Bên ngoài một trung tâm nghiên cứu của Huawei ở Ontario (Canada). Ảnh: Reuters |
Theo chương trình chính thức, một cuộc họp được Hội đồng Cố vấn An ninh Nước ngoài Mỹ tổ chức tại Singapore tuần trước chỉ bàn về tội phạm kinh tế và khủng bố trong khu vực. Tuy vậy, các cuộc nói chuyện bên lề của những người tham gia đã nhanh chóng chuyển sang rủi ro tại Trung Quốc, sau việc Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch Huawei - Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu từ Mỹ.
Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết vấn đề được thảo luận nhiều nhất là Giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ và khả năng các công ty Mỹ tại Trung Quốc bị trả đũa. Nhiều người đã cân nhắc hạn chế các chuyến đi không cần thiết tới Trung Quốc, và tìm cách chuyển các cuộc họp ra khỏi nước này.
Đại diện nhiều công ty lớn, như Walt Disney, Google, Facebook và PayPal, đều tham gia sự kiện này. Cuộc họp diễn ra tại trụ sở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Google tại Singapore, với sự tham gia của các doanh nghiệp Mỹ.
Dù vậy, trong một tuyên bố, người phát ngôn của Google - Taj Meadows khẳng định "không có cuộc thảo luận kín hay chính thức nào về việc bắt giữ lãnh đạo Huawei, hay về các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc". Ông cho biết mình không có mặt tại buổi họp nên không thể khẳng định liệu những người tham dự có thảo luận vấn đề này bên lề hay không.
Bà Mạnh bị cáo buộc sử dụng hệ thống ngân hàng quốc tế để lách luật trừng phạt của Mỹ lên Iran. Bà hiện vẫn bị giữ tại Canada. Việc này đã làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời khiến triển vọng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt càng mờ mịt.
Các nhà phân tích và chuyên gia tư vấn rủi ro cũng cho rằng việc bắt giữ có thể khiến Bắc Kinh trả đũa Mỹ theo hình thức nào đó. "Việc này sẽ gây sức ép, buộc giới chức Trung Quốc mạnh tay hơn trong cuộc tranh chấp này", Nick Marro - nhà phân tích tại Economist Intelligence Unit nhận định, "Tức là lập trường của họ trong đàm phán thương mại sẽ cứng rắn hơn, hoặc họ sẽ mạnh tay hơn với các hãng công nghệ Mỹ tại Trung Quốc".
Các chuyên gia tư vấn rủi ro tại châu Á cũng cho biết gần đây, khách hàng của họ liên tục thắc mắc về vấn đề của Huawei và các rủi ro tiềm tàng liên quan đến công ty Mỹ tại Trung Quốc. Hai ngày qua, Jakob Korslund - CEO Deutsche Risk nhận được rất nhiều câu hỏi về rủi ro khi di chuyển tới Trung Quốc. "Với một số người, chúng tôi đã khuyên họ hoãn chuyến đi nếu không thực sự cần thiết vào lúc này. Họ nên đợi vài tuần nữa để xem xét tình hình", ông nói.
James McGregor - Chủ tịch phụ trách Trung Quốc tại APCO Worldwide thì cho biết các công ty hiện không nên cử lãnh đạo sang Trung Quốc. "Chỉ đề đề phòng thôi, vì nếu có ai đó bị bắt thì sao?", ông cho biết trên Reuters, "Mọi người đều đùa rằng có lẽ họ nên về nước sớm mừng Giáng sinh".
Dù vậy, khi được hỏi liệu Trung Quốc sẽ có hành động trả đũa lên lãnh đạo công ty nước ngoài tại Trung Quốc hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Geng Shuang cuối tuần trước khẳng định sẽ luôn bảo vệ quyền hợp pháp của người nước ngoài tại Trung Quốc, theo luật nước này. "Dĩ nhiên là tại Trung Quốc, họ cũng phải tôn trọng quy định và luật pháp ở đây nữa", ông nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.