Công khai, minh bạch nguồn vốn bảo trì đường bộ

Tác giả: MINH ĐỨC

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 26/03/2018 09:35

Phí bảo trì đường bộ (BTĐB) được thu qua đầu phương tiện sau đó được đầu tư trở lại hạ tầng giao thông nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt. Để bạn đọc có cái nhìn tổng thể về mô hình hoạt động Quỹ BTĐB, Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Minh - Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương về vấn đề sử dụng hiệu quả từ nguồn vốn này.

 

IMG_2823_1

Nguồn vốn từ Quỹ BTĐBđược sử dụng công khai, minh bạch

PV: Xin ông cho biết tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn vốn bảo trì đường bộ?

Ông Lê Hoàng Minh: Tháng 9/2017, Quỹ đã tiến hành tổng kết 5 năm hoạt động của Quỹ BTĐB, trong đó có 4 năm từ 2013 - 2016 Quỹ hoạt động theo cơ chế Hội đồng Quỹ BTĐB (theo Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ BTĐB. Từ ngày 01/01/2017, Quỹ hoạt động theo Luật Phí và Lệ phí, theo đó toàn bộ phí đường bộ thu được được hòa chung vào ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách. Mỗi hình thức đều có những ưu điểm và bất cập, qua 5 năm hoạt động Quỹ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sẽ có chỉ đạo của Thủ tướng trong thời gian tới.

Đối với việc sử dụng nguồn vốn thì bản chất đều được tổ chức chặt chẽ, rõ ràng, hàng năm đều có cơ quan quyết toán (Tổng cục ĐBVN) nguồn chi, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Văn phòng Quỹ quyết toán nguồn thu, sau đó tổng hợp lại báo cáo Hội đồng Quỹ rồi chuyển sang Bộ GTVT để thẩm định quyết toán. Bộ Tài chính sẽ là cơ quan quyết toán cuối cùng về chi phí hoạt động của Quỹ. Như thế rõ ràng là Quỹ có sử dụng đúng mục đích hay không, vào việc gì thì qua rất nhiều cơ quan kiểm soát có thể khẳng định, Quỹ hoạt động được kiểm soát chặt chẽ.

Chúng ta có một nguồn vốn ổn định, có tăng trưởng hàng năm và Tổng cục ĐBVN đã tổ chức đấu thầu toàn bộ công tác bảo dưỡng thường xuyên và chi trả theo đúng mục tiêu, tiêu chí của ngành GTVT. Việc sửa chữa định kỳ được thực hiện theo Luật Đấu thầu..., tất cả đều tuân theo các quy định của pháp luật về việc sử dụng Quỹ BTĐB.

Tính công khai, minh bạch thể hiện ở chỗ: Hàng năm, Quỹ đều có thông báo dự toán, chi phí hàng năm, hàng quý đều họp Hội đồng Quỹ và đều gửi cho các cơ quan thông tấn báo chí tình hình thu chi của Quỹ để công bố rộng rãi. Tuy nhiên, do hàng năm Quỹ BTĐB Trung ương hoạt động theo Nghị định 18 không phải là cơ quan quyết toán cuối cùng mà do các sở tài chính địa phương làm nên việc công bố thông tin của các quỹ địa phương còn nhiều hạn chế, việc tiếp cận của người dân chưa được đầy đủ. Thời gian tới, Quỹ BTĐB Trung ương sẽ yêu cầu các quỹ địa phương, Tổng cục ĐBVN, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Văn phòng Quỹ báo cáo và sẽ có thông cáo báo chí về công tác giải ngân, việc làm cụ thể để người dân tiếp cận thông tin tốt hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng sự phân bổ nguồn vốn về các địa phương còn chậm, dẫn đến hiệu quả không cao và chưa đáp ứng được yêu cầu, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Ông Lê Hoàng Minh: Theo Nghị định 18/CP thì nguyên tắc phân bổ theo 3 tiêu chí: Số kilomet đường của mỗi địa phương, số phương tiện có trên địa bàn và hệ số khó khăn. Nếu tính theo tiêu chí này thì nhiều địa phương chỉ có từ 01 - 3 tỷ đồng, còn lại các địa phương có nguồn thu lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng… sẽ chiếm 2/3 lượng tiền trong công tác bảo trì đường bộ, từ đó dẫn đến sự bất hợp lý trong quản lý Quỹ. Vì vậy, ngay từ kỳ họp đầu tiên của Hội đồng Quỹ, chúng tôi đã xin ý kiến của các thành viên để thống nhất việc điều hòa nguồn vốn thông qua hệ số điều hòa tổng cho các địa phương.

Việc phân bổ ngân sách thường được thực hiện vào tháng 12 cho các địa phương, tuy nhiên theo quy định thì chúng tôi phải dựa theo các tiêu chí (số lượng xe, số kilomet đường), do vậy thường phải đến ngày 31/12 các địa phương mới chốt được các số liệu này, sau đó chuyển về Văn phòng Quỹ. Nhanh nhất là trong tháng 01, chúng tôi mới có số liệu để tính toán, sau đó xin ý kiến Hội đồng và trong tháng 02 hoặc tháng 3 chúng tôi sẽ thông báo kế hoạch cho các địa phương. Đối với hoạt động của Quỹ thì tháng 9, tháng 10 trước chúng tôi đã tạm giao cho địa phương, nhưng nay Quỹ hoạt động theo Luật Ngân sách nên phải đến tháng 02, tháng 3 mới có thể thông báo được. Tuy nhiên, các địa phương dựa trên nhu cầu để thực hiện và trong năm 2018 chúng tôi khẳng định là không bị chậm, năm 2017 bị chậm là do thay đổi cơ chế chính sách. Tính đến ngày 28/02, Quỹ đã thu được khoảng 1.100 tỷ đồng, riêng trong tháng một đã thu 700 tỷ đồng, như vậy bình quân là 550 tỷ đồng/tháng. Thông thường quý IV sẽ tăng hơn quý khác và dự kiến sẽ thu khoảng 7.000 tỷ đồng trong năm 2018. Trong tháng 3, Quỹ sẽ đề nghị Bộ Tài chính chuyển ngay 9.000 tỷ đồng cho các địa phương và 3.000 tỷ đồng cho Tổng cục ĐBVN để thực hiện công tác bảo trì. 

PV: Tiến tới việc tự cân đối được nguồn vốn bảo trì, Quỹ sẽ có phương án như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Minh: Theo Luật Giao thông đường bộ, Quỹ BTĐB được hình thành từ 3 nguồn thu chính từ thu phí qua đầu phương tiện, nguồn ngân sách cấp và các nguồn thu hợp pháp khác mà Quỹ được phép theo quy định của pháp luật. Sau khi Quỹ BTĐB ra đời, nguồn vốn dành cho công tác BTĐB đã tăng đáng kể và đạt mức 5.004 tỷ đồng, tăng 172,5% so với năm 2012 (ngân sách cấp 2.900 tỷ đồng). Mặc dù vậy, do hệ thống đường xuống cấp nhanh do nhiều năm thiếu vốn sửa chữa cộng với tốc độ tăng chiều dài tuyến quốc lộ cao nên nguồn Quỹ BTĐB Trung ương năm 2013 cũng chỉ đáp ứng được 45,4% và tiếp theo các năm 2014 đáp ứng được 46,2%, năm 2015 đáp ứng được 51,1%. Do vậy, hàng năm ngân sách nhà nước vẫn phải cấp bổ sung thêm vốn cho Quỹ để thực hiện việc BTĐB kịp thời, đảm bảo ATGT, duy trì tuổi thọ và sự vững bền của công trình đường bộ, góp một phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước nói chung.

Do đó, Quỹ đang xây dựng Đề án “Tăng cường nguồn vốn cho Quỹ BTĐB”, theo đó tập trung theo hướng cho thuê kết cấu hạ tầng giao thông, đi vay các tổ chức quốc tế và xã hội hóa bảo trì đường bộ… Lộ trình đến năm 2025, Quỹ sẽ tự cân đối được nguồn thu chi cho nguồn vốn bảo trì.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn

Bình luận