CSGT có được phép đỗ xe tại lề đường trên cao tốc bắn tốc độ?

Hỏi đáp 17/09/2018 15:42

Nếu việc hóa trang không tuân thủ các điều kiện về tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang theo quy định thì việc đỗ xe tại lề đường trên cao tốc để bắn tốc độ của CSGT là trái với quy định pháp luật.

 

ca,2813,29.jpg.pagespeed.ce.yHvzSir29t
Chiếc xe dừng, đỗ bên lề đường, trên xe có người sử dụng máy bắn tốc độ

Vừa qua, khi đang di chuyển trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tôi đã nhìn thấy một xe ôtô đỗ xe bên lề đường và trên xe đang có người sử dụng máy bắn tốc độ (có hình ảnh kèm theo). Vậy xin luật sư cho biết, việc dừng đỗ của xe tại vị trí như trên là đúng hay sai và nếu người trên xe là CSGT thì việc kiểm tra tốc độ của CSGT có đúng quy định pháp luật hay không? Xin cảm ơn luật sư.

Độc giả Đỗ Văn Nam (Hà Nội).

 

Trả lời: Dựa trên những thông tin mà bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật về vấn đề mà bạn đang thắc mắc như sau:

Để xác định việc dừng đỗ xe và kiểm tra tốc độ của người đang có mặt trên xe (có thể là CSGT) có đúng quy định hay không cần xem xét về vị trí đỗ xe và quy trình, thủ tục kiểm tra của CSGT, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về việc chiếc xe ô tô dừng đỗ xe bên lề đường:

Tại Điều 18 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau:

“Điều 18. Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ

c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó”.

Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008 cũng quy định:

“Điều 26: Giao thông trên đường cao tốc

3. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết".

Trong Luật giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định nghiêm cấm việc dừng, đỗ xe trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc, tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; dừng, đỗ xe che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Đây là quy định áp dụng cho tất cả tổ chức, cá nhân liên quan đến giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam (tức là bao gồm cả việc tham gia giao thông của của cá nhân, tổ chức và CSGT điều khiển phương tiện giao thông trên đường). Vì vậy, trong trường hợp xe ôtô đang đỗ xe là xe ngụy trang của CSGT thì cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy định trên.

Xét trong trường hợp này: Xe ôtô trên dừng xe ở phần làn đường có vạch kẻ ở lề đường bên phải. Theo quy ước từ trước tới nay thì vạch kẻ như trong hình là điểm được dừng, đỗ xe (tuy nhiên, xem xét trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ số 41:2016/BGTVT thì chưa có quy định cụ thể, chi tiết về vạch kẻ đường như trong hình vẽ là điểm dừng, đỗ xe).

Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét kỹ về vị trí dừng xe vì nhìn qua ảnh có thể thấy xe dừng ở điểm cuối vạch kẻ dừng và có dấu hiệu che khuất biển báo tốc độ của xe. Trong trường hợp xe dừng đỗ tại vị trí này mà làm che khuất biển báo tốc độ thì việc dừng xe là trái với quy định pháp luật vì đã làm cho người điều khiển phương tiện trên đường không nhìn thấy biển báo tốc độ. Đặc biệt, nếu đây là xe được CSGT sử dụng để tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang – mục đích để bắn tốc độ mà lại làm che khuất biển báo tốc độ cho phép thì rõ ràng, việc tuần tra, kiểm soát trong trường hợp này có dấu hiệu trái quy định và người tuần tra đang lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát để sách nhiễu, làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân.

Thứ hai, về việc người đang sử dụng máy bắn tốc độ trên xe:

Nếu người đang sử dụng máy bắn tốc độ trên xe là CSGT hóa trang thì việc kiểm tra tốc độ của CSGT trong trường hợp này là được phép theo quy định pháp luật bởi: Tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ công an có quy định như sau:

“Cảnh sát giao thông được phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật tại Nghị định 165/2013/ND–CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ.”

Theo đó, việc CSGT sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong khi thi hành nhiệm vụ là một việc cần thiết, hỗ trợ hiệu quả đem lại kết quả chính xác trong việc kiểm soát an toàn giao thông, ngăn chặn các hành vi vi phạm và phòng ngừa được các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Khi thực hiện việc tuần tra kiểm soát giao thông, cảnh sát giao thông có thể tuần tra kiểm soát công khai hoặc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.

Cụ thể, việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang được thực hiện khi thuộc các trường hợp sau:

“1. Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

b) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.”

Như vậy, trong trường hợp CSGT thực hiện tuần tra kết hợp với hóa trang để thực hiện việc tuần tra, kiểm soát thì vẫn có thể mặc thường phục sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (trong đó bao gồm cả việc sử dụng máy đo tốc độ có ghi hình ảnh) để phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm của người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang phải đảm bảo các điều kiện sau:

3. Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát;

b) Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;

Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật;

c) Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.”

Như vậy, để tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang thì cần có quyết định của người có thẩm quyền, cụ thể:

+ Có Quyết định của Cục trưởng Cục CSGT, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang;

+ Hoặc có Quyết định của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT, Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Nếu người đang sử dụng máy bắn tốc độ trong xe ở trên hóa trang để bắn tốc độ nhưng việc hóa trang không tuân thủ các điều kiện về tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang theo quy định trên thì việc đỗ xe tại lề đường trên cao tốc để bắn tốc độ của CSGT trong trường hợp này là trái với quy định pháp luật.

Ý kiến của bạn

Bình luận