Văn hóa còi xe

Tác giả: Song Nhẫn

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 27/07/2016 05:17

Còi là tín hiệu giao thông, là phương thức để báo hiệu phương tiện khi đến gần một phương tiện khác. Tưởng chừng như còi là một thiết bị vô hại nhưng hiện nay, còi lại đang là thiết bị khiến nhiều người đi đường bức xúc.

tieng-coi-xe-va-nhung-tai-nan-thuong-tam

Nếu ai đó lần đầu đến Hà Nội chắc không khỏi ngạc nhiên về cách sử dụng còi của một số người tham gia giao thông. Người ta có thể bấm còi bất cứ lúc nào, bất cứ đoạn đường nào, vào bất cứ thời điểm nào. Hàng loạt tiếng còi phát ra vào giờ cao điểm làm cho bức tranh giao thông trở nên “sinh động” hơn bao giờ hết. Những tiếng còi liên tục vang lên cùng tiếng động cơ phương tiện như một “bản hợp xướng” - một đặc trưng của giờ cao điểm ở Hà Nội. Những người phải tham gia giao thông thường xuyên ở Thủ đô đã quá quen thuộc, tuy nhiên đối với những người ở nơi khác đến, những người nước ngoài thì đây đúng là thảm họa. Người không quen sẽ thấy vô cùng chói tai và mệt mỏi khi đường ùn tắc, khó di chuyển, trong khi phải liên tục nghe những tiếng “bim bim, pò pò” phía sau. Nếu có nhắc nhở người điều khiển phương tiện thì liền bị phản ứng lại gay gắt, thậm chí còn hứng cả những lời lẽ thô tục.

Câu chuyện “văn hóa còi xe” không chỉ xảy ra khi giao thông ùn tắc. Tại các cột đèn xanh đèn đỏ, khi đèn đỏ còn khoảng 5 giây thì một bộ phận tham gia giao thông liên tục bấm còi. Có thể họ nghĩ rằng 5 giây là một tích tắc, là khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi, đi trước 5 giây thì chẳng có vấn đề gì. Nhưng họ đâu có biết rằng chỉ 5 giây đó cũng đủ để xảy ra TNGT, cũng đủ để cướp đi sinh mạng hay gây thương tật cho người cùng tham gia giao thông.

Nghị định số 171/2013/NĐ-CP đã quy định mức phạt rất rõ ràng khi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Theo đó, người bấm còi gây ồn ào sẽ bị xử phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng. Tuy nhiên, cho đến nay người tham gia giao thông vẫn không hề quan tâm đến vấn đề này. Phải chăng ở Việt Nam, mọi người tham gia giao thông theo nguyên tắc “còi to cho vượt” hoặc theo kiểu “văn hóa còi?”.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận