Chuyển nhượng quyền khai thác lợi ích đường cao tốc ở Việt Nam

Ý kiến phản biện 10/04/2015 15:17

Bài báo chỉ ra sự cần thiết phải chuyển nhượng quyền khai thác lợi ích đường cao tốc ở Việt Nam và giới thiệu một số phương pháp định giá chuyển nhượng được áp dụng trên thế giới hiện nay.


ThS. Nguyễn Phương Châm
Trường Đại học Giao thông vận tải
Người phản biện: TS. Nguyễn Thị Vân Hà
                                      PGS. TS. Đặng Thị Xuân Mai

Từ khóa: Chuyển nhượng quyền khai thác, lợi ích đường cao tốc, phương pháp định giá chuyển nhượng.

Abstract: This paper points out the need to transfer the right to exploit interests of Expressway in Vietnam and introduces a number of transfer pricing methods are applied in the world today.

Keywords: Transfer the right, interests of Expressway, transfer pricing method.

1. Đặt vấn đề

Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thành 22 tuyến đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 5.873km với tổng mức đầu tư ước tính lên đến 766.220 tỷ đồng. Đây là số vốn đầu tư rất lớn và ngân sách Nhà nước khó có thể đảm bảo. Năm 2004, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được thành lập theo một mô hình chưa có trong tiền lệ. VEC là đầu mối huy động, thu hút các nguồn vốn trong nước và ngoài nước dưới nhiều hình thức đầu tư và phát triển hệ thống đường bộ cao tốc theo phương thức tự xây dựng, tự kinh doanh và tự hoàn vốn. Đến nay, VEC đang trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp và chủ lực của Bộ GTVT. Đứng trước đòi hỏi về vốn đầu tư quá lớn, trong một cuộc họp với VEC, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã gợi ý, VEC cũng nên tính toán “bán” một số cao tốc đang quản lý để có vốn quay vòng đầu tư làm đường khác. Nếu không thay đổi tư duy, chỉ trông vào ngân sách nhà nước hay trái phiếu Chính phủ thì sẽ thất bại. Vậy khái niệm “bán” đường cao tốc cần được hiểu như thế nào? Thực chất, đây là quá trình chuyển nhượng quyền khai thác các lợi ích thu được từ đường cao tốc (gọi tắt là quyền khai thác đường cao tốc) bao gồm: Quyền thu phí, quyền kinh doanh các cơ sở dịch vụ, quyền đầu tư hạ tầng, quyền quảng cáo… Để thực hiện được chủ trương này, việc tất yếu cần làm là định giá được các tuyến đường cao tốc.

2. Giải quyết vấn đề

2.1. Ý nghĩa của chuyển nhượng quyền khai thác đường cao tốc

Nếu việc chuyển nhượng thành công, chủ đầu tư sẽ có vốn để quay vòng nhằm thực hiện các dự án khác thay vì phải chờ vốn ngân sách hoặc nguồn vốn từ việc thu phí với thời gian kéo dài hàng chục năm. Chuyển nhượng quyền khai thác cho các nhà đầu tư chính là con đường tìm kiếm vốn đầu tư phát triển đường cao tốc nhanh chóng và có hiệu quả.  Bên cạnh đó, nếu có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần giảm áp lực cho các nhà đầu tư trong nước. Khi đó, các đơn vị trong nước cũng có cơ hội được tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật hiện đại, phương pháp quản lý tiên tiến của các nhà đầu tư ngoại. Quan trọng hơn, khi công tác đầu tư hạ tầng được thực hiện hài hòa giữa nhà đầu tư trong nước và ngoài nước thì người dân chính là đối tượng được hưởng lợi từ những dự án mang lại trong rất nhiều lĩnh vực.

2.2. Nguyên tắc định giá chuyển nhượng quyền khai thác đường cao tốc

- Định giá đường phải lấy chi phí đầu tư thực tế, trượt giá, các khoản chi phí đầu tư khác trong quá khứ (nếu có) và thời gian chuyển nhượng làm cơ sở.

- Đường cao tốc là một loại tài sản (tài sản công) có tính chất đặc biệt, do vậy khi định giá chuyển nhượng, ngoài việc chú ý đến quan hệ cung cầu trên thị trường thì cần phải xem xét các đặc điểm riêng biệt của loại hàng hóa này.

- Giá chuyển nhượng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, Nhà nước và người dân. Muốn vậy, cần lựa chọn được những nhà đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý dự án hạ tầng giao thông. Khi nhà đầu tư đã tiếp quản dự án sẽ phải áp dụng mức thu phí phù hợp với người dân tham gia giao thông.

- Thời gian chuyển nhượng không nên quá dài, thường không nên vượt quá 30 năm.

2.3. Phương pháp định giá chuyển nhượng quyền khai thác đường cao tốc

Giá chuyển nhượng quyền khai thác đường cao tốc phải do các chuyên gia của cơ quan quản lý đường cao tốc xác định. Công việc này phải đảm bảo được tính khoa học dựa trên cơ sở các chi phí bỏ ra và các dự tính các lợi ích có thể thu được từ đường cao tốc trong một khoảng thời gian xác định.

Có hai phương pháp để xác định giá chuyển nhượng:

2.3.1. Phương pháp “hiện tại hóa” lợi ích thu được từ đường cao tốc

Phương pháp này được xây dựng từ lý thuyết giá trị của tiền tệ theo thời gian. Theo đó, nội dung của phương pháp này là tính toán các lợi ích có thể thu được từ đường cao tốc trong một khoảng thời gian nào đó rồi quy đổi chúng về thời điểm hiện tại.

Công thức dùng để quy đổi có dạng tổng quát như sau:

ct

Trong đó:

P – Giá trị lợi ích có thể thu được từ đường cao tốc (từ hoạt động thu phí, kinh doanh các cơ sở dịch vụ, quảng cáo…) trong thời kỳ tính toán đã được quy về thời điểm hiện tại;

Ft – Giá trị lợi ích (sau khi đã trừ đi các chi phí để có được lợi ích này) thu được ở năm thứ t từ đường cao tốc trong thời kỳ được quyền khai thác;

n – Kỳ hạn (số năm) được quyền khai thác (kỳ hạn chuyển nhượng);

i – Suất chiết khấu dùng để quy đổi về hiện tại (i có thể chọn là mức lợi nhuận tính toán hoặc mong muốn).

Như đã trình bày ở trên, các lợi ích thu được từ đường cao tốc có thể từ: Quyền thu phí, quyền kinh doanh các cơ sở dịch vụ, quyền đầu tư hạ tầng, quyền quảng cáo… Khi chuyển nhượng quyền khai thác lợi ích đường cao tốc, có thể chuyển giao quyền khai thác tất cả các lợi ích nhưng cũng có thể chỉ chuyển giao một hoặc một vài các lợi ích kể trên. Sau đây, bài báo giới thiệu cách tính một trong những nhân tố chính hình thành giá chuyển nhượng, đó là lợi ích từ quyền thu phí sử dụng đường cao tốc (hay tổng số tiền thực thu từ phí sử dụng đường cao tốc (FP).

FPctt (BPt – CQLt – CDTt – TPt)

Trong đó: BPt   - Tổng số tiền thu phí được ở năm thứ t;

CQLt - Chi phí đảm bảo hoạt động của bộ máy thu phí của năm thứ t (thường được tính theo tỉ lệ % của BPt);

CDTt – Chi phí duy tu, sửa chữa đường cao tốc của năm thứ t;

TPt – Thuế thu nhập phải nộp của năm thứ t;

n – Số năm chuyển nhượng quyền khai thác.

Tổng số tiền thu phí được của năm đầu tiên khi chuyển nhượng được xác định như sau:

- Đối với tuyến đường đang thu phí thì BP1 được lấy theo tổng số tiền thu phí được của năm liền kề trước khi thực hiện chuyển nhượng quyền khai thác.

- Đối với tuyến đường chưa thực hiện thu phí thì BP1 được xác định dựa vào mức thu, đối tượng thu và số liệu thống kê lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên đường trong thời gian ít nhất là 3 tháng để làm căn cứ xác định lưu lượng phương tiện cho cả năm.

Tổng số tiền thu phí của các năm tiếp theo:

BPt = BP1 (1+ Pbq)t-1 ( t ³ 2)

Với Pbq : Tốc độ tăng trưởng bình quân của lưu lượng tất cả các loại phương tiện.

2.3.2. Phương pháp tính giá thành “mua mới”

Theo phương pháp này giá chuyển nhượng được xác định như sau:

Giá chuyển nhượng = Giá thành mua mới tài sản đường cao tốc – Các khoản giảm trừ giá trị tài sản đường cao tốc.

Giá thành mua mới tài sản đường cao tốc là tổng chi phí phải bỏ ra tại thời điểm hiện tại để xây dựng đường cao tốc hoàn toàn mới có quy mô, tiêu chuẩn tương tự như tài sản đường cao tốc cần định giá. Giá thành này bao gồm các chi phí xây dựng đường và các công trình trên đường, các khoản thuế theo quy định của Nhà nước, giá trị phần đất dùng cho đường cao tốc.

Các khoản giảm trừ giá trị tài sản đường cao tốc được xác định căn cứ vào thời gian sử dụng, chất lượng hiện tại của công trình, sự phát triển của khoa học kỹ thuật…

3. Kết luận

Chủ trương chuyển nhượng quyền khai thác không chỉ của các dự án đường cao tốc mà bao gồm cả cảng biển, sân bay… được cho là vừa tạo vốn để đầu tư cho các dự án khác, vừa tạo sự cạnh tranh và mang đến dịch vụ tốt nhất… Đây có thể coi như một “mũi tên” trúng nhiều đích mà Bộ GTVT đang nhắm tới. Nhưng để thực hiện được chủ trương này thì khi xây dựng phương án để chuyển nhượng, các chủ đầu tư và các cơ quan chức năng phải tính toán kỹ lưỡng nhiều phương án, không phải nhà đầu tư mua xong là muốn làm gì thì làm, thu phí với giá nào cũng được. Quá trình này phải thông qua đàm phán công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư  Nhà nước và người dân.

Tài liệu tham khảo

[1]. GS. TSKH. Nghiêm Văn Dĩnh (2009), Kinh tế – Quản lý khai thác công trình cầu đường, NXB. GTVT.

[2]. Hội KHKT Cầu đường Việt Nam (2008), Hướng dẫn quản lý khai thác đường cao tốc.

[3]. Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Ý kiến của bạn

Bình luận