Một số hình ảnh người đi xe máy vi phạm trên đường Vành đai 2 trên cao bị lực lượng CSGT yêu cầu vào chốt lập biên bản xử lý
Ngày 6/11, trao đổi với PV Tạp chí GTVT, đại diện Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, tình trạng người đi xe máy lên đường Vành đai 2 trên cao (điểm lên xuống đoạn qua Ngã Tư Sở…) diễn ra ngay sau khi tuyến đường này được thông xe từ tháng 1/2023.
Dù lực lượng chức năng cũng liên tục xử lý nhưng nhiều người tham gia giao thông vẫn cố tình vi phạm… Để nâng cao ý thức người dân, ngoài việc xử lý nghiêm, thời gian tới, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm kết hợp với tuyên truyền trực tiếp cho người vi phạm, với mục tiêu làm thay đổi nhận thức người tham gia giao thông.
Qua khảo sát, thời gian qua bị xử lý nghiêm nên tình trạng vi phạm đã giảm nhưng cá biệt vào khung giờ cao điểm hàng ngày từ 6h30 - 8h30 vẫn còn tình trạng một số cá nhân cố tình đi từ khu vực Giải Phóng (đầu đường Trường Chinh) lên để tránh ùn tắc khi đi xuống nút giao Trường Chinh - Ngã Tư Sở. Hành vi này vô cùng nguy hiểm dù khoảng cách di chuyển chưa đến 3 km, bởi đây là đường trong đô thị nhưng ôtô được phép lưu thông với tốc độ 80 km/h; môtô, xe gắn máy, xe thô sơ và người đi bộ bị cấm lưu thông trên tuyến đường này.
Ghi nhận, trong sáng 6/11, tổ công tác gồm: Đại úy Cao Văn Tuấn, Thượng úy Nguyễn Hoàng Tùng và Thượng úy Trần Tiến Đạt thuộc Đội CSGT đường bộ số 3 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội) do Đại uý Tuấn làm Tổ trưởng tiến hành cắm chốt dưới đường dẫn đường vành đai 2, đoạn đầu nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh. Tại đây, nhiều người đi xe máy ngang nhiên quay đầu bỏ chạy ngược chiều, có trường hợp người đi xe máy đã va chạm với ô tô đi ngược chiều trong quá trình quay đầu xe, gây bức xúc.
Tuy nhiên, trong ca làm việc vào giờ cao điểm từ 6h - 8h30 ngày 6/11, tổ công tác đã xử lý được 5 trường hợp vi phạm. Đa số các trường hợp trên đều lấy lý do chọn lối đi trên cao dù biết hết sức nguy hiểm để đến chỗ làm và đưa con đến trường, tránh đoạn đường ùn tắc (đường Trường Chinh) vào giờ cao điểm.
Điển hình là trường hợp anh Đ.M.T (sinh năm 2000, ở huyện Ứng Hoà, Hà Nội) điều khiển xe máy biển kiểm soát 29Y3-604.xx cố tình đi trên đường vành đai 2 với lý do để đến cơ quan cho kịp giờ làm. Hay như trường hợp anh N.V.T (sinh năm 1988, ở Hà Nội, là lái xe ôm công nghệ), điều khiển xe máy biển kiểm soát 29D2-483.xx cho biết, do khách hàng sợ muộn giờ học nên đã yêu cầu anh đi nhanh nhất có thể, khi thấy nhiều người phía trước đi lên đường vành đai 2 trên cao, anh T. cũng đi theo.
Đại uý Cao Văn Tuấn, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 3 cho biết, thực tế làm nhiệm vụ, nhiều lái xe ô tô đã rất bức xúc khi phải chứng kiến ý thức của người đi xe máy, bất chấp cả tính mạng bản thân và người tham gia giao thông, đề nghị lực lượng chức năng cần phải xử phạt nghiêm.
"Hiện tại, theo kế hoạch của Công an thành phố và Phòng CSGT, đơn vị tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, đặc biệt là tập trung vào những hành vi người điều khiển phương tiện mô tô tham gia giao thông đi vào đường cấm, khu vực cấm gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông", Đại úy Tuấn chia sẻ.
Đại diện Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho rằng, qua việc xử lý vi phạm cho thấy tình hình có chuyển biến, chứng tỏ hiệu quả của việc xử lý và tuyên truyền trực tiếp đối với người vi phạm đã có tác dụng. Thời gian tới, để xử lý triệt để tình trạng trên, ngoài đề xuất lắp camera phạt nguội, Phòng CSGT đề nghị sự vào cuộc của công an phụ trách địa bàn, lực lượng thanh tra giao thông. "Thay vì giải quyết phần ngọn, cần có biện pháp hướng dẫn phân luồng xử lý nghiêm ở điểm lên xuống đường vành đai 2 ở nút giao Giải Phóng - Trường Chinh. Trong quá trình xử lý cần có sự phối hợp nhiều đơn vị ở đầu và cuối tuyến đường cùng xử lý nghiêm các trường hợp cố ý vi phạm", đại diện Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội nói.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.