Công nghiệp ôtô Thái Lan, Malaysia: Thành công nhờ bảo hộ

Tác giả: Cafebiz

saosaosaosaosao
Đánh giá 20/04/2017 15:10

Chính sách bảo hộ ngành công nghiệp ôtô nội địa của Thái Lan, Malaysia giúp họ nhanh chóng vươn lên dẫn đầu khu vực Đông Nam Á

photo-1-1492605078595-crop-1492605172507

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển muộn hơn so các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Thái Lan, Indonesia, Malaysia phát triển công nghiệp ôtô từ năm 1960, trong khi đến năm 1991, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam mới ra đời.

Khi Việt Nam đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng ngành, công nghiệp ôtô tại các nước trong khu vực đã rất phát triển, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đe dọa nền sản xuất trong nước. Những chính sách bảo hộ đã được đưa ra nhằm bảo vệ ngành công nghiệp non trẻ, tuy nhiên sau hơn 20 năm, các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đều không đạt. Các doanh nghiệp trong nước vẫn vật lộn với bài toán tăng tỉ lệ nội địa hóa. "Ôtô made in Vietnam" hay "ôtô giá rẻ" chỉ là những giấc mơ.

Năm 2018, khi thuế suất nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về mức 0%, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đứng trước bước ngoặt lớn. Người ta đang lo ngại các doanh nghiệp đổ xô đi nhập khẩu xe về bán kiếm lời thay vì đầu tư cho dây chuyền lắp ráp, sản xuất.

Nếu viễn cảnh đó xảy ra, hàng nghìn công nhân có nguy cơ mất việc làm, các doanh nghiệp phụ trợ đối mặt nguy cơ phá sản do thị trường bị thu hẹp, và chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Trước tình thế đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đang kêu gọi chính phủ thiết lập những hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo vệ sự tồn tại và phát triển của ngành.

Nhìn ra khu vực và trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng và phát triển thành công ngành công nghiệp ôtô nội địa nhờ chiến lược bảo hộ bài bản, khôn khéo. Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Malaysia là hai ví dụ điển hình.

Thái Lan

Công nghiệp ôtô Thái Lan bắt đầu phát triển nhanh sau năm 2000, vươn lên dẫn đầu thị trường Đông Nam Á. Hiện nay, 14 hãng xe lớn trên thế giới có nhà máy tại Thái Lan, với sản lượng khoảng 2 triệu chiếc/năm, nhiều hơn so với các nước Bỉ, Anh, Italy, Cộng hòa Séc và Thổ Nhĩ Kỳ cộng lại.

Công nghiệp ôtô Thái Lan thiên về gia công và lắp ráp xe của các hãng Nhật Bản, Hàn Quốc. Thái Lan chỉ có duy nhất hãng sản xuất xe hơi nội địa là ThaiRung nhưng không chiếm nhiều thị phần.

Hiện nay, công nghiệp ôtô Thái Lan lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 12 trên thế giới. Hầu hết xe hơi sản xuất tại Thái Lan đều được cấp phép bởi các công ty nước ngoài hoặc dạng lắp ráp (CKD) như BMW và Mercedes.

Thái Lan đang tận dụng hiệp định Mậu dịch Tự do Đông Nam Á để phát triển thị trường, xuất khẩu đi các nước trong khu vực. Đây là thị trường xe bán tải lớn nhất trên thế giới với hơn 50% thị phần.

So với các chính phủ khác trong khu vực có định hướng xây dựng các hãng xe nội địa, Thái Lan sớm liên minh với các nhà sản xuất lớn trên thế giới để giảm thời gian nghiên cứu và phát triển. Chính phủ Thái Lan hỗ trợ các nhà sản xuất linh kiện để tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm lắp ráp trong nước.

Năm 1960, chính phủ Thái Lan ban hành chính sách thay thế nhập khẩu để thúc đẩy công nghiệp địa phương. Năm 1961, công ty xe hơi đầu tiên là Anglo-Thai Motor Company (liên doanh giữa Ford và Công ty Công nghiệp ôtô Thái Lan) bắt đầu lắp ráp tại địa phương. Các nhà sản xuất Nhật Bản như Nissan, Toyota xuất hiện ngay sau đó và bắt đầu xây dựng dây chuyền.

Năm 1970, thị trường xe hơi Thái Lan đạt khoảng 10.667 chiếc, trong đó xe lắp ráp chiếm 50%. Chính phủ Thái Lan ưu đãi thuế đối với các công ty lắp ráp giúp giảm thâm hụt thương mại do nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Thái Lan sản xuất hơn 2 triệu xe mỗi năm, xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới.

Chính phủ Thái Lan tăng thuế đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) và tăng cường các quy định về nội địa hóa (lên tới 25% vào năm 1975). Nhưng điều này vẫn chưa đủ để xe lắp ráp nội địa cạnh tranh với xe nhập khẩu. Sau khi tăng thuế đối với xe CBU lên 150%, thậm chí xe nhập khẩu bị cấm vào năm 1978, tỷ lệ xe nội địa tăng lên rõ rệt. Năm 1983, tỷ lệ nội địa hóa trên xe lắp ráp tại Thái Lan đạt 45%.

Năm 1985, để bảo hộ các công ty xe trong nước, chính phủ Thái Lan một lần nữa tăng thuế nhập khẩu xe CBU dung tích trên 2.3 lít lên 300%.

Năm 1991, các loại thuế nhập khẩu được nới lỏng do xe trong nước đã tìm được chỗ đứng. Khi này xe nhập khẩu Hàn Quốc tràn vào thị trường buộc các công ty xe Nhật lắp ráp nội địa phải giảm giá thành.

Ngày nay, Thái Lan được mệnh danh là "Detroit của phương Đông" bởi đây là cái nôi của ngành công nghiệp xe hơi khu vực, xuất khẩu đi toàn thế giới.

Malaysia

Những năm đầu thế kỷ XX, thị trường xe hơi Malaysia gồm những dòng xe phương Tây thống trị. Xe hơi có mặt tại Malaysia từ năm 1890. Các công ty xe hơi phương Tây có vị trí vững chắc vào những năm 1910. Thị trường xe hơi tại quốc gia này thời bấy giờ tương đối nhỏ, chủ yếu bán cho các thương nhân giàu có người Trung Quốc hay Singapore.

Đầu thế kỷ XX, xe Mỹ thống trị tại đây nên chính quyền Anh đã hạn chế bằng cách áp dụng lệnh cấm định kỳ và áp thuế cao, trong khi xe Anh được bán miễn thuế tại Malaysia. Tuy nhiên xe Mỹ rẻ hơn bất chấp các khoản thuế đắt đỏ nên vẫn được ưa chuộng.

Ford Motor là hãng xe tiên phong tại Malaysia. Cơ sở sản xuất của Ford ở Maylaysia nằm dưới sự điều hành của Ford Canada. Nhờ chính sách xuất khẩu miễn thuế đi các thuộc địa của Anh, Ford Malaysia nhanh chóng lớn mạnh. Thị phần của hãng chiếm 80% vào năm 1939.

Trong thế chiến thứ hai, người Nhật sử dụng nhà máy của Ford để lắp ráp xe tải Nissan và Toyota cho quân đội. Sau khi Nhật đầu hàng, Anh mua lại nhà máy và trả cho Ford vào năm 1946.

Từ năm 1926 đến 1965, Ford Malaysia là hãng độc quyền tại đây, xuất khẩu sang Tây Malaysia, Singapore, Brunei, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Ấn Độ và Pakistan. Ford Malaysia đã nhập khẩu linh kiện từ Mỹ, Canada, Anh, Đức và Australia, lắp ráp và bán 150.000 chiếc trong nhiều thập kỷ, nhưng cuối cùng phải đóng cửa vào năm 1990.

Xe hơi Nhật đến Malaysia vào những năm 1950 và bắt đầu chiếm ưu thế. Tuy nhiên chất lượng xe Nhật là vấn đề đáng bàn. Ngoài ra tâm lý bài Nhật vẫn còn trong tâm trí do ký ức đau buồn mà phát xít Nhật gây ra cho người dân Malaysia.

Tuy nhiên nhờ cải tiến chất lượng, xe hơi Nhật chiếm được cảm tình nhờ độ tin cậy, tiết kiệm nhiên liệu. Xe hơi Nhật cũng rẻ hơn so với xe phương Tây. Datsun (sau này là Nissan) đứng đầu trong các công ty Nhật Bản tại Malaysia. Ngoài ra Toyota cũng là đối thủ đáng gờm.

Tuy nhiên giá xe lắp ráp trong nước bắt đầu tăng cao vào những năm 1970 so với xe nhập khẩu CBU tương đương. Lạm phát giá xe xảy ra do thị trường quy mô nhỏ khiến giá phụ tùng bị đội lên cao. Thị trường Malaysia chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà không hướng tới xuất khẩu nên kém khả năng cạnh tranh. Chính phủ nước này không có chính sách bảo hộ cho xe lắp ráp dẫn tới xe nhập khẩu chiếm ưu thế.

Đến năm 1980, chính phủ Malaysia cảm thấy cần thiết phải tạo ra các thương hiệu nội địa để cải thiện tình hình. Hãng Proton được thành lập vào năm 1983 đưa lịch sử ngành công nghiệp xe hơi Malaysia sang trang mới.

Malaysia tự sản xuất xe hơi đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tiếp theo sự thành công của Proton, hàng loạt hãng xe nội địa Malaysia được thành lập như Perodua (liên doanh với Daihatsu), Bufori chuyên sản xuất xe kiểu cổ và Naza, lắp ráp xe Kia và Peugeot.

Ngày nay, ngành công nghiệp xe hơi Malaysia có quy mô khá lớn. Năm 2016, doanh số toàn thị trường đạt 580,124 chiếc. Trong đó số lượng xe sản xuất lên tới 614.664 chiếc. Ngoài việc đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, Malaysia còn xuất khẩu xe hơi đi các nước trong khu vực.

Giá xe nội địa sản xuất tại Malaysia khá thấp. Tuy nhiên chính phủ vẫn đánh thuế khá cao đối với xe nhập để bảo vệ các hãng xe nội địa. Hãng xe nội địa lớn nhất tại Malaysia là Perodua chiếm tới 40% thị phần với hơn 200.000 chiếc được bán mỗi năm.

Ý kiến của bạn

Bình luận