Đại úy Nguyễn Văn Quý - điều tra viên Công an quận 9 (TP HCM) cho biết, khi phát hiện tài xế Nguyễn Bảo Toàn (37 tuổi, quê Bình Định) lấn tuyến, không thắt dây an toàn và nghi chở quá tải, thượng úy Võ Văn Thoại (Đội CSGT Rạch Chiếc) ra hiệu lệnh dừng xe.
Tuy nhiên, tài xế Toàn bất chấp hiệu lệnh nên anh Thoại phải dùng xe đặc chủng truy đuổi. Khi bị ép xe vào lề đường, tài xế xuống xe chửi bới, xúc phạm CSGT rồi định lên xe chạy tiếp.
Khi tài xế Toàn chưa kịp nổ máy cho xe chạy, thượng úy Thoại leo lên giữ cửa không cho đi. Cảnh sát yêu cầu tài xế xuống xe làm việc thì anh này nổ máy cho xe chạy. Anh Thoại không kịp nhảy xuống, bám vào 2 tay nắm trên cabin suốt gần 1 km.
"Như vậy, trong trường hợp này CSGT leo lên xe khi xe đang dừng ở lề đường chứ không phải cố tình đeo bám khi xe đang chạy", ông Quý phân tích.
Theo đại úy Quý, tài xế Toàn chạy xe tốc độ cao, lạng lách khiến anh Thoại "bị đe dọa tính mạng". Chỉ khi xe bị kẹt đèn đỏ, anh Thoại mới rút chìa khóa và khóa tay tài xế để không chạy tiếp được.
"Lúc này, tài xế Toàn rất manh động, mất bình tĩnh. Việc chạy xe như vậy rất nguy hiểm dễ gây tai nạn cho người đi đường" điều tra viên Quý khẳng định.
Đại úy cũng giải thích thêm, theo thông tư 65/2012 của Bộ Công an, ngoài việc được phép giữ các loại giấy tờ, phương tiện của người vi phạm, CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo cho việc xử phạt hành chính theo quy định.
Do đó, theo ông Quý, trong trường hợp này, thượng úy Thoại rút chìa khóa phương tiện vi phạm là "hoàn toàn hợp lý".
Ủng hộ hành động quyết liệt ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, nhưng luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP HCM) cũng không đồng tình với việc CSGT nhảy lên capô hay lao ra giữa đường chặn xe vi phạm.
"Vì như thế không những nguy hiểm cho bản thân người thi hành công vụ mà còn nguy hiểm đến tính mạng của người khác", ông Chánh nói.
Luật sư Chánh cũng giải thích, hành vi vi phạm giao thông không quá nguy hiểm cho xã hội, đến mức người thi hành công vụ phải hy sinh hay bất chấp tính mạng, sức khỏe của mình.
Theo ông Chánh, gặp phải những trường hợp nêu trên thượng úy Thoại có thể lập biên bản hành vi đi sai làn đường và không chấp hành hiệu lệnh của CSGT bằng việc yêu cầu 2 người làm chứng ký vào biên bản…
Như vậy, không những CSGT có đủ cơ sở để ra quyết định xử phạt tài xế Toàn về hành vi vi phạm giao thông mà còn tránh được tổn thất về sức khỏe, tính mạng cho thượng úy Thoại và người khác.
Còn việc tài xế Toàn cho rằng không đi sai làn nên không đồng ý xuất trình giấy tờ, cố tình lái xe bỏ chạy, đảo tay lái, lạng lách đánh võng nhằm cho thượng úy Thoại đang bám vào cabin ngã xuống đường... là có dấu hiệu của tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 257 BLHS.
Nếu tài xế cho rằng mình không vi phạm mà CSGT vẫn lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính thì anh Toàn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính tại tòa án. Việc đúng hay sai sẽ do tòa án phán quyết và như vậy mới đúng quy định.
"Không nên chỉ vì phút nóng giận hay lý do nào đó mà chống người thi hành công vụ. Điều này không giúp giải quyết vấn đề mà còn làm trầm trọng thêm vụ việc, có thể đẩy tài xế vào con đường lao lý", luật sư Chánh phân tích.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.