Công nghệ là nền tảng để ngành Đường bộ bứt phá

Tác giả: Hoàng Hà

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 24/06/2018 08:02

Thời gian qua, ngành Đường bộ đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Bộ GTVT giao phó và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược quan trọng này, Ngành đã huy động đồng bộ mọi nguồn lực để tập trung phát triển, trong đó có phần đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN) và xác định công nghệ là nền tảng để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

cau bach dang)1
Thi công cầu Bạch Đằng

Xác định KHCN là vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng quản lý, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng, thời gian qua các đơn vị hữu quan đã tổ chức đánh giá tổng kết các công trình nghiên cứu như: Công nghệ tái sinh nguội bê tông nhựa tại chỗ bằng bi-tum bọt và xi măng (ban hành Quyết định số 2599/QĐ-BGTVT ngày 7/9/2017 Quy định tạm thời về thiết kế, thi công và nghiệm thu lớp tái sinh nguội bê tông nhựa tại chỗ bằng bi-tum bọt và xi măng trong kết cấu áo đường ô tô); tiếp tục triển khai công nghệ cào bóc tái sinh nguội (bằng xi măng, nhũ tương, bi-tum bọt) trong các dự án bảo trì đường bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Microsurfacing trong các dự án bảo trì tuyến quốc lộ (QL49, QL54, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, QL2)...

Song song với đó, Tổng cục ĐBVN đang ứng dụng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) trong triển khai xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu như: Hệ thống Giám sát hành trình, Hệ thống Kiểm soát tải trọng xe, Hệ thống cấp Giấy phép lái xe, Hệ thống giám sát thu phí, Hệ thống quản lý cầu. Cụ thể, trong quản lý vận tải đường bộ đã xây dựng và kiểm tra duy trì hoạt động của Trung tâm Xử lý và Khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Đây là hệ thống quản lý, khai thác dữ liệu và kiểm soát giao thông thông minh, bao gồm: Tiếp nhận, theo dõi, ghi lại, phân tích dữ liệu và kết xuất các báo cáo phục vụ yêu cầu quản lý của Tổng cục ĐBVN và các địa phương. Đến nay, hệ thống đã tích hợp dữ liệu hành trình của hơn 650.000 phương tiện vận tải trên toàn quốc. Đối với dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục đã triển khai Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, đổi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, biển hiệu, phù hiệu; cấp độ 3 đối với thủ tục cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế, giấy phép liên vận.

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng, kết nối Internet ở tất cả các lĩnh vực trong quản lý đường bộ được tự động hóa, Tổng cục đã hoàn thiện mô-đun tự động cảnh báo tình trạng khai thác tuyến đường, lập kế hoạch sửa chữa đường bộ hàng năm và kế hoạch dài hạn cho các cục quản lý đường bộ hoàn toàn tự động với các thông tin cơ bản: Tên đường, tuyến đường, cấp quản lý, đoạn đường cần sửa chữa, chiều dài, làn đường, năm lập kế hoạch, phương thức sửa chữa, phân cấp thực hiện, đơn giá, khối lượng, giá thành sửa chữa. Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát tải trọng xe hàng ngày đang xử lý trung bình trên 60.000 lượt phiếu kiểm soát tải trọng xe tự động kết nối dữ liệu thông tin về phương tiện của Cục Đăng kiểm Việt Nam để trích xuất báo cáo bao gồm các thông tin như: Tên trạm cân, địa bàn, số xe không vi phạm, số xe vi phạm, loại xe, tổng số trục, trọng lượng xe, số giấy phép lưu hành xe, kết quả cân xe, vượt tải trọng, vượt kích thước thùng hàng. “Hệ thống giám sát hành trình và kiểm soát tốc độ theo cung đường trên nền bản đồ số” có thể tự động trích xuất các báo cáo về dữ liệu giám sát hành trình phương tiện vận tải theo phân cấp cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, các loại thông tin bao gồm: Đơn vị quản lý, đơn vị vận tải, số lượng xe, hành trình di chuyển, số lần vi phạm tốc độ, tốc độ vi phạm, thời gian, số lần dừng đỗ... giúp cho các cơ quan quản lý có chế tài xử lý đối với các phương tiện vận tải vi phạm.

Thời gian qua, Tổng cục ĐBVN bước đầu ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo trong tự động phân tích tình trạng mặt đường (hệ thống phần mềm quản lý mặt đường PMS); hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu tài sản đường bộ, kết cấu hạ tầng, vận tải...; tích hợp các hệ thống lại thành trục tích hợp; tự động hóa lập kế hoạch, cảnh báo tình trạng khai thác kết cấu công trình, tự động giám sát thu phí, kiểm soát tải trọng xe, xử lý vi phạm trong lĩnh vực vận tải. Với ứng dụng này sẽ giúp cho kết nối, phân tích xử lý rộng hơn và sâu hơn các giá trị như hiệu quả kinh tế, dự báo về lưu lượng tham gia giao thông, dự báo thiên tai, phân tích địa lý không gian kết nối quản lý tài sản...; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí đường bộ tự động.

Mục tiêu chiến lược phát triển KHCN của ngành Đường bộ là xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thân thiện môi trường; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quy hoạch, khảo sát thiết kế; làm chủ công nghệ thi công, công nghệ quản lý, bảo trì khai thác công trình giao thông tiên tiến, ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng các công trình... Đây là tiền đề quan trọng để hoạt động KHCN ngành Đường bộ phát triển trong thời gian tới

Ý kiến của bạn

Bình luận