Sắp xây dựng 3 cầu vượt đường sắt quốc gia tuyến Hà Nội - TP.HCM

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 03/11/2022 11:33

Vị trí xây dựng các cầu vượt đường sắt tại TP. Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa, dùng nguồn kinh phí địa phương để đầu tư.

Sắp xây dựng 3 cầu vượt đường sắt quốc gia tuyến Hà Nội – TP.HCM - Ảnh 1.

Bộ GTVT vừa thống nhất với UBND huyện Thường Tín (Hà Nội) và UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xây dựng 3 cầu vượt đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP.HCM.

Bộ GTVT vừa có văn bản thống nhất với đề nghị của UBND huyện Thường Tín (TP. Hà Nội) và Cục Đường sắt Việt Nam về chủ trương xây dựng cầu đường bộ vượt đường sắt quốc gia tuyến Hà Nội -TP.HCM tại vị trí Km17+806,6 (thị trấn Thường Tín, Hà Nội), góp phần đảm bảo ATGT đường bộ, đường sắt trên địa bàn.

Để triển khai dự án trên, Bộ GTVT đề nghị UBND huyện Thường Tín liên hệ với Ban QLDA đường sắt (trực thuộc Bộ GTVT) để xác định sự ảnh hưởng của dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM và dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong phạm vi dự án cầu vượt đường sắt nêu trên; cũng như thực hiện một số nội dung kỹ thuật để đảm bảo an toàn đối với đường sắt hiện hữu.

Kinh phí khảo sát, thiết kế, đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng (nếu có), kinh phí quản lý, bảo trì cầu đường bộ vượt đường sắt Km17+806,6 do địa phương chịu trách nhiệm chi trả.

Cùng với công trình trên, Bộ GTVT cũng thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu vượt tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM tại Km207+715 và Km231+700 thuộc dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam, QL1 đi cảng Nghi Sơn theo đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Kinh phí khảo sát, thiết kế, đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, kinh phí quản lý, bảo trì 2 cầu vượt do địa phương chịu trách nhiệm chi trả.

Bộ GTVT giao Cục Đường sắt VN căn cứ hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công, phương án đảm bảo an toàn chạy tàu do chủ đầu tư công trình lập, cấp phép xây dựng và kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Ý kiến của bạn

Bình luận