Khẩn trương giải quyết dứt điểm vướng mắc về mặt bằng
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Ban QLDA đường Hồ Chí Minh về việc khẩn trương thực hiện các giải pháp để đáp ứng chất lượng, tiến độ hoàn thành dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ.
Đối với các khu vực đã bàn giao mặt bằng nhưng còn vướng mắc chưa thể thi công, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với địa phương, đẩy nhanh tiến độ (chi trả, đền bù, tập trung giải quyết các khiếu nại của người dân về giá đền bù, bố trí tạm cư cho các hộ dân khi chưa hoàn thành khu tái định cư,…).
Đồng thời thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến thi công; theo nguyên tắc ưu tiên GPMB các đoạn đường tiếp cận, đường công vụ, các vị trí xen kẹp, "xôi đỗ",… các vị trí nền đường đào để điều phối vật liệu đắp nền đường, các vị trí công trình hầm, cầu, thời gian hoàn thành trong tháng 5/2023; khẩn trương hoàn thành các thủ tục để sớm triển khai xây dựng khu tái định cư đảm bảo người dân nằm trong diện giải tỏa sớm ổn định chỗ ở.
Đối với bãi đổ thải, mỏ vật liệu, một số bãi đổ thải, mỏ đất hiện nay nhà thầu chưa thỏa thuận được với người dân về đền bù tài sản trên đất,... Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cần phối hợp với nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát khẩn trương kiểm tra, rà soát tình trạng của bãi đổ thải; chủ động làm việc, phối hợp chặt chẽ với địa phương để hỗ trợ trong quá trình thỏa thuận với người dân, đền bù tài sản trên đất và thống nhất với địa phương về đường vận chuyển đổ thải, vận chuyển vật liệu, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Về việc huy động nhân sự, thiết bị, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cần kiện toàn về tổ chức, số lượng nhân sự cần thiết để quản lý điều hành từng gói thầu, dự án; rà soát, phân công điều chỉnh trách nhiệm cho từng lãnh đạo, cá nhân theo dõi tiến độ của từng gói thầu cho phù hợp, bám sát hiện trường đối với công tác huy động các mũi thi công, nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư,...
Cùng với đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cần kiểm soát chặt chẽ việc huy động trạm thí nghiệm hiện trường, việc huy động các kỹ sư tư vấn giám sát phù hợp với chuyên ngành (kỹ sư cầu, đường, trắc địa, địa chất, vật liệu,…) để hướng dẫn, kiểm tra việc thi công của nhà thầu đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
Tư vấn, nhà thầu nâng cao trách nhiệm
Đối với tư vấn thiết kế (giám sát tác giả), Bộ GTVT yêu cầu thực hiện nghiêm túc công tác giám sát tác giả theo quy định, cử cán bộ có năng lực, kinh nghiệm bám sát hiện trường dự án kịp thời phối hợp với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh để giải quyết các vấn đề liên quan đến điều chỉnh thiết kế (nếu có) trong quá trình thi công; không làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Đối với tư vấn giám sát, Bộ GTVT yêu cầu rà soát hồ sơ đề cương tư vấn giám sát, trong đó bổ sung danh sách tên nhân sự tư vấn giám sát kèm theo chức danh, nhiệm vụ, quyền hạn của các nhân sự (tư vấn trưởng, kỹ sư thường trú, kỹ sư, giám sát viên,…) trong việc rà soát, ký các phiếu nghiệm thu, biên bản nghiệm thu, báo cáo,… rà soát quy trình nghiệm thu chi tiết (các bước nghiệm thu, thành phần hồ sơ nghiệm thu, thành phần và trách nhiệm của các đơn vị tham gia nghiệm thu), biểu mẫu nghiệm thu, nhật ký thi công để áp dụng thống nhất trong dự án.
"Trong quá trình thực hiện, nếu có sự thay đổi về nhân sự phải báo cáo trình Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chấp thuận và cập nhật lại danh sách nhân sự tư vấn giám sát", Bộ GTVT yêu cầu.
Đối với nhà thầu thi công, Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu thi công chịu hoàn toàn trách nhiệm về tiến độ, chất lượng theo đúng quy định của hợp đồng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường máy móc thiết bị thi công, tập trung nguồn lực tài chính, lực lượng thi công, có giải pháp tổ chức thi công phù hợp; đặc biệt là tiến độ thuộc "đường găng" hoàn thành của gói thầu, dự án.
Cũng theo Bộ GTVT, các nhà thầu phải khẩn trương huy động nhân lực, máy móc, thiết bị tại các mũi thi công; tổ chức thi công linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, tranh thủ thời tiết thuận lợi thi công tăng ca, tuân thủ yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung theo biện pháp thi công được chấp thuận và quy định của pháp luật liên quan để đảm bảo chất lượng công trình, ATGT, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án; đồng thời phải kiểm soát tiến độ thi công của các nhà thầu phụ hiện nay, trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhà thầu chính thực hiện.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.