Đà Nẵng kiến nghị làm rõ hợp đồng kinh doanh vận tải của Grab

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
Vận tải 07/05/2023 08:32

Liên quan đến nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh dịch vụ vận tải giữa Công ty TNHH Grab với các Hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa rõ ràng, Sở GTVT Đà Nẵng có văn bản kiến nghị Bộ GTVT hướng dẫn, làm rõ.

Đà Nẵng
Đà Nẵng kiến nghị làm rõ hợp đồng kinh doanh giữa Grab với các hợp tác xã vận tải - Ảnh 1.

Với sự xuất hiện của Grab tại Đà Nẵng, trong thời gian qua, giữa taxi truyền thống và Grab có sự cạnh tranh rất lớn

Ngày 7/5, ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng thông tin, Sở GTVT Đà Nẵng vừa có văn bản gửi Bộ GTVT hướng dẫn, làm rõ nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh liên quan đến hoạt động của Công ty TNHH Grab tại địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo nội dung văn bản, từ kết quả thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn Đà Nẵng cho thấy, hiện có một số Hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn Đà Nẵng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh dịch vụ vận tải với Công ty TNHH Grab (có trụ sở tại số 1060 đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) để hoạt động kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng điện tử.

Cụ thể, Hợp tác xã dịch vụ vận tải Minh Hưng, Hợp tác xã An Khánh EMT Đà Nẵng, Hợp tác xã Kim Long, Hợp tác xã Cùng Kinh Doanh, Hợp tác xã kinh doanh vận tải AHP-CN Đà Nẵng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Grab để kinh doanh vận tải thông qua kết nối với ứng dụng Grab.

Trong đó, Hợp tác xã dịch vụ vận tải Minh Hưng có 409 xe tham gia sử dụng Ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải Grab để hoạt động; Hợp tác xã An Khánh EMT Đà Nẵng có 1.020 xe; Hợp tác xã Kim Long có 252 xe; Hợp tác xã Cùng Kinh Doanh có 473 xe;  Hợp tác xã kinh doanh vận tải AHP-CN Đà Nẵng có 582 xe.

Nội dung văn bản cho biết, theo nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh dịch vụ vận tải của các Hợp tác xã kinh doanh vận tải với Công ty TNHH Grab thể hiện nội dung Công ty TNHH Grab sẽ tham gia xác định giá cước và điều hành lái xe theo sự ủy quyền của các Hợp tác xã kinh doanh vận tải. 

Việc tham gia quyết định giá cước và điều hành lái xe chứng minh hoạt động của Công ty TNHH Grab tại địa bàn Đà Nẵng là hoạt động của một đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng điện tử.

Đà Nẵng kiến nghị làm rõ hợp đồng kinh doanh vận tải của Grab - Ảnh 2.

Hiện các hợp tác xã kinh doanh vận tải ở Đà Nẵng có hợp đồng kinh doanh vận tải với Công ty TNHH Grab với hơn 2.700 phương tiện

Theo đó, hiện nay, trong công tác quản lý vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hợp đồng điện tử nêu trên tại địa phương có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, Công ty TNHH Grab hiện chỉ được Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cấp Giấy phép kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, Công ty TNHH Grab không đặt trụ sở chi nhánh tại Đà Nẵng và chưa được Sở GTVT Đà Nẵng cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định nên hoạt động kinh doanh vận tải của Công ty TNHH Grab tại Đà Nẵng là sai quy định.

Quan điểm thứ hai cho rằng, Công ty TNHH Grab đã được Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cấp Giấy phép kinh doanh vận tải và ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đơn vị kinh doanh vận tải đã được Sở GTVT Đà Nẵng cấp phép, vì vậy hoạt động của Công ty TNHH Grab trên địa bàn Đà Nẵng là đúng quy định. Tuy nhiên, việc Công ty TNHH Grab không có chi nhánh tại Đà Nẵng lại gây khó khăn trong công tác quản lý hoạt động vận tải tại địa phương.

Cũng theo nội dung văn bản, từ những quan điểm nêu trên, Sở GTVT Đà Nẵng đã tổ chức họp để nghe các đơn vị vận tải được cấp phép trên địa bàn Đà Nẵng báo cáo việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh là áp dụng theo điểm d, khoản 3, Điều 34, Nghị định số 10 quy định Đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô: "Trong trường hợp có từ 02 đơn vị kinh doanh vận tải trở lên hợp tác để cùng kinh doanh vận tải phải có hợp đồng hợp tác, trong nội dung hợp đồng phải thể hiện: Đơn vị nào chịu trách nhiệm trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa, quyết định giá cước vận tải và các nội dung theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này."

"Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thực thi đúng văn bản quy phạm pháp luật rất cần hướng dẫn giải thích của Bộ GTVT để làm rõ quan điểm và hiểu đúng quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh tại điểm d, khoản 3, Điều 34 Nghị định số 10 của Chính phủ", văn bán nêu rõ.