Thiếu tá Phạm Hồng Hải tranh thủ thời gian làm việc để quản trị trang Facebook của CSGT Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Điều khiển xe container với phần thùng cơi nới vượt quá quy định trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), tài xế đã qua mặt lực lượng chức năng. Nhưng chỉ hai ngày sau, chủ xe nhận được giấy mời của cảnh sát giao thông Đà Nẵng và phải ký biên bản nộp phạt 6,9 triệu đồng, chịu tước giấy phép lái xe 2 tháng, vì có đầy đủ hình ảnh ghi lại chiếc xe chở quá tải.
Đây là vụ việc mà CSGT có được thông tin để phạt nguội từ "tai mắt" người dân phản ánh qua trang facebook Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng. "Kết quả xử lý được công khai ngay trên mạng xã hội", thiếu tá Phạm Hồng Hải (Đội trưởng tham mưu, Tổ phó quản trị trang Facebook của CSGT Đà Nẵng) cho hay.
Tháng 4/2016, trang Facebook của CSGT Đà Nẵng được thiết lập, giới hạn ở 150 thành viên để chạy thử nghiệm. Trong phạm vi nhỏ, kênh thông tin này hoạt động tốt với mức độ tương tác cao. Đến ngày 1/12, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã đồng ý cho trang Facebook này trở thành kênh chính thức của CSGT tiếp nhận phản ánh từ người dân.
"Khi lên Facebook, chúng tôi chấp nhận áp lực để đối thoại trực tiếp với người dân. Không chỉ giám sát an toàn giao thông, người dân còn giám sát chính lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ ngoài đường và chính những thông tin nhạy cảm sẽ giúp chúng tôi kịp thời chấn chỉnh để phục vụ tốt hơn", thiếu tá Hải chia sẻ.
Chưa đầy 2 tuần sau khi được thiết lập chính thức, trang đã có hơn 4.300 thành viên, với hàng chục lượt xuất bản bài trong ngày. Hàng ngày, 8 quản trị viên vừa phụ trách công việc chuyên môn, vừa chia nhau tranh thủ "lướt phây" để kịp thời tiếp nhận thông tin người dân phản ánh. Những ý kiến phản ánh ngoài giờ hành chính được tổng hợp trả lời vào sáng hôm sau. Cảnh sát cam kết bảo mật về người cung cấp thông tin khi xử lý các phương tiện vi phạm.
Công việc bận rộn, nhưng theo anh Hải, chỉ cần cầm theo điện thoại hay một chiếc máy tính bảng là có thể theo dõi, tương tác với người dân qua mạng xã hội. "Bà con tham gia giao thông tại đoạn đường ùn tắc, họ không vui và chụp ảnh phản ánh trên trang Facebook của CSGT. Hơn ai hết, lúc này CSGT phải biết lắng nghe, phản hồi", anh Hải nói.
Hiện trên trang, thiếu tá Hải đưa bài viết về thủ tục "xe chính chủ" lên vị trí nổi bật và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Theo anh Hải, các quản trị viên có nhiệm vụ tổng hợp những ý kiến về cùng vấn đề phản ánh, từ đèn tín hiệu giao thông, thủ tục chuyển đổi "xe chính chủ", đậu đỗ xe..., để phúc đáp cho người dân. Riêng những phản ánh "nóng" về tình hình giao thông được cảnh sát liên hệ ngay với lực lượng làm nhiệm vụ trên đường đến xác minh, xử lý. Đến nay, CSGT đã xử lý 20 trường hợp đậu đỗ xe không đúng quy định từ phản ánh trên Facebook.
Lý giải việc mỗi ngày tiếp nhận hàng chục thông tin từ trang Facebook, nhưng số lượng được xử lý chưa nhiều, thiếu tá Hải cho biết thông tin của người dân giúp CSGT tham khảo, sau đó cần có thời gian để đối chiếu với hệ thống camera giám sát (nếu có), rồi mới trả lời người phản ánh cũng như làm cơ sở xử phạt phương tiện vi phạm.
"Tới đây thành phố lắp xong hệ thống camera công cộng, chúng tôi sẽ kết nối và thuận lợi hơn trong việc xác minh những thông tin từ phản ánh của người dân", thiếu tá Hải nói và khẳng định người dân chính là "tai mắt" của CSGT vì lực lượng không thể ở mọi nơi, mọi lúc.
"Nhiều người dân đã chia sẻ những câu chuyện ca ngợi CSGT Đà Nẵng, đó chính là động lực để tổ quản trị hoàn thành nhiệm vụ, nhưng chúng tôi không tự mãn, chủ quan", ông nói.
CSGT Đà Nẵng hướng dẫn cụ thể về thủ tục chuyển đổi "xe chính chủ" trên trang Facebook của mình. |
Theo tổ quản trị Facebook CSGT Đà Nẵng, nhiều trường hợp người dân tham gia nhóm đã có các bình luận mang tính gây rối, thiếu lịch sự. Lập tức, các quản trị viên phải can thiệp để nhắc nhở, giảng hòa. Chưa tính đến chuyện giới hạn thành viên, tuy nhiên CSGT Đà Nẵng cho biết sẽ loại những thành viên liên tiếp có hành vi phá rối, khiếm nhã. Những người dùng Facebook sử dụng tên thiếu văn hóa không được phê duyệt vào nhóm.
Là thành viên của trang, anh Trần Bách nhận xét đây là một kênh thông tin hay, tuy nhiên tốc độ phản hồi ý kiến người dân của cảnh sát còn chậm. Theo anh, trang Facebook của CSGT mở ra để tiếp cận gần gũi với dân thì phải có cách thức tiếp nhận và xử lý thông tin nhanh hơn.
Trao đổi với VnExpress, đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, do mới hoạt động chính thức, số thành viên không ngừng tăng lên và phản ánh nhiều vấn đề nên cần một thời gian để tổ quản trị trang đúc kết kinh nghiệm; tính toán mức độ hiệu quả từ việc tương tác trực tiếp với người dân trên Facebook.
"Nếu hiệu quả thực sự, chúng tôi sẽ bố trí đội ngũ riêng để quản trị trang facebook này chuyên nghiệp hơn", đại tá Chính nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.