Công nhân đi vệ sinh phải xin phép, có đúng luật?

14/06/2016 06:08

Đây là một trong những tình huống oái oăm mà công nhân Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận đã nhờ luật sư tư vấn trong “Ngày hội công nhân lao động KCX".

tu_van_1_nlaf
Các công nhân hào hứng tham gia ngày hội. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ngày 12-6, gần 1.000 công nhân lao động đang làm việc tại các công ty, nhà máy thuộc các KCX-KCN, khu công nghệ cao của TP.HCM đã đến với “Ngày hội công nhân lao động KCX-KCN, khu công nghệ cao TP.HCM” tại Công viên văn hóa Đầm Sen.

Chương trình ngày hội do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp Ban Thường vụ Công đoàn các KCX-KCN TP tổ chức. Dù đến 7 giờ 30, ngày hội công nhân mới diễn ra nhưng từ sáng sớm, công nhân ở các cụm công ty đã có mặt rất đông.

Tại khu tư vấn pháp luật miễn phí, các công nhân mang mỗi người một câu chuyện đến nhờ chuyên gia tư vấn.

Một trong những tình huống oái oăm mà anh Phạm Đình Chiến, công nhân KCX Tân Thuận, nhờ luật sư Lê Văn Hoan tư vấn: “Tại sao đi vệ sinh phải có thẻ”. Theo anh Chiến, mới đây công ty anh cấp cho mỗi tổ sản xuất một thẻ đi vệ sinh, mỗi công nhân muốn đi vệ sinh phải xuất trình thẻ này cho bảo vệ. Điều này gây bất tiện, phiền toái cho mọi người.

Ngoài ra, cũng tại công ty này, quy định giờ làm việc là 7 giờ 30 mới bắt đầu làm nhưng đến 7 giờ 25 mà công nhân chưa có mặt thì bảo vệ sẽ không cho vào cửa, bắt đợi ở ngoài nửa tiếng mới cho vào và trừ tiền. Anh Chiến cho biết quy định này cũng chỉ mới là thông báo miệng của công ty chứ chưa có văn bản chính thức nào.

Sau khi lắng nghe anh Chiến trình bày, luật sư Hoan đã ôn tồn giải thích việc có thẻ mới được phép đi vệ sinh là quy định không hợp lý của công ty. Tương tự, việc chưa đến giờ làm việc chính thức đã không được cho vào làm khi chưa có thỏa ước lao động tập thể hoặc văn bản quy định do công ty áp dụng là sai. Luật sư tư vấn anh Chiến và các đồng nghiệp cần mạnh dạn kiến nghị công ty thực hiện theo nội quy hay thỏa ước lao động tập thể.

tu_van_2_azcy
Các công nhân được luật sư tư vấn pháp luật miễn phí tại ngày hội. Ảnh: HOÀNG GIANG

* Một trường hợp khác, anh Hoàng Hữu Nam, Công ty Unilever, KCN Tây Bắc, Củ Chi, bị tai nạn giao thông phải mổ lá lách và nghỉ việc hai tháng nhưng BHXH chỉ chi trả 26 ngày. Anh cứ thắc mắc mãi tại sao BHXH không chi trả cho anh trọn hai tháng lương và đặt câu hỏi với luật sư.

Giải tỏa tâm tư của anh Nam, luật sư Lê Nhật Quang trả lời trường hợp của anh Nam không nằm trong danh mục các loại bệnh được điều trị dài ngày nên chỉ được giải quyết cho nghỉ không quá 30 ngày trong một năm. Do đó, BHXH có căn cứ khi chỉ trả cho anh 26 ngày lương. Sau khi nghe giải thích cặn kẽ, anh Nam bày tỏ: “Ngày hội là một cơ hội tốt để chúng tôi cập nhật kiến thức pháp luật. Chúng tôi mong các công đoàn ở KCX-KCN chú trọng hơn việc phổ biến kiến thức pháp luật cho công nhân”. 

Danh sách luật sư tư vấn miễn phí cho công nhân tại ngày hội:

     

STT

Họ và tên

Địa chỉ

 1

LS Lê Văn Hoan

VPLS Lê Văn, 14B Thống Nhất, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức

 2

LS Nguyễn Bảo Trâm

58 Nguyễn Phi Khanh, phường Tân Định, quận 1

 3

LS Nguyễn Minh Luận

VPLS Sài Gòn Công Lý, số 6 Hồ Tùng Mậu, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1

 4

LS Trần Công Ly Tao

VPLS 17 Phan Bội Châu, phường 2, quận Bình Thạnh

 5

LS Trần Vĩ Cường

129 Nguyễn Văn Nghi, phường7, quận Gò Vấp

 6

LS Trần Hải Đức

Lầu 8, 259A Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3

 7

LS Nguyễn Hoài Bảo

96 đường số 44 Trương Đình Hội, phường 16, quận 8

 8

LS Đặng Trường Thanh

VPLS 15-17 Ngô Thời Nhiệm, quận 3

 9

LS Nguyễn Thúy Hường

34/5R ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn

10

LS Lê Nhật Quang

108/23 Trần Mai Ninh, phường 12, quận Tân Bình

Ý kiến của bạn

Bình luận