Cứ đến chiều tối ông Dũng nhận điện thoại của người dân thông báo ra kiểm tra, bôi trơn dầu mỡ chống mưa nắng cho cây cầu sắt |
Tấm lòng “lão gàn”
Cầu “ông Dũng” là tên gọi thân thương mà người dân các xã Đại An, Đại Cường… (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) giành riêng để gọi cây cầu phao mà ông Lê Dũng (51 tuổi, trú thôn Phú Lộc, xã Đại An) bỏ công tốn sức xây dựng nên.
Khác với nhiều nơi, Đại An là xã nông nghiệp nhưng điều kiện còn nhiều khó khăn bởi toàn bộ hàng trăm héc ta đất hoa màu của người dân đều nằm ở bên kia bờ sông. Từ lâu nay, bà con phải lội sông hay chèo ghe mỗi ngày để sang sông làm đồng.
Nhắc đến cơ duyên khiến ông đau đáu làm nên cây cầu này, ông Dũng kể: Sau nhiều năm lang bạt xứ người làm ăn ông tích góp được ít tiền nên quyết định về lại quê hương xây nhà dựng cửa, âu cũng gần nơi hương hỏa ông bà. Năm ông về là mùa nước dâng, dòng sông Vu Gia chảy ngang qua thôn xiết nước khiến bà con vất vả mỗi lúc sang sông. Chứng kiến cảnh ấy, trong tâm thức người con xa quê như ông có đôi chút nghẹn ngào.
Ngay sau đó, trong làng lại xảy ra một vụ đuối nước thương tâm. “Đó là cái chết của một thanh niên trẻ. Cậu ấy là con một, là kỹ sư mới tốt nghiệp, là niềm hy vọng của gia đình ấy. Thế mà, trong một lần cùng cha mẹ ra đồng, cậu ta bơi sang sông lấy ghe chở cha mẹ về ăn cơm thì bị đuối nước”, ông Dũng nghẹn ngào kể.
Trăn trở trước những khó khăn nơi quê hương mình, ông liền xin ý kiến dân làng về việc xây một cây cầu mới. Ban đầu, mới nghe ông trình bày nhiều người lắc đầu bởi số tiền làm cầu là quá lớn so với họ. Thế rồi, ông Dũng quyết định tự nguyện bỏ tiền ra làm cầu. Tưởng ông chỉ nói chơi, nhiều người gọi ông là “lão gàn”, thích “chơi trội” nhưng khi thấy ông tỏ rõ quyết tâm, mọi người và chính quyền địa phương đồng thanh hưởng ứng.
Bản thân được học hỏi đôi điều về cơ khí nên ông quyết định tự mình làm cây cầu. “Nghĩ mình còn độc thân, sống tạm bợ vậy cũng được chứ còn cầu cho bà con đi làm cấp thiết nên tôi quyết lấy số tiền dành dụm mà đưa đi làm cầu”, ông Dũng kể lại.
Những ngày sau đó, ông chạy khắp nơi mua dây cáp, sắt, thùng phuy… rồi một mình hì hục ngồi làm. Đúng 3 tháng sau, dưới bàn tay thô ráp của người nông dân hiền lành, cây cầu phao vững chãi dài 78 mét, rộng 2 mét được thiết kế từ 147 cái thùng phuy, 1,8 tấn sắt thép, 2 tạ dây cáp và 2 trụ cầu 25 tấn chính thức hoàn thành trong niềm hân hoan, phấn khởi của hàng trăm hộ dân nơi đây. Còn với riêng “lão gàn” niềm vui ấy càng được nhân lên gấp bội.
Cứu sinh mạng người
Nói về cây cầu phao mới này, nhiều người dân nơi đây đều cho biết, không chỉ giúp bà con quanh vùng đi làm đồng thuận lợi mà việc buôn bán nông sản cũng rất dễ vì thương lái có thể vào tận nơi, đời sống bà con cứ thế mà khấm khá hơn. “Cầu mới này giúp lũ trẻ đi học an toàn hơn. Đến mùa thu hoạch, bà con chúng tôi nối đuôi nhau chạy xe máy bon bon qua cầu chở rau màu, cảnh tượng rất tươi vui chứ không phập phồng lo lắng chèo ghe như trước kia”, một người dân thôn Phú Lộc hào hứng chia sẻ.
Ông Dũng nhớ lại ngày cây cầu mới khánh thành, thì tối ấy ở làng bên xảy ra chuyện. “Làm xong cầu thì tối đấy, một người tên Long ở làng bên có mẹ bị hen suyễn nhưng gia đình lại cho uống nhầm thuốc phải đi cấp cứu. Gia đình tức tốc đưa đến viện thì bác sĩ nói chậm 5 phút sẽ không cứu được. Sau lần đó, anh Long báo tin cho tôi. Chuyện là, nếu không có cây cầu thì phải chạy hơn 17km vòng qua sông mới đến nơi. Nay có cây cầu chạy vù 5 km là tới nơi mới kịp cứu được mẹ anh Long. Thấy cây cầu của mình làm ra mang hạnh phúc, niềm vui đến cho mọi người là tôi vui rồi”, ông Dũng tươi cười.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn May, Trưởng thôn Phú Lộc (xã Đại An, huyện Đại Lộc) cho biết: “Lúc chưa có cây cầu phao, bản thân tôi từng ngã té xuống nước nhưng may mắn thoát nạn nên tôi thấm thía vai trò của cây cầu vững chãi này lắm. Bây giờ bà con không phải lụy đò nữa, đi ra đồng chạy xe máy bon bon đến ruộng. Quê hương cứ thế mà đổi thay cũng một phần nhờ ông Dũng”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.