Đã 50 năm người “để lại mấy lời” cho hậu thế...!

Tác giả: Minh Khánh

saosaosaosaosao
Chính trị 25/05/2019 08:22

“Mấy lời để lại” cho nhân dân, cho dân tộc trước khi Bác Hồ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin đã trở thành một văn kiện chính trị hết sức quan trọng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. 50 năm thực hiện bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước Việt Nam đã có nhiều đổi thay, vị thế của dân tộc đã được khẳng định song cũng không ít những khó khăn thách thức đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải kiên định, nỗ lực, quyết đi theo ánh sáng soi rọi từ trái tim Người.

 

anh4-1748
 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết những dòng đầu tiên của Tài liệu tuyệt đối bí mật (Di chúc) vào một ngày tháng 5/1965, khi mà lịch sử lại đặt dân tộc ta trước một thử thách cực kỳ nghiêm trọng: Mỹ ồ ạt đưa 50 vạn quân vào miền Nam, chuyển chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ. Hậu phương lớn miền Bắc phải tiếp tục chống lại cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt nhằm biến nơi đây trở về thời kỳ đồ đá của đế quốc Mỹ. Thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ hơn ai hết tình hình sức khỏe của mình và sự nghiệp cách mạng lâu dài, gian khổ mà dân tộc cần phải vượt qua. Người đã viết: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà’”.

Mỗi việc trong Di chúc Người “chỉ nói vắn tắt” nhưng là những định hướng chiến lược về phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước sau chiến tranh; về chăm lo xây dựng Đảng, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, để mong muốn cuối cùng của Người trong Di chúc trở thành hiện thực: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Qua việc từ “nhất định’’ được sử dụng tới 5 lần, lại nhấn mạnh ‘’đó là một điều chắc chắn’’ cho thấy suy nghĩ của Người về một chân lý, một thắng lợi tất yếu phải giành được của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ khó khăn này. Đó là niềm tin chính trị sắt đá của lãnh tụ Hồ Chí Minh, một niềm tin được xây dựng trên cơ sở nắm vững lý luận khoa học Mác - Lênin, cùng với sự từng trải trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của Người đem lại. Niềm tin chính trị ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là trụ cột tinh thần, là nhân tố cốt lõi củng cố niềm tin vững chắc cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, luôn đau đáu nỗi niềm trăn trở làm sao phải xây dựng Đảng, củng cố Đảng thật trong sạch, vững mạnh, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, đầy tớ trung thành của nhân dân, có thể hiểu tại sao trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại “trước hết nói về Đảng”.

Trong bản Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung và hoàn chỉnh tháng 5/1969, lời đầu tiên Bác căn dặn: “Trước hết nói về Đảng”. Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng...”.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng” cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên”. Cụm từ “đạo đức cách mạng” được sử dụng đến hai lần và cả hai lần đều được in nghiêng cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới vấn đề này.

Từ sự luận giải trên cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc chỉnh đốn Đảng không phải khi trong Đảng có đột biến hay “có vấn đề nổi cộm” mới cần đến một giải pháp tình thế. Theo Người, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ tất yếu, thường xuyên để Đảng cầm quyền hoàn thành vai trò tiên phong trước giai cấp, dân tộc và nhân dân. Trong bản Di chúc Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư...”.

50 năm đã qua từ khi chúng ta học tập, không ngừng phấn đấu để thực hiện trọn vẹn những lời di huấn thiêng liêng cuối cùng Người để lại trong Di chúc, có nhiều việc chúng ta đã và đang làm tốt, đạt được những kết quả nhất định, như: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “xóa đói giảm nghèo”, xây dựng cơ sở hạ tầng; từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; mở cửa hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế... Còn nhiều việc chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh, làm quyết liệt, phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với mong muốn của Người trước lúc đi xa, cũng là mong muốn, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đó là tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính; phòng, chống, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội…

Đáng chú ý là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ, vô trách nhiệm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang làm vẩn đục văn hóa trong Đảng, làm tổn hại uy tín, thanh danh của Đảng, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, làm phương hại tới năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đó chính là những biểu hiện suy thoái về văn hóa, sự yếu kém và thiếu hụt năng lực văn hóa, sự lệch chuẩn văn hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đây là vấn đề hệ trọng liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng; nghiêm túc vận dụng những lời răn dạy trong Di chúc của Người; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng Ðảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thật sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội của đất nước, giữ vững niềm tin yêu của nhân dân.

Những điều căn dặn, chỉ dẫn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc từ 50 năm trước vừa thiết thực, cụ thể, vừa mang tính chiến lược. Chúng ta hãy cùng đọc lại, luôn học tập, thấm nhuần và tâm niệm những điều Người căn dặn để thấy rõ hơn những định hướng quý báu mà Người chỉ ra trong sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh mới, trong tiến trình đất nước đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng, để thực hiện tốt nhất những điều Người mong ước, căn dặn trong bản Di chúc bất hủ cách đây tròn nửa thế kỷ

Ý kiến của bạn

Bình luận