Khoảng 34 nhân viên của công ty bảo hiểm nhân thọ Fukoku ở Nhật Bản đã bị sa thải và thay thế bằng trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence - AI). |
Một tương lai, người lao động được thay thế bằng máy móc đã trở thành hiện thực ở một công ty bảo hiểm tại Nhật Bản, nơi có hơn 30 nhân viên bị sa thải và thay thế bằng một hệ thống trí thông minh nhân tạo Watson Explorer của IBM có khả năng tính toán tiền bảo hiểm.
Công ty Fukoku tin rằng họ sẽ tăng 30% năng suất công việc và đạt lợi nhuận đầu tư trong vòng chưa đầy 2 năm. Công ty cũng cho biết thêm, họ sẽ tiết kiệm được khoảng 140 triệu Yên Nhật/ năm (1 triệu bảng Anh/ năm) sau khi hệ thống trí tuệ nhân tạo trị giá 200 triệu Yên Nhật (1,4 triệu bảng Anh) được lắp đặt trong tháng này. Chi phí duy trì hệ thống này có giá khoảng 15 triệu Yên/ năm (100 ngàn bảng Anh/ năm).
Động thái trên dĩ nhiên sẽ không được người lao động hoan nghênh, tuy nhiên, 34 nhân viên của công ty vẫn sẽ bị nghỉ việc vào cuối tháng 3 năm nay.
Hệ thống trên hoạt động dựa trên siêu phần mềm Watson Explorer của IBM. Theo IBM cho biết phần mềm này sở hữu công nghệ “có nhận thức và suy nghĩ như một con người”, cho phép phân tích và giải thích tất cả các dữ liệu của bạn, bao gồm cả văn bản phi cấu trúc, hình ảnh, âm thanh và video.
Theo tờ Mainichi Shimbun, công nghệ này có thể đọc hàng chục ngàn giấy chứng nhận và số liệu y tế trong suốt thời gian người đóng bảo hiểm sử dụng dịch vụ tại bệnh viện. Nó có thể lưu trữ các lịch sử y tế và bất kỳ thủ tục phẫu thuật nào trước khi các khoản chi phí đó được thanh toán. Việc sử dụng trí thông minh nhân tạo sẽ giúp công ty bảo hiểm Fukoku tiết kiệm đáng kể thời gian tính toán các khoản chi bảo hiểm.
Nguồn lực lao động bị thu hẹp, dân số già, cùng với công nghệ robot đang phát triển với tốc độ “chóng mặt” tại Nhật Bản, đang tạo ra những điều kiện thuận lợi trong việc thử nghiệm và phát triển trí thông minh nhân tạo.
Theo một báo cáo năm 2015 của Viện Nghiên cứu Nomura tại Nhật Bản, gần một nửa trong số tất cả các việc làm tại Nhật Bản có thể được thay thế bằng các robot trước năm 2035.
Tờ Mainichi Shimbun cho biết, công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-Ichi cũng đã giới thiệu một hệ thống dựa trên nền tảng trí thông minh nhân tạo Watson, để kiểm tra các khoản thanh toán. Dù vậy Dai-Ichi đã không cắt giảm nguồn nhân lực của công ty. Bên cạnh đó công ty bảo hiểm Japan Post cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc giới thiệu một hệ thống tương tự.
Không chỉ tham gia vào các ngành công nghiệp, AI cũng đang dần “có mặt” trong các công việc chính trị của đất nước Nhật Bản. Tháng tới, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ giới thiệu AI trên cơ sở thử nghiệm để giúp các công chức nhà nước soạn thảo các câu trả lời cho Bộ trưởng trong các buổi họp nội bộ.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng hy vọng AI sẽ giúp các quan chức tiết kiệm được hàng giờ để chuẩn bị các câu trả lời bằng văn bản cho các Bộ trưởng.
Theo hãng tin Jiji, nếu thí nghiệm thành công, AI có thể được chấp nhận bởi các cơ quan chính phủ khác.
Thí dụ, một câu hỏi được hỏi về chính sách tiết kiệm năng lượng, hệ thống AI sẽ cung cấp cho cán bộ công chức hàng loạt các dữ liệu và các câu trả lời thích hợp dựa trên các câu hỏi tương tự.
Tuy nhiên không phải những con robot thông minh này có thể trả lời tất cả câu hỏi mà con người đưa ra. Bà Noriko Arai, giáo sư nghiên cứu thông tin và xã hội tại Viện tự động hóa Quốc gia Tokyo nói với hãng tin Kyodo “AI không giỏi trong việc trả lời những dạng câu hỏi đòi hỏi khả năng nắm bắt ý chính trong một lĩnh vực rộng lớn”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.