Chuyện Thứ trưởng GTVT xây cầu treo được Bác Hồ làm “mai mối” cưới vợ

Tác giả: Kiều Mai Sơn

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 03/02/2022 10:57

Sau khi hoàn thành, cầu đã đảm bảo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ Trung ương trong An toàn khu (ATK) Việt Bắc qua lại chỉ đạo cuộc kháng chiến được thuận lợi. Vì thế, cây cầu này đã đi vào lịch sử với tên gọi của người đã thiết kế ra nó: Cầu treo Lê Dung.

 

le dung.
Thứ trưởng Lê Dung nhận cờ thưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Lê Thông

THỨ TRƯỞNG THIẾT KẾ CẦU TREO

Kháng chiến toàn quốc (19/12/1946), các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ rời Hà Nội rút lên ATK Việt Bắc, đóng tập trung chủ yếu tại huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) và huyện Định Hóa, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên). Việc tiếp tế hậu cần và giao thông liên lạc giữa các cơ quan Chính phủ, Quốc hội với Trung ương Đảng do Đội Công tác Trung ương phụ trách. Phân giới tự nhiên giữa hai huyện Sơn Dương và Đại Từ là con sông Phó Đáy chảy ra tận sông Lô nên đi lại có phần cách trở.

Bà Lê Thị Lịch (1917 - 2011), Trưởng ban Công tác Đội Trung ương khi còn sống kể: “Những khi trời tạnh nắng thì chúng tôi đảm bảo được giao thông liên lạc, tiếp tế lương thực thực phẩm sang cho các cơ quan của Trung ương Đảng bên Đại Từ, Định Hóa. Những khi trời mưa to, lũ lớn, nước sông Phó Đáy sâu, lại chảy xiết thì cản trở giao thông liên lạc tiếp tế cho cơ quan Trung ương ở bên Định Hóa, Đại Từ không được. Chính vì vậy, chúng tôi phải đặt vấn đề làm cái cầu bắc qua sông để đảm bảo giao thông liên lạc tiếp tế cho cơ quan Trung ương Đảng”.

Đầu năm 1948, kỹ sư Lê Dung - Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính (nay là Bộ GTVT) đã thiết kế và chỉ đạo Ty Giao thông công chính tỉnh Tuyên Quang tổ chức thi công một cây cầu treo bắc qua sông Phó Đáy. Lúc đó, tuy điều kiện thiết bị, vật tư hết sức khó khăn, ông Nguyễn Khắc Tự - Trưởng ty Giao thông công chính tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo việc thi công cây cầu này hết sức khẩn trương. Sau khi hoàn thành, cầu đã đảm bảo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ Trung ương trong ATK Sơn Dương và Định Hóa, Đại Từ qua lại chỉ đạo cuộc kháng chiến được thuận lợi. Vì thế, cây cầu này đã đi vào lịch sử với tên gọi của người đã thiết kế ra nó: Cầu treo Lê Dung.

Sách “Từ điển Tuyên Quang” do NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật (phát hành tháng 12/2018) viết về Cầu treo Lê Dung như sau: “Cầu bắc từ Soi Giếng, thôn Lê, xã Minh Thanh sang chân đồi Khí Nộc, thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân trong vùng đi lại. Đây là chiếc cầu treo duy nhất tại Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, được gọi là Cầu treo Lê Dung.

Cầu dài khoảng 40 m, rộng 1,5 m, chịu lực chính là 2 dây cáp chủ có đường kính khoảng 3 cm. Dầm ngang được làm bằng các thanh tà vẹt, buộc chắc chắn vào dây cáp chủ bằng dây thép. Dầm dọc là các cây gỗ tròn, đường kính khoảng 30 cm, được đặt song song với nhau. Mặt cầu gồm 2 lớp, lớp dưới được lát bằng các miếng gỗ xẻ thành khí, lớp trên là các thanh tre bổ đôi được xếp sát nhau, hai bên đóng nẹp cố định tạo mặt phẳng. Tay vịn ở hai bên thành cầu được làm bằng tre. Ở đầu cầu có các trụ bê tông chắc chắn để cố định 2 đầu cáp.

Đầu năm 1949, địch phát hiện và cho máy bay bắn phá nhưng cầu chỉ bị hư hỏng nhẹ. Từ năm 1955, cầu bị hỏng và không sử dụng được nữa. Địa điểm cầu treo Lê Dung được xếp hạng Di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 516/QĐ-UBND ngày 10/11/2006 của UBND tỉnh Tuyên Quang”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Dung, nguyên quán xã Minh Khai, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Xuất thân trong gia đình trí thức, có tinh thần yêu nước từ trẻ, khi mới ngoài 20 tuổi ông đã tham gia phong trào Cứu tế đỏ ở Quy Nhơn. Với tấm bằng kỹ sư cầu đường của Pháp trong tay, ông ra làm công chức nhưng vẫn ngầm tham gia hoạt động giải phóng dân tộc.

Sinh thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến (1904 - 1997) xác nhận, kỹ sư Lê Dung thuộc thành phần trí thức cao cấp, được giác ngộ cách mạng và có đóng góp tích cực cho phong trào, nên được cử vào Mặt trận Việt Minh TP. Đà Nẵng và Ủy ban Khởi nghĩa TP. Đà Nẵng. Chính kỹ sư Lê Dung là người đã cho đồng chí Lê Văn Hiến mượn xe và lái xe để hóa trang làm kỹ sư cầu đường qua các trạm kiểm soát của Nhật tiện liên lạc với Ủy ban Khởi nghĩa Quảng Ngãi để thống nhất hành động giữa hai tỉnh Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, kỹ sư Lê Dung được quần chúng nhân dân địa phương tín nhiệm cử làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Năm sau (1946), ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội đầu tiên của TP. Đà Nẵng và Bí thư Ủy ban Hành chính Trung Bộ kiêm phụ trách Ngoại giao. “Thời gian đầu mới nắm chính quyền, đồng chí Dung nhờ có kinh nghiệm quản lý nhà nước nên đã giúp được nhiều việc trong bước đầu cách mạng cướp chính quyền”, Bộ trưởng Lê Văn Hiến nhớ lại.

Tháng 7/1947, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mở rộng Chính phủ kháng chiến trên Chiến khu Việt Bắc, kỹ sư Lê Dung được mời tham gia Chính phủ, giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính (Bộ trưởng là kỹ sư Trần Đăng Khoa).

le dung 2.
Cầu treo Lê Dung trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu: Lê Thông

ĐƯỢC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH LÀM “MAI MỐI”

Một chiều hè năm 2010, người viết bài này được gặp cụ bà Lê Thị Lịch - Trưởng ban Kiểm tra Công đoàn ngành GTVT đã về hưu. Cụ bà là vợ của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Dung. Tuổi cao song khỏe mạnh, minh mẫn, trong khuôn viên ngôi nhà số 5 phố Lê Phụng Hiểu, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, bà Lịch ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của mình cùng với câu chuyện được Chủ tịch Hồ Chí Minh làm mai mối lấy ông Lê Dung.

Đầu tháng 8/1945, bà Lịch khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên, lấy bí danh hoạt động là Liên, được cử đi dự Hội nghị Toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Lên tới Tân Trào, các đại biểu vừa gặp nhau thì có tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh. Ngay đêm 13/8/1945, Trung ương Đảng ra lệnh Tổng khởi nghĩa và quyết định cử một số cán bộ về địa phương trước để kịp thời chỉ đạo. Bà Lịch về ngay Phúc Yên để chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh.

Ngày 23/8/1945, trên đường từ Tân Trào về Hà Nội, Hồ Chủ tịch và đồng chí Trần Đăng Ninh cùng các đơn vị giải phóng quân đi qua Đa Phúc, Đông Anh - khi đó thuộc tỉnh Phúc Yên, qua bến đò sang bên kia làng Xù (thôn Phú Xá). Hôm đó, bà Thái Bảo - phụ trách huyện Đa Phúc (sau này là Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội) thay mặt Huyện ủy Đa Phúc ra đón Bác. Bà Lê Thị Lịch bận công tác khác nên khi trở về, nghe tin Bác đến, bà tiếc ngẩn ngơ. Rồi ngày Độc lập 02/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình, bà chỉ nghe giọng nói của Bác chứ chưa hề gặp mặt.

Lần đầu tiên được gặp Hồ Chủ tịch tại làng Gượm, thôn Lai Cầu, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất (Hà Nội hiện nay), bà Lịch viết trong hồi ức dành cho con cháu: “Tôi nhớ mãi lần đầu gặp Bác. Có tiếng ô tô, anh Toàn (tức Tổng Bí thư Trường Chinh) nói: “Bác về đấy”. Tôi mừng run cả chân, còn anh Toàn dắt tay tôi đi như chạy. Cụ đội cái mũ đen, đi giầy ba ta. Cụ nắm tay tôi hỏi: “Cô có khỏe không?”. Sao Ông Cụ hốc hác quá thế kia? Tự dưng tôi muốn khóc...”.

Bí danh của bà lúc ấy là Liên đã dùng từ lâu dễ lộ. Bác liền bảo: “Ở đây có hai chị em, chị tên là Lê Thị Thanh (sau này là cán bộ ở Văn phòng Trung ương Đảng) rồi, em tên là Lịch, Thanh - Lịch mà”. Bà mang tên là Lê Thị Lịch từ đó. Nói rồi, Bác thưởng cho bà tấm khăn dù mà chiến sĩ đã thêu biếu Bác. Bác nói: “Bác thưởng cho cô Lịch vì làm việc tốt”.

Năm 1949, khi chuyển sang công tác khác, bà đem tặng lại ông Tuấn là người thay bà làm Trưởng ban công tác đội Trung ương. “Những ngày ấy được ở bên Cụ, tôi thấy Cụ hình như không nghỉ lúc nào. Có đêm tôi nằm nhà ngang, ngủ một giấc dài, mở mắt, qua khe liếp lên nhà trên vẫn thấy Cụ ngồi bên đèn Hoa Kỳ cọc cạch máy chữ...”, bà Lịch nhớ lại.

Dấn thân vào hoạt động cách mạng quên cả tuổi thanh xuân dần trôi qua, năm 1949, ở ATK Việt Bắc, Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh đã đứng ra mai mối bà với ông Lê Dung, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính. Về sau này, trong những lần bà sinh con ở chiến khu, Bác Hồ biết tin liền gửi cho bà chai mật ong rừng và hai mét lụa.

Ông bà có một gia đình hạnh phúc với 5 người con, trong đó có võ sư Lê Công - Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Karatedo Việt Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận