Đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 29-03V kiểm tra hệ thống chiếu sáng đèn LED của xe ô tô |
Ứng dụng công nghệ hiện đại xứng tầm quốc tế
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, ngành Đăng kiểm của Việt Nam đang sở hữu đội ngũ nhân lực chất lượng cao “hiếm có, khó tìm” với nền tảng kiến thức và khả năng ứng dụng công nghệ cao rất toàn diện.
Trong nhiều năm qua, đối với công nghệ thông tin, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đã chú trọng đến 4 vấn đề chính gồm: Xây dựng Cổng Thông tin điện tử, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho một số thủ tục; tăng cường hệ thống máy chủ và kết nối giữa các đơn vị đăng kiểm với cơ quan Trung ương; triển khai hệ thống camera IP giám sát tại tất cả các đơn vị đăng kiểm trên cả nước, dữ liệu về hình ảnh kiểm định được truyền trực tiếp về Phòng Kiểm định xe cơ giới để nâng cao chất lượng kiểm định.
Về trang thiết bị, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng được tăng cường đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, trên cả nước có 266 dây chuyền kiểm định xe cơ giới đồng bộ và nối mạng máy tính. Máy móc đã thay thế phần lớn các công đoạn kiểm tra thủ công, qua đó giảm thiểu sự can thiệp của con người trong quá trình kiểm tra.
Trung tâm Thử nghiệm Khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được đầu tư giá trị 10 triệu Euro đã đi vào hoạt động từ năm 2010, là nơi duy nhất của Việt Nam có khả năng thực hiện các phép thử khí thải đến mức Euro 5, thử bay hơi, thử công suất, thử tiêu thụ nhiên liệu đối với các loại mô tô, xe gắn máy, ô tô hạng nhẹ và động cơ ô tô hạng nặng. Sự ra đời của Trung tâm là công cụ quan trọng thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Cục ĐKVN về môi trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp do không phải đưa mẫu thử ra nước ngoài.
Song hành với đó, Trung tâm Thử nghiệm An toàn Xe cơ giới cũng ngày càng được trang bị các thiết bị thử nghiệm hiện đại. Trong tương lai gần, Trung tâm Thử nghiệm An toàn và Khí thải miền Nam, miền Trung, khu thử nghiệm Proving Ground 100ha dự kiến được xây dựng mới, đồng bộ và hiện đại sẽ là các cơ sở nghiên cứu thử nghiệm hàng đầu, góp phần nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ngang tầm với các nước trong khu vực.
Nhiều rào cản, thách thức thời kỳ 4.0
Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 10 (TP. Hải Phòng) kiểm định tàu biển |
Trao đổi với Tạp chí GTVT, lãnh đạo Cục ĐKVN chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực đăng kiểm đòi hỏi phải có sự đầu tư thỏa đáng, cùng với đó là việc thay đổi cách thức làm việc, đặc biệt là cần sự quyết tâm, đồng lòng cao hơn nữa của các cấp lãnh đạo.
Sự ra đời của robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano… được ứng dụng vào thiết kế, chế tạo các phương tiện, thiết bị GTVT đòi hỏi công tác đăng kiểm phải có sự thay đổi căn bản trong các công đoạn từ thẩm định thiết kế, kiểm tra và thử nghiệm mẫu, kiểm tra chất lượng xuất xưởng đến kiểm định lưu hành.
Cùng với đó là sự hình thành Internet kết nối vạn vật và hệ cơ sở dữ liệu lớn làm thay đổi phương thức giao dịch thực hiện đăng kiểm cho phép đơn giản hóa thủ tục, nâng cao độ tin cậy và chính xác, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục.
Hiện nay, các phần mềm được xây dựng bởi nhiều thế hệ công nghệ và chưa được kết nối liên thông dữ liệu toàn hệ thống. Việc áp dụng mới chỉ dừng ở mức hỗ trợ công việc và quản lý thông tin, tạo báo cáo, trong khi chưa có các hệ thống hỗ trợ ra quyết định và tạo báo cáo đa chiều động theo nhiều tiêu chí với dữ liệu lớn (Big Data).
Mặt khác, Việt Nam hiện còn thiếu chuyên gia công nghệ thông tin có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế có thể góp sức với ngành Đăng kiểm xây dựng hệ thống phần mềm đồng bộ, hiện đại hướng đến quản lý thông tin trên nền dữ liệu lớn. Đồng thời, trình độ để khai thác công nghệ 4.0 của người lao động cũng vẫn chưa được đào tạo bài bản. Các thiết bị kiểm tra, thử nghiệm chuyên ngành phần lớn cũng được sản xuất ở nước ngoài nên việc kết nối dữ liệu với phần mềm điều khiển và quản lý thông tin cũng phụ thuộc nhiều vào bên cung cấp thiết bị.
Để vượt qua những rào cản trước mắt, ngành Đăng kiểm cần có sự hỗ trợ về mặt chính sách để có thể mang lại hiệu quả trong việc áp dụng công nghệ 4.0. Nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên đầu tư triển khai phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Điển hình như xây dựng kho cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực đăng kiểm có khả năng kết nối với các cơ quan, đơn vị liên quan; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ cao nhất; thiết bị, dây chuyền đăng kiểm thế hệ mới cần nhanh chóng được hiện đại hóa để có khả năng điều khiển thông minh, kết nối dữ liệu với máy tính, từ đó quản lý thông tin và tự động hóa quá trình đánh giá kết quả kiểm tra trong công việc kiểm tra thử nghiệm tại địa điểm cố định, cũng như khi kiểm tra lưu động tại hiện trường.
Ngoài ra, phải chú trọng cập nhật, bổ sung, xây dựng mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật phù hợp, hệ thống quản lý hiện đại; khuyến khích các nhiệm vụ khoa học công nghệ thiết kế, chế tạo các loại máy móc đo đạc, thử nghiệm phục vụ công tác quản lý nhà nước về đăng kiểm, từng bước làm chủ công nghệ, dần thay thế máy móc, thiết bị nhập khẩu…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.