Còn độc quyền, hàng không Việt Nam còn tụt hậu

Ý kiến phản biện 21/03/2015 13:24

Hành khách đi máy bay bị chậm chuyến, thường kêu ca các hãng hàng không. Nhưng ít ai biết rằng, hệ thống cơ sở vật chất và dịch vụ mặt đất của ngành hàng không Việt Nam quá lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu của thực tế.


“Mật độ bay tăng nhanh, năng lực điều hành quản lý an toàn bay cũng tăng nhưng hạ tầng không tăng dẫn tới ách tắc. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới chậm, hủy chuyến. Hãng hàng không bao giờ cũng mong muốn đến đúng giờ nhưng do vấn đề thời tiết, không lưu… và quan hệ với các đơn vị cung ứng dịch vụ đồng bộ từ mặt đất, kỹ thuật, xăng dầu, suất ăn đã trở thành vấn đề căng thẳng” – đó là ý kiến của ông Dương Trí Thành – Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines – tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không VN diễn ra ngày 19.3.

sanbay_SHWU

Vietnam Airlines còn có mặt bằng tại các sân bay, có công ty phục vụ mặt đất và công ty cung ứng trực thuộc, nhưng vẫn còn gặp khó khăn. Các hãng không có điều kiện như Vietnam Airlines khó khăn gấp bội.

Một vấn đề rất lớn ảnh hưởng nặng nề đến kết quả kinh doanh của các hãng máy bay, đó là hao hụt xăng dầu. Nói hao hụt hay thất thoát cho “lịch sự”, nhưng thực chất là có tình trạng ăn cắp xăng dầu.

Mới đây, lực lượng chức năng bắt băng trộm xăng dầu máy bay. Nhóm đối tượng bị bắt khai báo, đường dây này trộm mỗi ngày 600 – 900 lít xăng và hoạt động được hơn hai năm. Còn bao nhiêu đường dây khác đang hoạt động nhưng chưa bị phát hiện thì chưa biết, nhưng các hãng máy bay vẫn đang là nạn nhân của nạn trộm cắp xăng dầu.

Đại diện của hãng Vietjet công khai trước hội nghị, Cty Vinapco nạp nhiên liệu cho Vietjet với tỉ lệ hao hụt bình quân 2%. Với tỉ lệ này, năm nay Vietjet mất toi 120 tỉ đồng do xăng dầu bị “thất thoát”. Một con số quá lớn đối với doanh nghiệp và cũng là một phần mà người tiêu dùng phải gánh. Bởi vì, nếu các hãng không bị mất số tiền lớn vì thất thoát xăng dầu, thì có thể giảm giá vé nhiều hơn, hành khách sẽ được lợi.

Dù biết có tình trạng ăn cắp xăng dầu nhưng các hãng máy bay không thể tìm đối tác cung cấp khác, vì hiện nay gần như Vinapco độc quyền trên nhiều sân bay. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp khai thác hạ tầng và dịch vụ để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh hàng không.

Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT đã nghe các hãng hàng không trình bày khó khăn. Hãy tháo gỡ những khó khăn đó, đừng hứa.

Một trong những cách tháo gỡ hiệu quả là phá bỏ độc quyền kinh doanh các dịch vụ mặt đất, còn độc quyền là còn lắm thứ tai hại.

Theo laodong

Ý kiến của bạn

Bình luận