Cô giáo dạy Hóa ở Quảng Ngãi "bén duyên" với nghiệp tuyên truyền ATGT

Tác giả: Đức Tài

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 10/11/2022 06:41

Trực tiếp chứng kiến những vụ TNGT thương tâm, cô Phạm Thị Nữ quyết định lồng ghép các quy định của Luật Giao thông đường bộ vào các tiết học Hóa của mình nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh.

Quảng Ngãi


Cô giáo dạy Hóa ở Quảng Ngãi "bén duyên" với nghiệp tuyên truyền ATGT - Ảnh 1.

Cô Phạm Thị Nữ đưa hình ảnh các hành vi vi phạm giao thông vào tiết Hóa học để tuyên truyền cho học sinh

Những tiết học đặc biệt

Đây là năm thứ 17, cô Phạm Thị Nữ (41 tuổi, Trường THPT Trần Kỳ Phong, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đứng trên bục giảng. Nhiều lần chứng kiến những vụ TNGT thương tâm xảy ra với chính học sinh của mình hay những người khác, cô Nữ luôn bị ám ảnh.

"Nhìn thấy người thân, bạn bè của các nạn nhân gào khóc, ngã gục tại hiện trường của các vụ TNGT khiến bản thân tôi vô cùng xót xa. Là một giáo viên, được tiếp xúc với nhiều học sinh nên tôi quyết định tìm hiều về Luật Giao thông đường bộ để tuyên truyền đến cho các em, với mong muốn các em có thể nâng cao nhận thức khi tham gia giao thông, tránh các vụ TNGT đáng tiếc xảy ra", cô Nữ chia sẻ.

Nói là làm, tháng 9/2021, cô Nữ đưa các điều luật về ATGT vào ngay tiết Hoá học do mình đang đảm nhiệm, phụ trách. Ban đầu, cô lồng ghép các hành vi "Uống rượu bia khi tham gia giao thông" vào chương trình Hóa học lớp 11 trong các bài nghiên cứu về chất "Ancol". Xây dựng các tiểu phẩm liên quan đến tác hại của việc say xỉn khi điều khiển phương tiện để truyền đạt đến cho học sinh.

Hay khi giảng dạy về chất "Ankan", trên cơ sở nội dung hóa học về phản ứng cháy của hidrocarbon, cô liên tưởng đến các hành vi rồ ga, nẹt pô khi tham gia giao thông. Sau đó truyền đạt, giảng dạy lại cho học sinh. Các em không chỉ nắm được kiến thức bài học, mà còn học được tác hại của hành vi đi xe máy rồ ga, nẹt pô như thế nào?

"Qua nhiều tháng thấy học sinh, phụ huynh và ban giám hiệu trường phản hồi tích cực, mình bắt đầu nghĩ đến việc cùng tất cả các giáo viên chủ nhiệm tham gia vào công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho học sinh, thay đổi hành vi và dần dần hình thành thói quen. Đây là hoạt động rất ý nghĩa trong công tác giáo dục ATGT, bởi lẽ giáo viên chủ nhiệm có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ, hành vi của học sinh", cô Nữ nói.

Theo cô Nữ, việc xây dựng mô hình "Giáo viên chủ nhiệm gắn với ATGT" được triển khai ngay từ đầu năm học và theo từng chủ đề, hình thức, nội dung cụ thể. Từ việc tuyên truyền, thông tin tình hình TNGT trong và ngoài địa phương, xây dựng Đội ATGT của lớp, tổ chức các buổi ngoài giờ lên lớp đối với học sinh, giáo án elerning… nhằm mang đến cho các em có nhiều kinh nghiệm, an toàn khi tham gia giao thông. Khi các em nhận thức được điều mình làm hướng đến bảo vệ chính bản thân, cô Nữ tiếp tục xây dựng kế hoạch, việc phối hợp với phụ huynh học sinh trong giáo dục ATGT cho học sinh.

"Trong dịp họp phụ huynh đầu năm học, tôi triển khai cho phụ huynh học sinh ký cam kết về việc tăng cường giáo dục con, em chấp hành đúng pháp luật giao thông; không giao môtô, xe máy cho học sinh chưa có GPLX, chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật và cam kết đội mũ bảo hiểm cho con, em khi ngồi trên môtô, xe máy, xe đạp điện. Cùng với đó, vận động, tuyên truyền, duy trì mối liên hệ về ATGT cho phụ huynh", cô Nữ kể.

Cô giáo dạy Hóa ở Quảng Ngãi "bén duyên" với nghiệp tuyên truyền ATGT - Ảnh 2.

Một tiết dạy học lồng ghép kiến thức pháp luật về TTATGT trong môn học của cô giáo Nữ cho học sinh

Lan tỏa mô hình của cô giáo 8X

Các việc làm của cô Nữ đã đạt những thành công nhất định, hầu hết học sinh đã nắm vững được nội dung cơ bản về Luật Giao thông đường bộ, các biển báo giao thông, hiệu lệnh người điều khiển giao thông, quy định về việc đội mũ bảo hiểm đúng cách, cách đi xe đạp, xe đạp điện an toàn, những quy tắc giao thông cơ bản, quy định xử phạt.

Từ khi thực hiện các mô hình, số vụ TNGT trong Trường THPT Trần Kỳ Phong giảm rõ rệt. Trước đây mỗi năm xảy ra 3 - 4 vụ, thì giờ chỉ còn 1 vụ. Tính chất các vụ cũng giảm khi chỉ có va chạm, không có thương tích nặng. Điều quan trọng hơn, các em có kỹ năng, hành vi, thái độ đúng đắn, ứng xử tốt hơn khi tham gia giao thông. Cùng với đó, nhiều em có những sáng kiến, ý tưởng tuyên truyền ATGT. 

"Khi giảng dạy về một chủ đề ATGT nào đó, tôi phải thu thập thông tin từ nhiều nguồn, nghiên cứu, tìm hiểu rất nhiều những kiến thức có liên quan, có khi tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của cảnh giao thông ở địa phương. Nhiệm vụ chính của tôi vẫn là công tác giảng dạy bộ môn Hóa, vì vậy thời gian dành cho công tác giáo dục ATGT còn hạn chế", cô Nữ trầm ngâm.

Với những việc làm ý nghĩa của mình, cô Nữ đã đạt những giải thưởng trong các cuộc thi như: Giải Xuất sắc cuộc thi "ATGT cho nụ cười ngày mai" dành cho giáo viên do Bộ GD&ĐT tổ chức năm học 2020-2021. Năm học 2021-2022, cô được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua "đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập".

Hiệu trưởng Trường THPT Trần Kỳ Phong Nguyễn Phiêu cho hay, cô Nữ là giáo viên vừa có chuyên môn cao, vừa có những sáng kiến tốt giúp các em học sinh an toàn hơn trong quá trình tham gia giao thông.

"Điều quan trọng nhất, từ những gì cô Nữ làm giúp các em học sinh thay đổi được hành vi, biết giữ gìn sức khỏe, an toàn cho bản thân. Qua đây, nhà trường tiếp tục duy trì việc này, đồng thời phát triển, nhân rộng mô hình để học sinh được đảm bảo an toàn khi đến trường", thầy Phiêu nói.