Những doanh nghiệp hàng đầu thế giới buộc phải để tâm đến những lời đe dọa và những dòng tweet của vị tỷ phú sẽ chính thức trở thành người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ trong vài ngày tới.
Bước ra cánh cửa thang máy mạ vàng của tòa tháp Trump , Marillyn Hewson - CEO của Lockheed Martin – cho biết bà vừa mới hứa với Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng sẽ thuê thêm 1.800 nhân công ở Texas.
4 ngày trước đó, ông chủ Jack Ma của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đứng giữa hành lang lát đá cẩm thạch của tòa nhà này để thông báo sẽ mở rộng hoạt động ở Mỹ. Cùng ngày, ông trùm hàng xa xỉ người Pháp Bernard Arnault cũng xuất hiện ở tòa nhà này để nói với Trump rằng tập đoàn LVMH sẽ tăng cường hoạt động sản xuất tại Mỹ.
Tại sao những vị CEO của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới lại vội vã tới gặp Donald Trump? Rõ ràng là họ đã bị ảnh hưởng bởi những lời đe dọa và những dòng tweet của vị tỷ phú sẽ chính thức trở thành người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ trong vài ngày tới.
Ví dụ, Lockheed dường như sẵn sàng làm theo bất cứ yêu cầu gì của vị Tổng thống mới bởi Lầu Năm góc là khách hàng lớn nhất của hãng. Ngoài lời hứa tạo thêm việc làm ở Texas, bà Hewson còn cam kết sẽ cắt giảm mạnh chi phí của chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35.
Trong khi đó, hầu hết các công ty còn lại dường như đang cố gắng làm vừa lòng Trump bằng cách giới thiệu những dự án đang được triển khai. General Motors vừa thông báo khoản đầu tư 1 tỷ USD ở Mỹ mà sẽ giúp tạo thêm 7.000 việc làm. Theo nguồn tin thân cận, kế hoạch này đã được chấp thuận từ trước cuộc bầu cử Tổng thống.
Tại triển lãm ô tô Detroit, Toyota cũng thông báo đầu tư 10 tỷ USD vào Mỹ trong vòng 5 năm tới – bằng với số tiền đầu tư trong 5 năm vừa. Ford Motor thì tuyên bố hủy bỏ kế hoạch đầu tư thêm 1,6 tỷ USD để mở rộng hoạt động ở Mexico sau nhiều tháng bị Trump công khai chỉ trích. Sau đó Ford nói rằng họ vẫn sẽ có quyết định tương tự dù Trump có bình luận gì đi nữa.
Các công ty nước ngoài có lý do chính đáng để lo sợ về sự phẫn nộ của Trump bởi ông đã đe dọa sẽ dựng lên những rào cản thương mại mới ngăn không cho hàng hóa của họ vào Mỹ. Trong một bài phỏng vấn với tờ Bild của Đức, Trump dọa sẽ đánh thuế 35% vào những chiếc ô tô xuất xưởng từ nhà máy mới trị giá 1 tỷ USD của BMW ở Mexico.
Các công ty nước ngoài ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường lao động Mỹ, lấp đầy khoảng trống khi mà hiện nay chỉ có 8% lực lượng lao động Mỹ làm việc trong các nhà máy, giảm mạnh so với con số 13% của năm 2000. Chỉ trong năm 2015, các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài đã tạo ra khoảng 11.400 việc làm trong ngành chế tạo cho bằng cách mở rộng hoạt động ở Mỹ hoặc lập cơ sở mới. Năm 2014 họ chỉ tạo ra 8.300 việc làm.
Mỹ vẫn là thị trường hấp dẫn nhờ có thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhiều lao động tay nghề cao, chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt và môi trường pháp lý minh bạch ổn định, theo Aaron Brickman – Phó Chủ tịch của OII – liên hiệp các công ty quốc tế có hoạt động ở Mỹ.
Tập đoàn Foxconn – nhà cung ứng lớn nhất của Apple – mới đây cho biết đang xem xét mở rộng hoạt động ở Mỹ. Chaney Ho, Chủ tịch của Avantech (một nhà sản xuất máy tính của Đài Loan) chia sẻ vài năm trở lại đây công ty ông đã mở rộng hoạt động ở Mỹ và hiện đang có 90 công nhân làm việc tại một cơ sở ở California cùng với hơn 500 người thuộc bộ phận bán hàng, marketing và hỗ trợ kỹ thuật trên toàn nước Mỹ.
Hiện đang sản xuất túi Vuitton ở California, tập đoàn chuyên sản xuất hàng xa xỉ LVMH cho biết sẽ ưu tiên mở rộng hoạt động tại Mỹ để tăng doanh số ở thị trường này. Tuy nhiên theo Luca Solca, chuyên gia phân tích tại Luca Solca, chuyến thăm của Arnault tới tòa tháp Trump có vẻ như là nhằm mục đích “ngăn chặn nhưng động thái ngược chiều từ Chính phủ mới”.
Đôi lúc những chuyến thăm mang đến một hình ảnh Donald Trump đầy mâu thuẫn. Trump – người vẫn luôn buộc tội Trung Quốc đang ăn cắp việc làm của Mỹ và kêu gọi tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, lại ca ngợi Jack Ma là một “doanh nhân vĩ đại” dù Alibaba thậm chí không đề ra kế hoạch tuyển bất cứ công nhân Mỹ nào. Jack Ma chỉ nói về việc tạo ra 1 triệu việc làm ở Mỹ bằng cách giúp các doanh nghiệp nhỏ và người nông dân Mỹbasn hàng hóa ở châu Á thông qua hệ thống website thương mại điện tử của mình.
Trong khi đó CEO Sergio Marchionne của hãng xe Fiat có quan điểm hoàn toàn khác về việc ngoại giao với Donald Trump. Hôm 9/1, sau khi thông báo khoản đầu tư 1 tỷ USD cho dây chuyền để chuyển hoạt động sản xuất một số mẫu xe từ Mexico về Mỹ, Fiat đã nhận được lời cảm ơn từ tài khoản Twitter của Trump. Tuy nhiên Marchionne lại nhanh chóng phản pháo rằng kế hoạch đã được vạch ra từ lâu. “Chúng tôi không đưa ra quyết định dựa trên một dòng tweet”, CEO của Fiat nói một cách khảng khái.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.