Liên quan tới việc nhà xe Hưng Long “đội lốt” xe hợp đồng để bắt – trả khách tuyến Hà Nội – Quảng Trị và ngược lại tại điểm 69 Phạm Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) và 338 Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chúng tôi đã trao đổi với ông Thân Văn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam để làm rõ hơn những sai phạm mà nhà xe này đang “diễn” để qua mặt các cơ quan chức năng.
Theo nhận định của ông Thanh, hoạt động hiện tại của nhà xe Hưng Long đã vi phạm điều 18 nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch bằng xe ô tô.
Theo đó, xe hợp đồng không được bán vé dưới bất kì hình thức nào, phải đón khách du lịch tại nơi quy định trong hợp đồng và đưa khách tới nơi kí kết.
“Đây là hoạt động trái pháp luật, gây rối loạn trong giao thông vận tải và ùn tắc giao thông đô thị, đồng thời là hoạt động cạnh tranh không lành mạnh” – ông Thanh khẳng định.
Sau khi được phóng viên cung cấp tờ phiếu thu được nhà xe Hưng Long “chế” cho khách hàng làm vật “thông hành”, ông Thanh tỏ ra khá bức xúc. Bởi lẽ, phiếu thu này không phản ánh thuế và không có trách nhiệm bảo hiểm cho hành khách. Những hành khách không nhận thức điều này và chẳng may xảy ra tai nạn sẽ… trắng tay.
Và không chỉ nhà xe Hưng Long, hiện tại vấn nạn “đội lốt” này còn trở thành “hiện tượng” với nhiều nhà xe khác mà hình thức “trá hình” của họ rất tinh vi.
Mặc dù pháp luật đã có những quy định nếu là tuyến cố định phải kẻ nơi đi, nơi đến ngay trước xe nhưng các nhà xe vẫn ngang nhiên “phớt lờ” quy định và xây dựng “luật” của riêng mình.
“Xung quanh bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) có rất nhiều bến dù, bến cóc. Trách nhiệm cao nhất trong việc chấn chỉnh hoạt động của các nhà xe này thuộc về chính quyền địa phương và cụ thể là công an địa bàn. Đây là 1 vấn đề xã hội. Khi Nhà nước khó khăn thì mở ra cho dân tự đầu tư mua xe. Nhưng hiện tại trong khoảng thời gian rất dài Nhà nước không đầu tư xe nào, tất cả là xe tư nhân. Sớm muộn phải siết chặt quản lý, phải thành lập các tổng công ty vận tải khu vực. Có như thế mới từng bước lập lại trật tự đô thị” – đó là khẳng định của ông Thanh liên quan tới những sai phạm của nhà xe Hưng Long tại bến 69 Phạm Hùng (phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Ông Thanh cũng đặt câu hỏi, liệu có hay không 1 “thế lực” đứng sau hoạt động trái phép này của nhà xe Hưng Long? khi mà “tên tuổi” và những sai phạm của nhà xe này không còn là vấn đề mới.
Đồng quan điểm với ông Thân Văn Thanh về vấn đề phiếu thu, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cũng nói rõ, phiếu thu “không phản ánh thuế và không có trách nhiệm bảo hiểm cho hành khách”.
Bản thân ông Hùng cũng đặt ra câu hỏi về việc tại sao xe hợp đồng lại được đón – trả hành khách. Hơn nữa việc đón – trả khách ấy còn diễn ra công khai tại các bến “ngầm”.
Nhắc tới nhà xe Hưng Long, chúng tôi nhận được rất nhiều chia sẻ từ phía cơ quan chức năng khi họ đều nắm được thông tin về nhà xe này.
Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho biết vấn đề các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về hoạt động trái phép của nhà xe Hưng Long, phía Sở đã nắm được và đang lên kế hoạch rà soát, kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ở 1 góc độ khác, ông Hoàng Ngọc Đức – Đội trưởng đội Thanh tra Giao thông quận Nam Từ Liêm đã cho lực lượng của mình mật phục tại địa điểm 69 Phạm Hùng nhằm “phát hiện sai phạm của nhà xe Hưng Long và bắt tại trận” sau khi có những chứng cứ được phóng viên cung cấp.
Tuy nhiên, tối 9/5, tại thời điểm đón – trả khách vào khoảng 19h30’ tại bến 69 Phạm Hùng, nơi đây vẫn đèn điện sáng nhưng tấm tôn chỉ được hé mở đủ cho người đi bộ qua. Toàn bộ khách được tập kết về đây và nhân viên nhà xe hướng dẫn họ di chuyển sang 1 địa điểm khác để lên xe.
Địa điểm đó được ông Đức cung cấp là nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy. Sau khi theo dõi và phát hiện địa điểm đó không thuộc địa bàn mình, ông Đức cho biết mình phải quay về vì không nằm trong tầm kiểm soát của thanh tra giao thông quận Nam Từ Liêm.
Ông Đức còn tiết lộ thêm, hoạt động của nhà xe này đã thưa thớt từ 2 tuần trước khi phóng viên cung cấp thông tin. Những ngày Đội của ông “nằm vùng” thì cũng không thấy hiện tượng như báo chí phản ánh. Mặc dù toàn bộ hình ảnh, clip… được chúng tôi ghi lại thì nhà xe này vẫn hoạt động “nhộn nhịp” chỉ trước thời điểm ông Đức nói 1 vài ngày…
1. Đơn vị kinh doanh vận tải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này.
2. Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm; xe ô tô chuyển đổi công năng không được vận tải khách du lịch.
3. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 3 Điều 15 Nghị định này.
4. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch vận chuyển hành khách trên hành trình có cự ly từ 300 ki lô mét trở lên phải có số lượng xe tối thiểu như sau:
a) Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương: Từ 10 xe trở lên;
b) Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại: Từ 05 xe trở lên, riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ: Từ 03 xe trở lên.
5. Đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô ngoài các điều kiện quy định tại Nghị định này, còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về du lịch có liên quan.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.