Còi xe đang bị lạm dụng vào việc... giành quyền đi trước

Bạn đọc 12/03/2017 09:01

Ngã tư Phú Nhuận giờ tan tầm, các phương tiện chen chúc nhau. Còn 3 giây nữa là hết đèn đỏ, những tiếng còi xe inh ỏi vang lên...

 

Còi xe đang bị lạm dụng vào việc... giành
Xe cộ trên đường Tây Sơn (Hà Nội). Ảnh: Nam Trần

Bật đèn xin rẽ sang trái, một cô gái chạy xe tay ga giật thót người khi nghe tràng còi inh ỏi từ chiếc xe taxi đang muốn đi thẳng phía sau lưng.

Hình ảnh này là chuyện thường ngày trên đường phố Sài Gòn.

“Không hiểu nổi”

Là ý kiến của bạn đọc tên Bảo về việc khi dừng đèn đỏ mà tín hiệu chưa chuyển xanh hoặc còn 3-4 giây nữa mới chuyển mà phía sau cứ bóp kèn hối thúc inh ỏi hay người phía sau cứ bóp kèn kêu nhường đường cho quẹo phải, trong khi đường chật cứng, không còn chỗ nào để nhường nữa.

Chị Thảo Nguyên (Q.7, TP.HCM) cho biết không ít lần chị giật bắn người và loạng choạng tay lái vì tiếng còi xe buýt, xe tải phía sau mình. “Lúc đó vừa sợ vừa ấm ức. Họ làm tài xế mà không ý thức gì về tiếng còi của mình, cứ thích là bấm, không cần biết có gây nguy hiểm gì cho người đi đường hay không. Chị em phụ nữ nhiều người tay lái yếu, lỡ giật mình ngã xe xuống đường thì sao? Chưa kể nhiều chị còn có bầu hay chở em bé trên xe”- chị Nguyên bức xúc.

Một người khác kể chuyện từng chứng kiến một cô gái rất xinh đẹp đi xe tay ga xịn đang chạy trong con đường hẹp, phía trước là cụ già đang chậm rãi từng bước qua đường. Vậy mà cô gái cứ bấm còi liên tục để thúc ông cụ đi nhanh, để có đường cho cô đi.

Luật sư (LS) Hồ Nguyên Lễ cho rằng còi xe đang bị lạm dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau như lấn đường, giành quyền đi trước, thể hiện sự bực dọc với người tham gia giao thông, trả đũa khi bị chậm lại vì người phía trước không chịu vượt đèn vàng, bấm còi giành quẹo phải khi người phía trước đang dừng đèn đỏ… Ở nhiều tuyến đường, xe máy, taxi, xe buýt, xe tải cùng chia sẻ một không gian khá chật hẹp. Lúc này tiếng còi càng dễ vang lên hơn, nhất là những tràng còi dài như thét vào tai của các loại xe lớn.

“Họ làm vậy có thể vì nóng vội, không muốn mất thời gian, không quan tâm đến người khác đang cùng giao thông... Suy cho cùng là ý thức, văn hóa tham gia giao thông không chuẩn”, LS Hồ Nguyên Lễ nhận xét.

TS Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải nhận định việc dùng còi vô tội vạ là thói quen khó bỏ của nhiều người VN. Không chỉ xe máy mà nhiều loại xe cỡ lớn cũng dùng còi xe để tranh giành đường và gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.

Chưa có quy định khi nào được bấm còi

Theo điều 14 Luật giao thông đường bộ: khi vượt xe thì báo tín hiệu bằng còi. Hiện nay luật chỉ cấm người tham gia giao thông bấm còi liên tục, bấm còi hơi trong khu đô thị và khi đông dân cư, bấm còi từ 22 giờ đến 5 giờ (trừ xe ưu tiên theo quy định).

Như vậy, luật không cấm trường hợp không vượt xe mà vẫn bấm còi và do đó, luật không cấm nên nhiều người tham gia giao thông đã lạm dụng cả những trường hợp không cần thiết nhưng vẫn bấm còi vô tộ vạ.

Cần xử phạt nghiêm

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho biết ở các nước châu Âu, việc bấm còi xe rất hiếm khi xảy ra. Nếu bấm còi không đúng quy định còn bị phạt rất nặng. Trong khi đó tại VN, việc xử lý gần như bị bỏ ngỏ.

Cùng quan điểm, TS Đinh Thị Thanh Bình cho rằng việc bấm còi xe inh ỏi vào ban ngày dường như chưa được đề cập đến. Vấn đề giao thông của VN còn quá nhiều điều để xử lý, có thể vì lý do này mà việc chấn chỉnh việc sử dụng còi xe vẫn chưa được quan tâm lắm.

Theo TS Đinh Thị Thanh Bình, cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc trường hợp nào được sử dụng còi, sử dụng như thế nào, mức xử phạt ra sao và đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý.

Để xây dựng nét văn minh trong văn hóa giao thông, nâng cao ý thức an toàn giao thông, theo các chuyên gia là nên đưa những nội dung về pháp luật giao thông, ứng xử khi tham gia giao thông vào trong trường học.

Bên cạnh đó, nên mở những lớp ứng xử tham gia giao thông buộc người vi phạm phải học. Các cơ quan, tổ chức hành chính cũng nên ra các quy định buộc cán bộ viên chức thực hiện đúng luật giao thông, ứng xử trong giao thông.

Theo các chuyên gia, ngoài công tác tuyên truyền thì phải xử phạt đúng và quyết liệt không nể nang. Nếu không thể trông chờ vào sự tự giác thì phải xử phạt nghiêm để nâng cao ý thức.

“Nếu cơ quan chức năng làm cương quyết, có trách nhiệm và xử phạt đúng theo các quy định pháp luật thì tôi tin rằng việc bấm còi bừa bãi sẽ giảm ngay, trả lại môi trường không tiếng ồn cho người tham gia giao thông”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận