Triển lãm Ô tô Việt Nam 2018 có lượng xe nhập khẩu áp đảo với rất nhiều mẫu xe mới |
Năm 2017 chứng kiến “cơn bão” giảm giá lịch sử trên thị trường ô tô Việt Nam do chính sách thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN vào Việt Nam giảm xuống còn 0% từ ngày 01/01/2018. Đây là lý do “đè nặng” tâm lý người tiêu dùng phải thận trọng, sẵn sàng chờ đợi ngày xe giảm giá.
Tuy nhiên, trong năm 2018 thị trường ô tô tuy có khởi sắc nhưng vẫn lẹt đẹt cùng với nhiều biến động thất thường, đặc biệt là giá xe giảm như kỳ vọng đã không xảy ra mặc dù chính sách giảm thuế xuống 0% đã giúp lượng xe nhập khẩu từ khu vực các nước ASEAN chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, Nghị định 116/2017 siết chặt hoạt động nhập khẩu được xem là nhân tố chính có sức ảnh hưởng lớn tới doanh số của thị trường. Cụ thể, Nghị định 116 quy định các doanh nghiệp nhập xe vào Việt Nam cần có giấy chứng nhận về xuất xứ, kiểu loại được chứng nhận bởi cơ quan nước ngoài, đồng thời từng lô xe nhập khẩu về đều cần kiểm định. Trong khi đó, hầu như các nước xuất khẩu xe sang Việt Nam lại chưa có tiền lệ cấp những thủ tục theo quy định của Việt Nam nên thị trường nhập khẩu xe trong đầu năm 2019 gần như tê liệt do lượng phương tiện nhập khẩu không thể “cập bến”.
Cùng với đó, các doanh nghiệp phải thực hiện những quy định mới về giấy tờ, thủ tục kiểm tra tiêu chuẩn khí thải, an toàn kỹ thuật… Chính vì vậy, phải đến tháng 9, hoạt động kinh doanh ô tô nhập khẩu mới khởi sắc trở lại.
Dù được hưởng mức thuế 0% nhưng ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN lại chịu nhiều loại thuế, phí khác nên giá xe không hề giảm như kỳ vọng mà có xu hướng tăng lên. Theo phân tích của các chuyên gia, “cơn bão” giảm giá ồ ạt và liên tục trong năm 2017 đã khiến giá xe “chạm đáy” và khó có thể tiếp tục giảm thêm. Trong khi đó, nguồn cung nhập khẩu bị chậm, lượng xe lắp ráp trong nước không cung ứng đủ đã dẫn tới tình trạng khan hiếm trên thị trường và đi kèm là tình trạng đội giá.
Trong năm 2018, giá xe biến động khó lường đối với những mẫu xe phổ thông chủ yếu là nhập khẩu ASEAN và xe lắp ráp trong nước. Có những mẫu xe giảm giá hàng trăm triệu đồng, nhưng có những mẫu tăng giá liên tục.
Nghị định 116/2017 siết chặt hoạt động nhập khẩu được xem là nhân tố chính có sức ảnh hưởng lớn tới lượng xe nhập khẩu chậm “cập bến” |
Trên một diễn biến khác, đây lại là thời điểm thúc đẩy “diện mạo” của xe lắp ráp trong nước. Bởi lẽ, nhu cầu chuyển đổi từ xe máy lên xe ô tô của người dân là rất cao, chỉ do tâm lý e ngại biến động giá sau khi những chính sách mới được áp dụng nên xe lắp ráp trong nước được coi là lựa chọn hợp lý. Do lượng xe nhập khẩu vẫn còn rất ít, giá thành vẫn còn cao nên gần như không có áp lực đối với xe lắp ráp trong nước. Đây cũng là yếu tố khiến giá bán xe lắp ráp trong nước không thay đổi nhiều.
Trong khoảng cuối năm 2018, “tiếp lửa” cho sự khởi sắc của thị trường ô tô là màn “trình làng” ấn tượng của 3 mẫu xe VinFast. Đây chính là tín hiệu tốt, báo hiệu cho sự phát triển trở lại của thị trường xe Việt vì 3 mẫu xe thương hiệu Việt nhắm tới phân khúc xe đô thị và tầm trung cùng giá bán cạnh tranh với những mẫu xe từ các thương hiệu nước ngoài, còn giấc mơ ô tô giá rẻ của người Việt vẫn phải tiếp tục chờ đợi trong thời gian tới.
Tuy giá xe biến động khó lường nhưng tâm lý e ngại, chờ đợi giá xe giảm của người tiêu dùng cũng đang dần “giảm nhiệt”, cùng với đó là những chính sách mới dần đi vào cuộc sống đã phần nào thúc đẩy sự khởi sắc nhẹ của thị trường xe.
Theo nhiều chuyên gia, dự kiến trong năm 2019 thị trường ô tô có thể sẽ khởi sắc ổn định và rực rỡ hơn khi các doanh nghiệp nhập khẩu đáp ứng được các quy định mới, lượng xe nhập khẩu “ồ ạt” vào Việt Nam với nhiều mẫu xe đa dạng sẽ giải tỏa “cơn khát” của người tiêu dùng, nhất là cân bằng được cung - cầu được xem là yếu tố khiến giá xe biến động khó lường trong năm 2018
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.