Cuộc chạy đua giành hợp đồng tên lửa diệt hạm tỷ đô của Mỹ

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Ứng dụng 29/07/2018 17:01

Diễn tập hải quân RIMPAC 2018 chứng kiến cuộc "đọ tài" giữa tên lửa diệt hạm NSM của Raytheon và Harpoon của Boeing.

nsm-001-5270-1532755218_riqm

Tên lửa NSM rời bệ phóng trong một thử nghiệm năm 2017. Ảnh: US Navy.

"NSM là dòng tên lửa mới của Raytheon. Mục tiêu của chúng tôi là thay thế toàn bộ số tên lửa diệt hạm Harpoon trong biên chế quân đội Mỹ và các nước khác, để biến NSM thành dòng tên lửa mang về hàng tỷ USD", Defense News dẫn lời giám đốc tập đoàn Raytheon Thomas Kennedy tuyên bố hôm 26/7.

Tên lửa Tiến công Hải quân (NSM) là mẫu tên lửa diệt hạm cận âm được tập đoàn Kongsberg của Na Uy phát triển. Loại vũ khí này được Raytheon chế tạo với bản quyền từ Kongsberg, nhằm trang bị cho lớp tàu chiến đấu ven biển (LCS) và các dự án hộ vệ hạm của hải quân Mỹ trong tương lai.

NSM là mẫu tên lửa hành trình diệt hạm cận âm, có khả năng bay bám mặt biển với tầm bắn 160 km. Nó sử dụng cơ chế dẫn đường kết hợp giữa hệ thống định vị toàn cầu (GPS), dẫn đường quán tính và nhận dạng địa hình khi tiếp cận mục tiêu, giúp tên lửa vẫn hoạt động tốt trong trường hợp bị đối phương phá sóng GPS.

Ở giai đoạn cuối hành trình, NSM sẽ bật đầu dò ảnh hồng ngoại để dẫn đường tới mục tiêu. Nhờ kho dữ liệu nhận dạng từng loại tàu, nó có thể tự động phân biệt giữa mục tiêu dự kiến và các đối tượng khác, đảm bảo tấn công chính xác và tránh bị đối phương đánh chặn. Năng lực nhận dạng mục tiêu này rất quan trọng, bởi NSM sẽ không cần tàu chiến hoặc phi cơ liên tục dẫn bắn, giúp các bệ phóng duy trì khoảng cách an toàn với đối phương.

Oeyvind Kolset, giám đốc bộ phận nghiên cứu tên lửa của Kongsberg, nhận định nhiều mẫu tên lửa diệt hạm trên thế giới sắp hết tuổi thọ sử dụng và không còn khả năng nâng cấp, điển hình như việc hải quân Anh phải loại biên tên lửa Harpoon và không còn vũ khí diệt hạm. Việc hải quân Mỹ chọn NSM báo hiệu sự tăng trưởng doanh số của loại tên lửa này trong tương lai.

harpoon-jpg-7068-1532755218_kkgz
Tên lửa Harpoon bắn thử nghiệm giữa năm 2017. Ảnh: Boeing.

 

Không chỉ hải quân Mỹ muốn sở hữu NSM, lục quân nước này cũng chú ý đến NSM nhờ khả năng phóng từ đất liền để tiêu diệt mục tiêu trên biển và đất liền. Điều đó giúp tăng khả năng tác chiến hiệu quả của lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong cuộc diễn tập hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018, lục quân Mỹ đã phóng một tên lửa NSM và đánh trúng mục tiêu giả định là tàu đổ bộ đã loại biên USS Racine.

Tập đoàn Boeing, nhà sản xuất tên lửa chống hạm Harpoon, dường như cũng không chịu để mất thị phần trong lĩnh vực tên lửa chống hạm. Tại diễn tập RIMPAC 2018, các tàu chiến đã phóng thành công 6 quả đạn Harpoon. Trong đó, tàu ngầm USS Olympia bắn một quả UGM-84, đánh dấu lần đầu tiên tên lửa Harpoon được phóng từ tàu ngầm trong 20 năm qua.

Boeing đang tích cực quảng cáo phiên bản Harpoon Block II với tính năng thay đổi mục tiêu trong khi bay, dự kiến được hải quân Mỹ đưa vào biên chế trong năm 2018.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận