Đánh giá về triển vọng áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) cho một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, ông Trần Văn Tâm - Tổng giám đốc Công ty CP Ideco Việt Nam cho biết, để phát huy hiệu quả cao nhất của BIM, nên áp dụng BIM cho toàn bộ vòng đời dự án từ khi lên ý tưởng đến thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, đến triển khai thi công và đưa công trình vào sử dụng. Các quá trình có tính kế thừa, giai đoạn sau sử dụng kết quả của giai đoạn trước.
Hội thảo trực tuyến với chủ đề: "Áp dụng BIM trong công trình hạ tầng giao thông - Thách thức và giải pháp" tổ chức vào sáng nay (6/5), quy tụ nhiều đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện các ban QLDA giao thông, các chuyên gia đầu ngành xây dựng, hạ tầng giao thông, các hiệp hội nghề nghiệp, chủ đầu tư, nhà thầu, các cá nhân hoạt động xây dựng
Tuy nhiên, khi không có điều kiện áp dụng cho toàn bộ vòng đời thì trong từng thời điểm của dự án, nếu lựa chọn quy mô và mức độ áp dụng BIM hợp lý thì cũng có thể phát huy hiệu quả theo mục tiêu đề ra.
Hiện nay các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đang được thiết kế bản vẽ thi công và đang bước đầu triển khai thi công. Dự án này có tầm quan trọng đối với quốc gia, tiến độ và chất lượng đang được quan tâm hàng đầu.
BIM có ưu điểm trong việc quản lý tiến độ, sản lượng và chất lượng thi công. Do đó, có thể áp dụng BIM với mục tiêu cụ thể là quản lý tiến độ, sản lượng, chất lượng công trình, đảm bảo sớm đưa công trình vào khai thác, phục vụ sự phát triển kinh tế của đất nước.
Mặc khác, với hệ thống hàng nghìn km đường cao tốc đang được đầu tư xây dựng, việc quản lý vận hành sao cho hiệu quả cũng đang được đặt ra. Việc ứng dụng BIM với mức độ hợp lý và mục tiêu cụ thể trong giai đoạn này là cơ sở dữ liệu để tiếp tục tận dụng cho giai đoạn sau.
Với cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, hiện nay có thể áp dụng BIM ở 2 mức độ. Cụ thể, đối với các kết cấu như hầm, cầu phức tạp, nếu chưa có thiết kế bản vẽ thi công chi tiết thì có thể áp dụng BIM để mô hình, xuất bản vẽ, khối lượng từ mô hình đảm bảo độ chính xác cao. Đồng thời, sử dụng mô hình BIM để quản lý chất lượng, tiến độ và sản lượng công trình.
Đối với các phần còn lại, mô hình hóa với mức độ chi tiết của mô hình (Level Of Development - LOD) một cách phù hợp để phục vụ cho công tác quản lý chất lượng, tiến độ và sản lượng công trình.
Sau khi hoàn thành công trình, tiến hành cập nhật mô hình BIM hoàn công để phục vụ cho việc quản lý vận hành sau này.
Hiện nay, đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp về BIM đang rất thiếu, các giải pháp công nghệ phần mềm liên quan đến BIM hầu hết do nước ngoài cung cấp, là những trở ngại khi nhà đầu tư muốn áp dụng BIM.
Theo ông Tâm, nếu nhà đầu tư quyết tâm thực hiện sẽ là thuận lợi vô cùng lớn. Đồng thời, cần đề ra các mục tiêu cụ thể, hợp lý để việc áp dụng BIM có thể mang lại hiệu quả thiết thực.
Nếu các đơn vị được cho phép áp dụng và quyết tâm áp dụng, để đảm bảo áp dụng BIM thành công, cần có một số giải pháp chính.
Trước hết, lựa chọn đơn vị tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm về BIM: Các công trình áp dụng BIM trong ngành Giao thông chưa nhiều, kinh nghiệm và kiến thức về BIM của các bên liên quan còn thiếu, do đó việc kiểm tra, giám sát của các bên liên quan đến quá trình thực hiện BIM còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh đó, cần lựa chọn đơn vị tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm để thực hiện BIM để đảm bảo chất lượng của công tác liên quan đến BIM.
Tiếp đó, đề ra các mục tiêu áp dụng BIM hợp lý: BIM có rất nhiều lợi ích, tuy nhiên phải lựa chọn mục tiêu phù hợp trong từng giai đoạn thì mới phát huy hiệu quả của ứng dụng BIM.
Đồng thời, lên kế hoạch thực hiện một cách rõ ràng, chi tiết: BIM là một giải pháp mới mẻ ở Việt Nam. Do đó, để đảm bảo thành công cần lên một kế hoạch thực hiện với đầy đủ yếu tố về: Nhân lực, lựa chọn hệ thống giải pháp công nghệ phần mềm, thời gian và tiến độ thực hiện chi tiết.
Trong bối cảnh còn có những trở ngại chưa thể khắc phục được ngay (đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp về BIM còn thiếu, các giải pháp công nghệ phần mềm liên quan đến BIM hầu hết do nước ngoài cung cấp…), các chuyên gia nhận định rằng, khó khăn của việc áp dụng BIM thành công không phải ở những vấn đề này mà nằm ở tư tưởng, tư duy quen cách làm cũ, khó thay đổi nhanh chóng của các bên tham gia dự án.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.