chiếc xe mang BKS 37C 09.276 là biển số giả để qua mắt cơ quan chức năng và đó cũng là xe mà lực lượng chức năng đã không bắt được.

Mới đây nhất, vào tháng 9/2015, đội đặc nhiệm của Tổng cục ĐBVN, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phát hiện trên một số đoạn của QL1, QL51 thuộc địa phận tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có một số xe hết niên hạn sử dụng vẫn chở hàng quá tải trên đường, đặc biệt nhiều xe gắn biển số quân đội giả. Đoàn công tác đã kiểm tra đột xuất 2 ô tô tải gắn biển số quân đội giả (BKS TH-3171 và TH-3169) có dấu hiệu chở gỗ quá tải lưu thông trên QL51, đoạn thuộc địa bàn xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Khi đoàn công tác kiểm tra, lái xe đã thú nhận toàn bộ giấy tờ xe là giả quân đội. Hai xe này đều sử dụng các giấy tờ giả quân đội gồm giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lưu hành xe, phí đường bộ toàn quốc, tem kiểm định. Các lái xe thừa nhận dùng biển số, giấy tờ quân đội giả nhằm đưa xe vào lấy hàng quá tải tại các kho cảng, lưu thông trên đường không bị các trạm cân kiểm tra và lừa các trạm thu phí không phải mua vé phí đường bộ. Hai ô tô tải nêu trên đã hết hạn kiểm định từ năm 2014, thiết bị an toàn, lốp không đảm bảo, gây nguy cơ mất ATGT.

1

Vừa nằm viện vừa trả lời đường dây nóng

Có lẽ trong nhiều đường dây nóng được công bố, không ai phải nghe và nói nhiều bằng ông Đặng Văn Chung. Phải nói rằng, toàn bộ thông tin tiếp nhận về xe quá tải từ người dân, doanh nghiệp cho đến lái xe, dù cấp nào tiếp nhận rồi cũng được chuyển về số điện thoại của đường dây nóng mà ông đang cầm. “Đến bây giờ, khi tôi đang ăn, đang ngủ, đi công tác cũng phải trả lời những thắc mắc của người dân, nhiều khi bà xã còn trách “về đến nhà với vợ với con cũng điện thoại”, lâu rồi thành quen”.

Ông Chung cho biết thêm, lúc đầu thông tin phản ánh qua đường dây nóng chủ yếu là thắc mắc về cách cân, tuy nhiên về sau, đường dây nóng ngày càng nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính thông báo về tình trạng móc ngoặc giữa nơi bốc hàng và nhà xe để chở quá tải, ví dụ như vụ bắt xe chở gỗ từ Nghệ An ra Hòa Bình, đoàn xe chở gỗ ở Hải Dương…

Không ai biết được người cầm đường dây nóng của Tổng cục ĐBVN đã phải vào Bệnh viện GTVT cấp cứu do viêm đại tràng và sỏi thận do làm việc với tần suất lớn từ 7h sáng đến 19h, thậm chí có hôm đến 21h ông vẫn ở cơ quan, chưa tính phải đi công tác đột xuất khi tình hình trạm cân lại “nóng”.

Tưởng được vào viện sẽ được yên, nhưng trên giường bệnh ông vẫn phải tiếp mỗi ngày hàng chục cuộc điện thoại giải đáp về pháp luật, thắc mắc của lái xe, chủ hàng.

Ít ai biết rằng, vụ vỡ trạm cân tại Hòa Bình giữa tháng 9/2014, ông tham gia tiếp nhận thông tin phản ánh từ tháng 6 - 7, rằng rất nhiều “cò” hoạt động xung quanh trạm cân, theo dõi và thông báo cho lái xe biết được mọi động thái của lực lượng chức năng khi di chuyển từ QL6 về đường Hồ Chí Minh và ngược lại. Vụ việc đã được báo cáo với lãnh đạo Bộ GTVT và trong đêm 11/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng xuống hiện trường chứng kiến tình trạng “cò” hoạt động phức tạp. Về kết quả vụ việc, ông Hùng cho biết, tình trạng xe quá tải đậu, đỗ 2 đầu trạm cân, móc nối với cò để vượt trạm và Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an đã vào cuộc cùng Bộ GTVT, Công an tỉnh Hòa Bình để lập chuyên án, sau này đã khởi tố và bắt giam 2 đối tượng do nhận tiền của lái xe để dắt qua trạm cân…

Ông Hùng nhận định: Mặc dù đường dây nóng của Ủy ban không tiếp nhận nhiều thông tin, song mỗi tin nhắn, mỗi cuộc điện thoại đều được chuyển đến người có thẩm quyền để kiểm tra, giải quyết và đặc biệt đường dây luôn nhận được sự phản ánh của người dân đến Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng. Đến thời điểm này, không chỉ có 1 đường dây nóng mà rất nhiều điện thoại của các đồng chí đứng đầu các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ GTVT, Bộ Công an… mở để tiếp nhận và giải quyết kịp thời các vấn đề, đem lại sự tin tưởng của người dân khi cơ quan này công bố đường dây nóng.

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, trên phạm vi toàn quốc không còn tình trạng xe quá tải lưu thông đường dài (Bắc - Nam), chỉ còn khoảng 1% xe quá tải lưu thông trong phạm vi vùng, qua các tỉnh lân cận; không còn xe vi phạm chở hàng quá tải trên 300%, chủ yếu mức quá tải từ 20% - 50%, mức quá tải trên 50% đến trên 100% không đáng kể, tổng thể số lượng xe quá tải đã giảm khoảng 91,5%.

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận