Nhiều hạng mục, công việc chờ hoàn thiện
Ghi nhận của PV Tạp chí GTVT từ cuối tháng 10/2022, đoạn trên cao của dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) Nhổn – ga Hà Nội thi thoảng xuất hiện đoàn tàu chạy dọc đoạn tuyến 8,5km trên cao vào ban ngày và đêm, từ ga Nhổn đến ga Cầu Giấy, nhưng chủ yếu là các đoàn tàu chạy đơn lẻ.
Còn tại 8 nhà ga dọc đoạn trên cao, các hạng mục cầu thang bộ, thang máy, biển hiệu đã được lắp đặt nhưng tiếp tục được rào chắn, chưa được vệ sinh công nghiệp, vận hành thử…
Hiện đoạn trên cao của dự án metro Nhổn – ga Hà Nội đang trong thời gian thi công, nhưng đáng quan tâm là chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là hết năm 2022 – thời hạn mục tiêu đưa 8,5km trên cao vào khai thác, vận hành mà UBND TP.Hà Nội đã đặt ra. Trước đây, mục tiêu hoàn thành, khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2021 cũng đã không thực hiện được.
Nhằm thông tin đến bạn đọc về tiến độ, khả năng thực hiện mục tiêu trên, PV Tạp chí GTVT gửi câu hỏi, đề nghị Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) cung cấp một số nội dung liên quan, nhưng đến nay đã hơn 1 tháng, đơn vị này chưa phản hồi.
Theo báo cáo tại văn bản số 401 ngày 11/10/2022 của Chính phủ gửi Quốc hội, dự án metro Nhổn – ga Hà Nội có 10 gói thầu chính, gồm 9 gói xây lắp, thiết bị và 1 gói tư vấn thực hiện dự án.
Đến đầu tháng 10/2022, 9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị đang triển khai (hoàn thành gói CP01 đoạn tuyến trên cao và CP04 kỹ thuật Depot hạ tầng). Tiến độ chung đoạn trên cao đạt 96,8%.
Đối với đoạn trên cao, để có thể khai thác vận hành 8,5km trên cao, còn một số khối lượng công việc phải hoàn thành. Cụ thể: các ga trên cao còn 0,03%, hệ thống đường sắt 1 (bao gồm cả chế tạo, lắp ráp đầu máy, toa tàu; thông tin, tín hiệu…) còn 2,99%; hệ thống đường sắt 2 (điện, cơ khí) còn 3,99%, hệ thống vé tự động còn 19,05%...
Trong khi đó, khó khăn là các hợp đồng thực hiện các gói thầu chính trên cần được gia hạn thời thực hiện và bổ sung chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Đằng sau việc điều chỉnh tiến độ và gia hạn thực hiện lại gặp khó khăn, phức tạp do dự án đồng thời phải tuân thủ quy định của các nhà tài trợ vốn và pháp luật Việt Nam, với một số khác biệt giữa quy định hợp đồng và pháp luật trong nước, dẫn đến phát sinh khiếu kiện, tranh chấp hay tạm dừng công việc với các nhà thầu quốc tế của dự án.
Tính đến gần giữa tháng 10/2022, chủ đầu tư mới ký kết phụ lục hợp đồng 5 gói thầu và đang thương thảo 3 gói thầu.
Nội dung công việc quan trọng khác cần hoàn thành là đánh giá, chứng nhận độc lập về an toàn hệ thống đường sắt Nhổn – ga Hà Nội. Các nội dung đánh giá gồm: độ tin cậy, tính sẵn sàng, khả năng bảo dưỡng và độ an toàn đối với các hệ thống (tàu, hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu, hệ thống tín hiệu; rủi ro phương án sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp trên đường cạn, nhà ga, kiểm soát khói, thoát nhiệt, thông gió; thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống; hệ thống quản lý an toàn vận hành …)
Công việc này do nhà nhà tư vấn ABC (Liên danh APAVE - BUREAU VERITAS- CERTIFER) thực hiện, được triển khai song song với quá trình thi công, thử nghiệm kỹ thuật, thiết bị và vận hành đường sắt Nhổn – ga Hà Nội và đòi hỏi thời gian dài. Tuy vậy, đến đầu tháng 10/2022, chủ đầu tư mới đang xây dựng Đề cương đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
Có kịp khai thác, vận hành cuối năm 2022?
Theo chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân, để một dự án metro khai thác, vận hành phải đáp ứng đồng bộ về yêu cầu kỹ thuật, bộ máy nhân sự vận hành, phương án khai thác và quản lý khai thác vận hành. Với dự án metro Nhổn – ga Hà Nội, do trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên tiến độ được chia thành hai mốc: hoàn thành, khai thác trước đoạn 8,5km trên cao và sau đó vài năm hoàn thành đoạn 4km đi ngầm.
Việc tách mốc tiến độ và thực tế vướng mắc khi xây dựng các hạng mục theo thiết kế tại Depot gây phát sinh cần giải quyết là phải có nơi để lắp đặt tạm thời Trung tâm điều hành hệ thống OCC mới có thể khai thác, vận hành kỹ thuật được đoạn trên cao.
"Trường hợp Trung tâm OCC không được lắp đặt tại Depot theo thiết kế, phương án có thể là lắp đặt tạm thời tại nhà ga Nhổn, gần với Depot nhất. Tuy vậy, lại phát sinh vấn đề thay đổi thiết kế và chi phí, gồm cả chi phí di chuyển máy móc, thiết bị để lắp đặt trở lại Depot.
Việc khai thác trước đoạn trên cao cũng phát sinh vấn đề là ga trung chuyển Cầu Giấy trở thành ga đầu/cuối trong một thời gian, dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, thiết bị, đoàn tàu chỉ khai thác được 3/4 toa… và liên quan đến chi phí dự án", ông Ân nói.
"Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) là đơn vị sẽ tiếp nhận, tổ chức khai thác dự án metro Nhổn – ga Hà Nội. Đơn vị này hiện đang khai thác tuyến Cát Linh – Hà Đông nên có thể bố trí lái tàu, nhân viên nghiệp vụ từ tuyến trên sang khai thác, vận hành tuyến Nhổn – ga Hà Nội. Song quan trọng là dự án Nhổn – ga Hà Nội phải hoàn thành về kỹ thuật, thử nghiệm vận hành, chứng nhận an toàn và các thủ tục dự án mới có thể khai thác kịp vào cuối năm 2022", ông Ân nhận xét.
Về phía Công ty Hà Nội Metro, đơn vị này chỉ cho biết, đơn vị chưa có thời gian cụ thể về tiếp nhận, tổ chức khai thác đoạn trên cao tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội.
Theo một số thông tin khác của Tạp chí GTVT, đến nay, đơn vị sát hạch, cấp giấy phép lái tàu chưa nhận được hồ sơ, đề nghị sát hạch lái tàu dự án metro Nhổn – ga Hà Nội; các đoàn tàu chưa kiểm tra, đánh giá kỹ thuật để cấp chứng nhận đăng kiểm… Điều này phần nào cho thấy khả năng đoạn trên cao Nhổn – ga Hà Nội khó kịp hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành chở khách vào cuối năm 2022 như dự kiến.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.