Nhiều đoạn đường gom bị hư hỏng nặng, tạo thành những hố sâu, đọng nước gây mất an toàn cho các phương tiện lưu thông qua lại. |
Sau khi tạp chí GTVT điện tử đăng tải bài phóng sự "CIPM phớt lờ chỉ đạo của Bộ GTVT, dân Cà Mau kêu cứu" ngày 28/7 xoay quanh những tồn tại để lại mà địa phương gánh chịu từ Dự án đường hành lang ven biển phía Nam. Thì 7 ngày sau (ngày 4/8) Tạp chí GTVT nhận được văn bản phúc đáp từ Tổng CTY Đầu tư phát triển & Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM). Để rộng đường dư luận, tạp chí GTVT đăng tải lại nội dung công văn trả lời như sau:
Hệ thống đường gom của 38 cây cầu tuyến Hành lang ven biển phía Nam (HLVB) đoạn qua Thới Bình theo thiết kế được Bộ GTVT duyệt bề mặt chỉ làm bằng đá dăm (không có láng nhựa). CIPM đã báo cáo Bộ GTVT vấn đề này để cho phép bổ sung láng nhựa bề mặt đường gom nhưng Bộ GTVT không chấp thuận nên việc phát sinh ổ gà lồi lõm đối với mặt đường đá dăm là không tránh khỏi trong quá trình xe qua lại. Trong thời gian bảo hành nhà thầu sẽ có trách nhiệm sửa chữa lại bề mặt đá dăm cho bằng phẳng.
Vòng xoay tại đầu cầu bắc qua kênh xáng Chắc Băng đơn vị thi công đã thi công theo đúng hồ sơ thiết kế đã được Bộ GTVT phê duyệt, chỉ gồm các đường nối, không có thiết kế cảnh quan hoặc chiếu sáng.
Về câu chuyện Huyện Thới Bình khẳng định CIPM chưa quyết toán hơn 3,9 tỷ đồng thi công khu tái định cư khóm 2, thị trấn Thới Bình, CIPM cho biết chi phí này sử dụng nguồn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (vốn ODA). Hiện tại chưa giải ngân được do năm nay kế hoạch vốn nước ngoài Bộ Kế hoạch Đầu tư bố trí không đủ theo đề xuất của Bộ GTVT. Năm 2016 đã ghi vốn là 7,5 tỷ đồng và CIPM đã chuyển đủ 7,5 tỷ đồng cho Sở GTVT tỉnh Cà Mau và đang chờ Bộ GTVT ghi vốn tiếp theo.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau bức xúc trao đổi với Tạp chí GTVT về những khó khăn, tồn đọng của Dự án hành lang ven biển phía Nam. |
Về nghĩa vụ thuế, Huyện Thới Bình cho biết các nhà thầu là Công ty cổ phần Đông Mê Kông, Công ty cổ phần Phương Thành, Công ty cổ phần Hoàng An thi công tuyến HLVB có nghĩa vụ đóng VAT tương đương 31 tỷ đồng, nhưng mới kê khai 13 tỷ đồng, kê khai còn thiếu 18 tỷ đồng, và cũng mới nộp 6,6 tỉ đồng/31 tỷ đồng. CIPM cho biết Dự án HLVB hiện không được bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán thuế GTGT. Số thuế GTGT các nhà thầu còn nợ của dự án từ năm 2015 đến nay là 26.590 triệu đồng.Trách nhiệm này các nhà thầu phải chủ động kê khai và nộp thuế theo quy định.
Huyện Thới Bình kêu cứu hơn 12 km đường dân sinh hiện hữu dùng để thi công HLVB đã hư hỏng nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn trả lại hiện trạng ban đầu. CIPM khẳng định các tuyến đường công vụ lấy từ đường dân sinh của địa phương như đường Thới Bình – Biển Bạch nhà thầu đã sửa chữa trả lại hiện trạng và đã bàn giao cho địa phương từ ngày 23/1/2014. Đoạn đường hiện hữu dưới dạ cầu Kênh Xáng Chắc Băng nhà thầu đã sửa chữa và hoàn trả lại như hiện trạng ban đầu. Đối với đường từ cầu 6 La Cua đi ra Sông Trẹm đã sửa chữa xong vào cuối tháng 5/2016. Sau khi sửa chữa nhà thầu không sử dụng đoạn đường này nữa, việc hư hỏng phát sinh là do các phương tiện giao thông phục vụ hoạt động của địa phương.
Về các tuyến kênh chưa được thanh thải trở lại trạng thái ban đầu sau khi thi công, CIPM cho biết nhà thầu có trách nhiệm thanh thải tuyến kênh theo đúng quy định hợp đồng và kết thúc vào thời điểm trước khi hết hạn bảo hành.
Theo CIMP, Dự án đường hành lang ven biển phía Nam qua địa bàn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau được bàn giao cho Tổng cục đường bộ Việt Nam đưa vào khai thác từ ngày 16/10/2015 và đang trong giai đoạn bảo hành. Hiện nay nhà thầu đang thực hiện nhiệm vụ bảo hành công trình theo quy định hợp đồng và nhà thầu có trách nhiệm hoàn chỉnh toàn bộ các hư hỏng trước khi hết nhiệm vụ bảo hành công trình.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.