Thứ trưởng Lê Đình Thọ đồng tình với những ý kiến các đơn vị đưa ra về những bất cập trong quá trình triển khai Nghị định 86. |
Sáng 29/2, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị đánh giá thực hiện Nghị định 86/2014/NĐ-CP khu vực miền Bắc.
Báo cáo tại hội nghị, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, sau khi Nghị định 86/2014/NĐ-CP ( Nghị định 86) có hiệu lực thi hành, các Sở GTVT đã triển khai thực hiện, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đảm bảo các điều kiện, lập hồ sơ để thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Các đơn vị kinh doanh vận tải về cơ bản đã đi vào hoạt động có nề nếp, ổn định, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu giao lưu vận chuyển hàng hoá, hành khách, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương. Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị định còn tồn tại một số vấn đề bất cập cần được giải quyết.
Theo đó, ông Vương Quốc Tuấn- Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hoá cho rằng Nghị định 86 so với Nghị định 91 và 93 đã bổ sung rõ hơn điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo hướng siết chặt và tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định có tồn tại một số khó khăn cho cơ quan quản lý. Trong đó, việc khám sức khoẻ cho lái xe chỉ mang tính hình thức, mang tính đối phó vì chưa đạt được mục đích lái xe nghiện ma tuý, không đủ điều kiện sức khoẻ để lái xe an toàn. Xe hợp đồng chưa thực hiện việc thông báo lộ trình, thời gian thực hiện hợp đồng vận chuyển và xe hợp đồng trá hình, hoạt động chuyên tuyến, tuyến cố định đón trả khách sai quy định vẫn còn tồn tại.
Đồng thời, việc thu hồi phù hiệu xe hợp đồng đối với cơ quan quản lý nhà nước là rất khó khăn. Phù hiệu hợp đồng cấp bằng thời hạn giấy phép kinh doanh là 7 năm tuy nhiên xe hợp đồng không hoạt động theo đúng lộ trình, đúng bến đi bến đến, cấp phù hiệu rồi nhưng khi vi phạm thì thu lại rất khó khăn.
Hành khách đã có nhiều lựa chọn thuận tiện trong việc đi lại |
“Đối với xe hợp đồng, xe du lịch chúng tôi đề nghị điều kiện kinh doanh phải như đối với xe tuyến cố định, cụ thể là phải thuộc hợp tác xã; về quy mô doanh nghiệp thì phải 20 xe trở lên đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và 10 xe trở lên đối với địa phương khác vì xe hợp đồng, xe du lịch hoạt động không có luông tuyến, không có bến đỗ cụ thể, việc kê khai giá vé không thể quản lý được như tuyến cố định cho nên công tác quản lý rất khó khăn, cần tăng cường công tác quản lý của doanh nghiệp”, ông Tuấn đề nghị.
Cũng bàn về vấn đề vận tải hành khách theo hợp đồng, ông Phạm Tiến Quỳnh, Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Lào Cai bức xúc chia sẻ hiện tượng xe dù bến cóc phát triển mạnh kể từ khi bến xe liên tỉnh chuyển về bến xe mới là bến xe Trung tâm. Qua thanh tra, kiểm tra, Sở GTVT thấy chế tài về xe hợp đồng còn nhiều vướng mắc, quá trình lực lượng chức năng kiểm tra để xử lý được xe hợp đồng còn khó, chưa có mẫu hợp đồng cụ thể, tên hành khách, vị trí xuất phát, điểm đến và hành trình hầu như là bỏ trống, hợp đồng được giao cho lái xe và sau này khi bắt khách mới điền vào.
“Chúng tôi đề nghị bổ sung vào khoản 2 điều 7 khi thực hiện vận tải hành khách theo hợp đồng thì lái xe phải mang theo bản chính và bản sao hợp đồng vận tải hành khách, xây dựng mẫu hợp đồng thống nhất để danh sách hành khách phải là bản in theo mẫu của Bộ GTVT, không viết tay và có dấu của đơn vị vận tải”.
Chất lượng vận tải được nâng lên, song vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý vận tải |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, để thực hiện Nghị định 86, trong thời gian qua, các địa phương đẩy mạnh siết chặt quản lý điều kiện kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng taxi và xe buýt nên đã góp phần làm cho loại hình vận tải bằng xe hợp đồng phát triển mạnh do điều kiện kinh doanh vận tải và quy định về quản lý đối với xe hợp đồng tương đối dễ dạt được. Do đó, hiện tượng "xe dù, bến cóc” do xe vận chuyển hợp đồng gây nên đang ngày càng diễn ra phức tạp, đang là vấn đề bất cập cần giải quyết ngay.
Bên cạnh vấn đề về vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng, du lịch, đại diện cho các Sở GTVT và các doanh nghiệp còn đưa ra những khó khăn, bất cập liên quan đến vận tải bằng taxi, vận tải ô tô theo tuyến cố định…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ rất đồng tình trước những ý kiến đóng góp của các Sở và cho rằng trong thời gian qua vấn đề nổi cộm nhất, gây nhức nhối nhất, gây mất trật tự trong đô thị thành phố và khiến các cơ quan chịu áp lực lớn nhất chính là xe hợp đồng. Đối với xe hợp đồng, xe du lịch thì tiêu chí, điều kiện phải cao hơn vận tải tuyến cố định để quản lý được. Về phù hiệu, Thứ trưởng cho rằng phù hiệu như hiện nay có nhưng không có tác dụng, có Sở cấp đến 2 phù hiệu cho một xe, lúc thì xe hợp đồng, lúc thì xe tuyến cố định.
Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp để xem xét sửa đổi những bất cập tại Nghị định 86. Thứ trưởng yêu cầu cơ quan soạn thảo tổng hợp ngay những ý kiến đóng góp thành những nhóm vấn đề, những nhóm nào cần trực tiếp phải xử lý thì kiến nghị để đưa ra giải pháp xử lý vấn đề, những nhóm nào cần tiếp thu để hoàn thiện Nghị định 86 thì nhóm lại thành một vấn đề để có hướng xây dựng đề cương, dự thảo.
Thứ trưởng còn yêu cầu đưa vấn đề tăng cường chức năng của cơ quan nhà nước vào Nghị định vì trong thời gian qua, nhiều Sở còn chưa có website, khâu tổ chức về mảng vận tải mỏng, chưa đủ lực lượng triển khai về mặt vận tải cũng như công tác thanh tra, kiểm tra.
Đối với doanh nghiệp, Thứ trưởng yêu cầu lưu ý về quy mô và loại hình hoạt động, trên cơ sở ý kiên của các địa phương và doanh nghiệp, cần phải đưa ra quy định sao cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mà vẫn tuân theo quy định của pháp luật. Đồng thời, con người hoạt động, lái xe, nhân viên của các doanh nghiệp phải được đào tạo, thể hiện đạo đức nghề nghiệp,có trách nhiệm tỏng công việc, làm việc văn hoá và văn minh.
Thứ trưởng nhấn mạnh vấn đề phối kết hợp giữa cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp là rất quan trọng, trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, khó khăn thì phải có đường dây nóng để các doanh nghiệp phản ánh từ đó các đơn vị phải tiếp thu, rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, Thứ trưởng còn yêu cầu sau khi soạn thảo xong Dự thảo, ban dự thảo phải gửi xin ý kiến các cơ quan liên quan, tối thiểu 2 lần để Nghi định này được bổ sung đầy đủ, minh bạch công khai hơn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.