Tài xế Vũ Thị Hồng Thái rời khỏi ôtô sau khi xe bốc cháy. Ảnh: Cắt từ video. |
Trước việc nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên quan đến nữ tài xế đi giày cao gót, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó CSGT (Bộ Công an) cho hay, hiện pháp luật chưa có điều luật nào cấm phụ nữ lái ôtô, xe máy đi giày cao gót.
"Tuy nhiên qua nghiên cứu thực tiễn và trong các giáo trình về lái xe đều có nội dung về việc đi giày cao gót lái xe sẽ tiềm ẩn rủi ro", ông Bình nói.
Theo ông, giày cao gót được cấu tạo cả mũi và phần gót đều có thiết diện rất nhỏ, do vậy khi đạp chân phanh, chân ga, hay chân côn sẽ không đảm bảo sự chắc chắn và đủ lực, "tạo cảm giác không thật cho bàn chân khi lái xe".
Do vậy, lãnh đạo Cục CSGT khuyến cáo khi lái xe, nữ tài xế cần phải kiểm tra kỹ chân phanh, chân ga, thao tác trước xem giày sử dụng có thoải mái và dễ xử lý khi lái xe không, khi nào đảm bảo sự chắc chắn và đủ lực nhấn phanh, ga mới khởi hành.
Từng có 10 năm lái ôtô, chị Nguyễn Thị Hoan ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho rằng, giày cao gót có thể là một trong những nguyên nhân khiến việc xử lý chân phanh, chân ga không được mềm mại. Theo chị, tai nạn xảy ra có nhiều nguyên nhân, tùy từng trường hợp phải điều tra thì mới khẳng định lý do chính thức là gì, song "nhiều vụ rất đáng tiếc, chỉ là tài xế lơ đãng, nghe điện thoại, hoặc tay lái non, xử lý lúng túng trong khi trang phục, giày dép không phù hợp".
"Khi tôi đi học lái xe, thầy dạy bảo không được sử dụng giày cao gót, thậm chí nhìn thấy học viên đi giày cao gót, thầy còn mắng và không cho lên xe", chị Hoan nói và cho hay chị luôn để sẵn một đôi giày đế thấp ôm chân để sử dụng khi lái xe."Đi loại giày này tạo cảm giác tốt, không bị mỏi cổ chân và mũi chân, xử lý các tình huống thuận tiện hơn", chị Hoan cho hay.
Anh Nguyễn Đức Đẩu với hơn 20 năm đào tạo lái xe tại trung tâm sát hạch lái xe ở ngoại thành Hà Nội thông tin, việc sử dụng giầy cao gót bị cấm với các học viên ở trung tâm này. "Giày gót cao nhọn, đế rất nhỏ, sẽ khiến bàn chân không được vững khi xử lý các tình huống, hơn nữa gót chân bị chống lên, mũi bàn chân dốc và cổ chân căng do vậy các thao tác vào côn, phanh, ga sẽ gặp khó khăn", anh nói.
Khoảng 7h30 ngày 20/11, bà Vũ Thị Hồng Thái (47 tuổi) lái ôtô Mercedes tông vào ba xe máy và một xe đạp, khiến một nữ nạn nhân tử vong tại chỗ tại chân cầu vượt Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Bà Thái bị Công an quận Cầu Giấy tạm giữ để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Nữ tài xế này khai "do thấy một số xe phía trước đang dừng đèn đỏ nên đã chuyển sang chân phanh, nhưng lại đạp nhầm chân ga, do đi giày cao gót".
Trước đó tháng 10/2018, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, trú quận 12, TP HCM) lái xe BMW đã tông vào 5 xe máy và một taxi khiến một phụ nữ tử vong tại chỗ và nhiều người bị thương tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP HCM).
Nữ tài xế này khai nhận lái xe khi vừa dự tiệc xong, khi thấy tín hiệu đèn đỏ phía trước đã đạp thắng, nhưng khi di chuyển chân từ cần ga sang cần phanh, quai hậu giày cao gót của bà bị vướng lại. "Trong lúc quýnh quáng, tôi rút chân lên rồi đạp xuống, trúng nhầm vào cần ga khiến xe lao về phía trước", bà Nga cho biết. Với hậu quả trong vụ tai nạn, nữ tài xế này bị TAND quận Bình Thạnh (TPHCM) tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.