Dự án di dời đường ống cấp nước phục vụ đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội được triển khai tại đường Cầu Giấy (Hà Nội). Công nhân bắt đầu làm việc từ 23h và phải kết thúc vào 5h sáng hôm sau để trả lại mặt bằng cho các phương tiện lưu thông.
Đường ống thoát nước cũ nằm gần với mạng lưới điện ngầm, cáp quang… nên không thể sử dụng máy móc, buộc phải đào bằng tay.
Ông Nguyễn Văn Hùng (46 tuổi) cho biết, làm công việc này nguy hiểm nhất là không may đào phải dây điện, vậy nên mỗi nhát cuốc đều phải lựa rất kỹ càng.
Trước khi đặt đường ống mới, công nhân phải đo đạc rất kỹ, đảm bảo chiều dài của ống mới vừa khít với vị trí đường ống cũ có sẵn.
Mặc dù công việc vất vả, có phần nguy hiểm, nhưng công nhân làm việc thiếu bảo hộ lao động. Mỗi tối, mỗi người được trả công 170.000 đồng.
Công việc tốn nhiều thời gian nhất là tìm vị trí đường ống dẫn nước vào các hộ dân để đấu nối với đường ống dẫn nước mới. Mặc dù có bản thiết kế tuy nhiên những gì trên giấy thường khác xa so với thực địa.
Một công đoạn không kém phần vất vả là cưa đường ống dẫn nước cũ. Do phải xoay sở trong khoảng không gian chật hẹp nên việc điều khiển lưỡi cưa trở nên khó khăn hơn.
Anh Trần Văn Đảo cho biết, nếu như cưa bình thường thì một vòng ống chưa hết một lưỡi cưa, nhưng cưa ở địa thế chật hẹp như thế này phải mất tới 2-3 lưỡi. Thời gian thi công ở những đoạn đấu nối cũng lâu hơn so với bình thường.
Ở mỗi đầu đấu nối, anh Đảo luôn phải bôi dầu để đảm bảo vị trí đó không bị hoen gỉ.
Để đảm bảo tiến độ thi công, công nhân luôn làm theo phương thức cuốn chiếu, làm xong đến đâu thì hoàn trả mặt bằng tới đó.
Trời tờ mờ sáng, công việc hối hả hơn, các đống đất đá được múc lên xe và đem tới vị trí tập kết, đảm bảo trả lại đường thông hè thoáng cho nhân dân đi lại. Và khi công việc kết thúc cũng là lúc dòng người từ các con đường đổ về trung tâm bắt đầu một ngày làm việc mới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.