Còn nhiều bất cập ảnh hưởng hiệu quả “phạt nguội” qua camera

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Pháp luật giao thông 20/03/2021 13:09

Nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, thời gian qua, bên cạnh việc xử phạt trực tiếp, lực lượng CSGT toàn quốc đã tăng cường “phạt nguội” thông qua ghi hình công khai hoặc bí mật để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trật tự giao thông trên địa bàn. Tuy mang lại hiệu quả tích cực nhưng quá trình xử lý “phạt nguội” vẫn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

 

1
Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an giới thiệu hình ảnh do camera lắp đặt trên một số tuyến đường cao tốc ghi lại và gửi về trung tâm phân tích

Hiện nay, tại các nước phát triển, việc áp dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý bảo đảm trật tự ATGT rất phổ biến và có tác dụng tích cực. Tại Việt Nam, hình thức xử phạt vi phạm về trật tự ATGT qua hình ảnh camera hay còn gọi là “phạt nguội” đang được áp dụng thí điểm tại một số thành phố lớn và trên một số tuyến cao tốc, quốc lộ.


Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an Đỗ Thanh Bình cho biết: “Nhằm kịp thời phát hiện tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính” từ năm 2021 đến năm 2025.

Mục tiêu của đề án là nâng cấp trung tâm thông tin chỉ huy Cục CSGT, bảo đảm việc kết nối các hệ thống camera của các đơn vị trong và ngoài ngành Công an. Đề án đặt ra tầm nhìn đến năm 2030 hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, dịch vụ của các đô thị thông minh kết hợp với hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều khiển giao thông...

Nói về hiệu quả của việc lắp đặt camera “phạt nguội” trên toàn quốc, Phó Cục trưởng Đỗ Thanh Bình kỳ vọng đây sẽ là giải pháp “điều trị” hiệu quả hành vi cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi không có lực lượng chức năng, từ đó góp phần giảm thiểu TNGT. Việc tăng cường “phạt nguội”, hạn chế xử phạt thủ công sẽ đảm bảo được sự minh bạch trong xử phạt và nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ thì CSGT sẽ không phải ra đường lập chốt để xử phạt nhiều như hiện nay.

“Sau khi hệ thống camera “phạt nguội” được lắp đặt trên toàn quốc thì sẽ tối ưu hóa ứng dụng công nghệ vào xử phạt nên CSGT chỉ làm nhiệm vụ tuần lưu, điều tiết giải quyết tai nạn là chính. Việc lập chốt xử phạt chỉ thực hiện để phát hiện các lỗi camera không thể phát hiện được như nồng độ cồn, ma túy, vượt quá tải trọng...”, Phó Cục trưởng Đỗ Thanh Bình phân tích.

Đại tá Dương Đức Hải - Trưởng phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, việc lắp đặt hệ thống camera “phạt nguội” trên toàn quốc sẽ tạo thuận lợi cho CSGT trong quá trình giám sát, điều hành, xử lý vi phạm. Mặt khác, việc quản lý qua hệ thống camera giám sát sẽ giảm vất vả cho CSGT, tạo một hành lang pháp lý công khai, minh bạch. Qua hình ảnh camera ghi lại, cảnh sát sẽ truy vết được tài xế vi phạm, tội phạm... Ngoài ra, lực lượng chức năng có thể cảnh báo sớm các trường hợp tai nạn, nguy hiểm, biết được những nút giao thông ùn tắc..., từ đó xử lý đèn tín hiệu để người tham gia giao thông di chuyển thuận lợi nhất.

Cũng theo Cục CSGT, trong năm 2020, hệ thống camera “phạt nguội” trên toàn quốc đã ghi nhận, phát hiện để lực lượng chức năng xử phạt trên 120.000 trường hợp vi phạm. Riêng Hà Nội hiện có hơn 200 camera giám sát, xử lý vi phạm lắp đặt trên các tuyến đường, nút giao trung tâm. Từ tháng 11/2019 đến tháng 11/2020 có khoảng 16.000 tài xế bị “phạt nguội” qua hệ thống camera. Do thông tin vi phạm được cập nhật thường xuyên lên hệ thống tra cứu của Cục CSGT nên số lượng người đến nộp phạt tại Hà Nội thời gian vừa qua tăng cao gấp nhiều lần, có ngày khoảng 40 người. Đáng chú ý, có trường hợp nữ tài xế trong 5 tháng vi phạm 28 lần cùng lỗi dừng đỗ ở nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ, tổng số tiền phải nộp phạt là 16,7 triệu đồng.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, hiện có hơn 800 camera giám sát giao thông, phục vụ công tác xử “phạt nguội” ở các tuyến đường nội, ngoại thành. Trong năm 2020, tỉ lệ phạt nguội chiếm 36%.

KHIPHT_1
Người vi phạm giao thông được xem lại hình ảnh do camera ghi lại

Một số bất cập cần được tháo gỡ

Khi lực lượng CSGT tiến hành dùng camera phạt nguội giám sát trong công tác quản lý nhà nước về giao thông đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Tuy nhiên, việc áp dụng “phạt nguội” cũng còn một số vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện.

Một cán bộ Phòng CSGT Hà Nội cho biết, trường hợp chủ phương tiện thay đổi thông tin địa chỉ nơi ở đã đăng ký với dữ liệu quản lý xe là một trong những nguyên nhân khiến việc phạt nguội gặp nhiều khó khăn. Tiếp đó, với những trường hợp phương tiện đã mua bán qua lại nhiều lần nhưng chưa làm thủ tục sang tên, đổi chủ cũng gây khó khăn khi xử “phạt nguội”.

Hiện tại, đối với công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh, đối tượng tập trung xử lý chủ yếu là xe ô tô. Ðối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy thì lực lượng chức năng tập trung phát hiện và xử lý ngay tại hiện trường bởi xe mô tô, xe gắn máy thường thay đổi qua nhiều chủ sở hữu nên khó khăn trong việc xác định địa chỉ chủ sở hữu hiện tại và gửi thông báo vi phạm. Bên cạnh đó, camera giám sát chỉ xác định được xe vi phạm, không xác định được lái xe vi phạm, do vậy việc xử lý còn hạn chế, khó khăn.

Cũng theo cán bộ này, do việc phạt “nguội” đòi hỏi quy trình mất nhiều thời gian nên tỷ lệ thực hiện xử lý đạt rất thấp. Nguyên nhân do nhiều chủ phương tiện không chính chủ, cho nên việc xác định trách nhiệm rất khó khăn. Có trường hợp, công an địa phương trả lại thông báo do địa chỉ chủ xe không còn, có người đã qua đời, đang thụ án, đang thi hành nghĩa vụ quân sự, xuất cảnh... Hơn nữa, các chủ phương tiện cơ giới đường bộ không có tài khoản đăng ký như các nước khác, cho nên không thể thực hiện chế tài cưỡng chế được.

Để việc xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh đạt hiệu quả, các cơ quan pháp luật cần sớm điều chỉnh, hoàn thiện các quy định về pháp luật, đây sẽ là cơ sở pháp lý để lực lượng CSGT thực hiện tốt nhiệm vụ.

Một chuyên gia tư vấn pháp lý cho biết: “Hiện nay, việc mua bán nhưng chưa sang tên chính chủ cũng là khó khăn khi xử lý. Mặt khác, hình thức thanh toán ở nước ta vẫn dùng tiền mặt nên cũng gây khó khăn khi xử phạt. Trong tương lai, khi thực hiện căn cước cá nhân với thanh toán điện tử sẽ góp phần thực hiện tốt xử lý phạt nguội và nâng cao ý thức người tham gia giao thông”.

Ý kiến của bạn

Bình luận