Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt trao hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 tại Ban QLDA Thăng Long |
Đẩy nhanh chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, GTVT là một trong tám lĩnh vực mà Chính phủ xác định ưu tiên phát triển chuyển đổi số. Từ tháng 12/2020, Bộ GTVT đã ban hành Chương trình hành động về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Giai đoạn này, chuyển đổi số ngành GTVT tập trung vào hai nội dung chính là phát triển Chính phủ số và phát triển kinh tế số.Về phát triển Chính phủ số, tập trung hình thành cơ sở hạ tầng dữ liệu chung toàn ngành, bao gồm: cơ sở dữ liệu (CSDL) về kết cấu hạ tầng GTVT, CSDL về người điều khiển phương tiện, CSDL về phương tiện và CSDL về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải. Các nền tảng CSDL này, Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thành muộn nhất vào quý I/2023.
Phát triển kinh tế số sẽ tập trung triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS) trên các tuyến đường bộ cao tốc; hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố lớn; triển khai đồng bộ hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt.
Thông tin cụ thể về tình hình xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số ngành GTVT, ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho biết, Chương trình chuyển đổi số của Bộ GTVT đã thực hiện theo lộ trình rõ ràng, bước đầu tập trung vào việc xây dựng CSDL nền tảng dùng chung, bao gồm: CSDL về kết cấu hạ tầng GTVT, CSDL về người điều khiển phương tiện, CSDL về phương tiện và CSDL về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải.
“Bộ GTVT xây dựng lộ trình chuyển đổi số một cách bền vững, không chạy theo những kết quả nhất thời, nhưng cũng không chậm trễ, tất cả vì sự nghiệp hiện đại hóa ngành, để Việt Nam có một hệ thống GTVT tiên tiến, hiện đại như các nước phát triển”, Giám đốc Lê Thanh Tùng khẳng định.
Theo đó, ngành GTVT duy trì Cổng Dịch vụ công GTVT cung cấp 240 dịch vụ công (gồm 69 dịch vụ mức độ 3, đạt tỷ lệ 28,75%; 171 dịch vụ mức độ 4, đạt tỷ lệ 71,25%). Số lượng thủ tục trực tuyến, mức độ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ thực hiện trực tuyến/tổng số hồ sơ liên tục tăng, trung bình mỗi năm tiếp nhận và giải quyết hơn 670.000 hồ sơ trực tuyến với gần 150.000 doanh nghiệp tham gia. Số dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 58,8% tổng số thủ tục hành chính, trong đó số dịch vụ có tỷ lệ phát sinh hồ sơ đạt 70,83%. Tỷ lệ hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến chiếm 52,11% tổng số hồ sơ thực hiện. Đồng thời, ngành GTVT còn tập trung xây dựng và hoàn thiện 4 bộ CSDL nền tảng dùng chung, gồm: CSDL kết cấu hạ tầng giao thông, CSDL phương tiện, CSDL người điều khiển phương tiện và CSDL doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT, từ đó phát triển các ứng dụng khai thác nhằm mục tiêu quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.
Bên cạnh việc chú trọng đẩy nhanh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, ngành GTVT còn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng. Bộ GTVT đã thực hiện giám sát 24/7 các hệ thống thông tin quản lý tập trung của Bộ do Trung tâm quản lý, vận hành; thực hiện kết nối hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng và phòng, chống mã độc Bộ GTVT với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, Bộ GTVT đã triển khai giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin của Bộ với mô hình “4 lớp” theo yêu cầu của Chính phủ, bao gồm: triển khai lực lượng tại chỗ; thuê dịch vụ giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Bộ GTVT tổ chức diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng góp phần nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin |
Đảm bảo hoạt động vận tải, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do Covid-19
Ông Nguyễn Trí Đức - Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả công tác bảo đảm vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động vận tải, logistics trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Đến nay, đã có nhiều kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp được các cơ quan thuộc Bộ xử lý, tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, Bộ cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý, tháo gỡ đối với những kiến nghị không thuộc thẩm quyền của Bộ. Qua công tác chỉ đạo hoạt động vận tải, nhìn chung các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và bố trí phương tiện vận chuyển, góp phần tạo thuận lợi cho việc vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu và hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh tại các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ đã chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, ATGT, gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2022 và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, thực hiện nhiệm vụ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người lao động trong ngành GTVT. Để kịp thời sẻ chia, hỗ trợ người lao động tiếp tục tin tưởng, yên tâm công tác, Công đoàn GTVT Việt Nam đã thường xuyên chỉ đạo các công đoàn trực thuộc phối hợp với chuyên môn đồng cấp chăm lo đến việc làm, đời sống, công tác phòng, chống dịch Covid-19, công tác an toàn vệ sinh lao động, thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động.
Từ đầu năm đến nay, Công đoàn GTVT Việt Nam đã chi cho các hoạt động chăm lo người lao động, hoạt động xã hội, từ thiện với tổng số tiền hơn 20,2 tỷ đồng. Trong đó, tiền chi hỗ trợ từ nguồn tài chính công đoàn là 5,209 tỷ đồng, hỗ trợ từ nguồn Quỹ Từ thiện Công đoàn GTVT Việt Nam gần 15 tỷ đồng. Đặc biệt, Công đoàn ngành đã ủng hộ Quỹ Vaccine phòng Covid-19 thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với số tiền hơn 5,197 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt, sự hỗ trợ có giá trị vật chất không lớn, nhưng đó là tấm lòng, tình cảm của người lao động toàn Ngành. Trong bối cảnh khó khăn chung vì đại dịch Covid-19, sự động viên, chia sẻ này càng đáng quý, có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Vì vậy, các cấp công đoàn càng phải quan tâm, sâu sát, kịp thời hỗ trợ người lao động khó khăn với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
“Ngành GTVT gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực vận tải ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng càng khó khăn, công đoàn càng phải đến với cơ sở, người lao động bằng nhiều hình thức, không trực tiếp thì gián tiếp. Để hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ngắt quãng, các cấp công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, công trường để kịp thời tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh, thi công trong điều kiện vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành”, Chủ tịch Đỗ Nga Việt chia sẻ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.