Vừa qua, vụ CSGT Đà Nẵng xử phạt nữ sinh vi phạm giao thông bằng cách yêu cầu chép 20-30 lần câu “Tôi hứa sẽ không đi ngược chiều nữa” đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ.
Đa số đều nhận xét, đây là biện pháp xử phạt rất mềm dẻo, bao dung, đầy tính nhân văn và cần được nhân rộng. Bởi chính lối hành xử thân thiện của các anh đã góp phần khiến Đà Nẵng càng trở nên ấn tượng thêm nhiều.
Tuy nhiên, bên cạnh luồng ý kiến ủng hộ, một số độc giả lại cho rằng, nếu công dân vi phạm luật an toàn giao thông thì phạt cứ chiếu theo luật. Không nên khuyến khích cách xử phạt "lạ" này vì hình thức chép phạt hoàn toàn không được quy định trong luật. Do đó, nếu CSGT Đà Nẵng áp dụng các hình phạt trên là không đúng với quy định.
Cô gái chép phạt 20 lần vì đi ngược chiều. Ảnh: Tôi yêu Đà Nẵng |
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, mục đích của các chế tài pháp luật không chỉ là trừng phạt, răn đe mà còn là để tuyên truyền, giáo dục cho người vi phạm chấp hành pháp luật. Tuy nhiên không nên nhầm lẫn giữa chế tài và biện pháp giáo dục.
Theo quy định tại Điều 21, Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành (năm 2012) thì có 5 hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
1.- Cảnh cáo;
2.- Phạt tiền;
3.- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
4.- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);
5.- Trục xuất.
Đồng thời, Điều 22, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: "Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản".
Luật sư Cường cho biết thêm, ngoài 5 hình thức xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, không có văn bản pháp luật nào có quy định thêm về hình thức xử phạt vi phạm hành chính khác. Luật giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng phải tuân thủ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các nguyên tắc chung đã được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính. Việc Cảnh sát giao thông Đà Nẵng tự ý "nghĩ" ra hình thức xử phạt ngoài hình thức đã được quy định là tùy tiện, không phù hợp với quy định pháp luật.
Ngoài ra, theo luật sư, áp dụng hình thức "nhắc nhở" với người "lớn tuổi" mà không tiến hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ cũng là trái với quy định, không đảm bảo nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Mặc dù pháp luật có chính sách khoan hồng, nhân đạo với các đối tượng đặc biệt như người chưa thành niên, người già... tuy nhiên những nội dung này đã được luật hóa. Người áp dụng pháp luật trước tiên phải đảm bảo nguyên tắc pháp chế, phải tuân thủ pháp luật.
Việc tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật dễ dẫn đến lạm quyền, tiêu cực và không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Đành rằng, tâm lý của người vi phạm là mong không bị xử lý hoặc chỉ muốn áp dụng hình thức đỡ thiệt hại về kinh tế là "cảnh cáo" chứ không muốn "phạt tiền". "Việc áp dụng chế tài cảnh cáo hay phạt tiền phụ thuộc vào hành vi vi phạm, yếu tố lỗi trên cơ sở các quy định pháp luật có sẵn chứ không phải là do người xử phạt quyết định. Vì vậy, không nên khuyến khích áp dụng các chế tài "ngoài luật" để xử lý vi phạm”, Luật sư Cường giải thích.
Ngoài ra, khi nhắc đến mục đích giáo dục tuyên truyền về luật giao thông đường bộ, Luật sư Cường cho biết: “Việc là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục luật giao thông đường bộ, giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ đã được quy định rất cụ thể và có thể triển khai, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chứ không phải là không có quy định để người áp dụng pháp luật tùy tiện, đánh đồng giữa hình thức tuyên truyền phổ biến với các chế tài xử lý vi phạm. Bản thân việc áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính cũng là biện pháp răn đe, giáo dục người vi phạm.
Những người áp dụng pháp luật cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nói chung, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính nói riêng để tránh việc tùy tiện, lạm quyền trong thi hành công vụ, đồng thời đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.