Xe ben, container… phóng rầm rập trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) lúc 22 giờ 30 phút ngày 22-8 Ảnh: Ý LINH |
Chỉ thống kê trong tháng 8-2018, trên địa bàn TP HCM xảy ra gần 300 vụ tai nạn giao thông, làm chết 62 người và bị thương 209 người. Trong đó, hầu hết các vụ tai nạn nghiêm trọng gây chết người đều liên quan đến xe tải nặng.
Nỗi ám ảnh
Từ ngày 1-8, TP HCM bắt đầu áp dụng việc rút ngắn khung giờ cấm đối với xe tải nặng lưu thông vào khu vực nội đô từ 6 giờ tới 22 giờ, thay vì tới 24 giờ như trước. Tuy nhiên, dù đã được "cởi trói", tăng thời gian hoạt động thêm 2 giờ nhưng nhiều trường hợp vẫn bất chấp lưu thông vào giờ cấm, đường cấm. Theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP, từ đầu tháng 8 tới nay, đơn vị đã xử phạt 19 trường hợp với số tiền 23 triệu đồng.
Qua ghi nhận thực tế trong khung giờ xe tải nặng được phép lưu thông ở các tuyến đường nội đô TP, không ít trường hợp chạy bạt mạng như hung thần. Chị Thanh Hiên (35 tuổi; sống tại một căn hộ chung cư trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3), cho biết mỗi đêm, gia đình chị cùng nhiều hộ dân khác phải chịu sự "tra tấn" bởi những tiếng gầm rú, tiếng còi hơi inh ỏi của xe ben, tải nặng…
"Ban ngày, tôi cũng chứng kiến rất nhiều xe bồn qua lại trên các tuyến đường ở khu trung tâm. Nhiều đoạn dù đường đông nhưng xe bồn vẫn bóp còi inh ỏi, kèn cựa với các loại xe nhỏ hơn, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào" - chị Hiên nói và cho biết vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ lại vụ tai nạn giữa xe bồn và xe máy xảy ra trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) cuối năm 2017 khiến 2 nữ sinh thương vong.
Theo anh Nguyễn Văn Phương (ngụ quận 1), việc cho các loại xe trọng tải lớn lưu thông vào nội đô TP là không ổn, đặc biệt là ban ngày. Lý do là ngoài nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, ở khu vực trung tâm, mật độ phương tiện rất cao nên loại xe bồn, xe ben… khi lưu thông vào còn gây ùn tắc. Vì vậy, theo anh Phương, những loại xe này chỉ nên cho phép lưu thông vào giờ khuya hoặc tiến tới cấm hoàn toàn vào khu trung tâm.
"Chứng kiến những chiếc xe ben, xe bồn chở xăng, trộn bê-tông… luồn lách giữa các hàng ôtô con hoặc xe máy, tôi lại rùng mình. Những khi đường vắng, nhiều xe chạy quá tốc độ cho phép trên các tuyến đường, trong khi ở nội thành, nhu cầu đi lại cao, nếu xảy ra tai nạn, không hình dung nổi hậu quả sẽ như thế nào" - anh Phương nói.
Cần quy hoạch về vận tải hàng hóa
Theo tiến sĩ - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ở nhiều nước, các loại xe tải nặng thông thường được tổ chức lưu thông trên các đường vành đai, tách rời với những sinh hoạt đặc thù trong khu đô thị. Hàng hóa sẽ đưa tới các bãi tập kết và từ đây, xe tải nhẹ làm nhiệm vụ trung chuyển trong các khu đô thị, khu dân cư. Việc tổ chức giao thông như vậy sẽ hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn, giảm ùn tắc giao thông và cũng ít ảnh hưởng đến hạ tầng, đường sá.
Ông Sơn cũng cho rằng việc cho xe tải nặng lưu thông vào khu vực nội đô tạo điều kiện thuận lợi và giảm được nhiều chi phí cho doanh nghiệp (DN). Dù vậy, việc bảo đảm an toàn giao thông phải được đặt lên hàng đầu. Trong hoạt động kinh doanh hoặc các dự án thi công, DN và chủ đầu tư hoàn toàn có thể chủ động và cần chịu trách nhiệm sắp xếp, tổ chức theo nhu cầu của đơn vị. "DN đã chấp nhận hoạt động trong khu nội thành thì phải chịu những chi phí có thể phát sinh theo mục tiêu chung của TP, từ đó chủ động trong việc bố trí kho bãi cũng như tổ chức các hoạt động liên quan. Tuy nhiên, về phía cơ quan quản lý cũng phải cân nhắc và tính toán dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đặt lợi ích chung của xã hội lên đầu để có quyết sách đúng kéo giảm ùn tắc, tai nạn một cách hiệu quả và bền vững" - tiến sĩ - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.
Còn theo tiến sĩ Phạm Sanh, để hạn chế hoặc cấm các loại xe tải nặng vào khu vực nội đô được khả thi, trước đó TP phải có quy hoạch về vận tải hàng hóa trên địa bàn, ít làm ảnh hưởng tới hoạt động chung của DN, việc phát triển kinh tế - xã hội bởi hàng hóa có lưu thông thông suốt mới tạo đà cho kinh tế và phục vụ ngược lại cho người dân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.