Đà Nẵng: Quy hoạch phát triển vận tải khách công cộng hiện đại

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
05/04/2019 17:02

Trên cơ sở định hướng quy hoạch phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND TP. Đà Nẵng đã đồng ý cho các ngành chức năng của Thành phố phối hợp với Hiệp hội Quy hoạch Giao thông Nhật Bản (JTPA) nghiên cứu xây dựng và phát triển các loại hình vận tải khách công cộng hiện đại.

 

01
Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng

 Vận tải khách công cộng: Hệ thống giao thông chính

Theo quy hoạch tổng thể về giao thông công cộng Đà Nẵng đến năm 2030 thì tàu điện ngầm (MRT), xe điện (LRT), xe buýt nhanh (BRT) được quy hoạch là hệ thống giao thông chính của Thành phố. Các chuyên gia Nhật Bản dự báo, với khối lượng vận chuyển giờ cao điểm là 6.000 người/giờ thì việc lựa chọn phương tiện vận chuyển tầm trung LRT (hệ thống vận tải trên không) và AGT (hệ thống vận tải tự động) là phù hợp với TP. Đà Nẵng.

Sau hơn một năm rà soát, nghiên cứu, phân tích thay đổi dân số và tình hình giao thông, Công ty Seoul Metro đề xuất mạng lưới đường sắt đô thị Đà Nẵng gồm hai tuyến tàu điện ngầm (metro) và 8 tuyến xe điện mặt đất (tramway) bao phủ khu vực trung tâm Thành phố, kết nối bãi biển, sân bay, các trục đường chính, đáp ứng nhu cầu đi lại theo cả hai hướng Bắc - Nam và Đông - Tây.

Vừa qua, tại buổi làm việc với Công ty Seoul Metro (Hàn Quốc) về kết quả nghiên cứu, rà soát quy hoạch GTVT công cộng và đề xuất mạng lưới các tuyến đường sắt đô thị cho TP. Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố cơ bản thống nhất nội dung báo cáo và kế hoạch thực hiện do Seoul Metro đề xuất, đồng thời đề nghị Sở GTVT Đà Nẵng cùng các sở, ban, ngành liên quan tích cực phối hợp, hỗ trợ, cung cấp thông tin để Công ty tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo.

Trong đó, lưu ý bám sát quy hoạch dự kiến Thành phố sẽ triển khai từ nay đến năm 2045 bởi đây là nền tảng cơ bản để Thành phố phân luồng giao thông, phân bố đất đai, phân bố dân cư giữa các khu vực. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ định hướng phát triển của Đà Nẵng như mở rộng phát triển Thành phố về phía Tây, mở rộng sân bay, xây dựng cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt ra khỏi nội thị…

Hướng tới hệ thống vận tải tự động, an toàn

ga 1_11
Hệ thống hạ tầng giao thông công cộng Đà Nẵng luôn được quan tâm phát triển

Ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở GTVT TP. Đà Nẵng cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, trước đó vào tháng 01/2018, Sở GTVT Thành phố đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác với Công ty Seoul Metro (Hàn Quốc) với mục tiêu hợp tác, hỗ trợ không hoàn lại cho TP. Đà Nẵng nghiên cứu, tư vấn về nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển mạng lưới đường sắt đô thị nói riêng. Sau hơn một năm nghiên cứu, phân tích thay đổi dân số và tình hình giao thông, ngày 21/02, Công ty Seoul Metro đã báo cáo với UBND Thành phố về đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị Đà Nẵng gồm hai tuyến tàu điện ngầm (metro) và 8 tuyến xe điện mặt đất (tramway) bao phủ khu vực trung tâm Thành phố, kết nối bãi biển, sân bay, các trục đường chính, đáp ứng nhu cầu đi lại theo cả hai hướng Bắc - Nam và Đông - Tây.

Cụ thể, tuyến tramway Th1 trục Đông - Tây kết nối biển Mỹ Khê - sân bay quốc tế Đà Nẵng, tiếp cận đường Nguyễn Hữu Thọ - Duy Tân có chiều dài 8,24km với chi phí đầu tư dự kiến 209 triệu USD; tuyến tramway Tv1 trục Nam - Bắc dọc biển Mỹ Khê, kết nối khu vực phía Đông Nam Thành phố, chiều dài 13,4km với  chi phí đầu tư dự kiến 245 triệu USD; tuyến tramway Nam - Bắc trục 2 kết nối phía Đông sông Hàn với khu vực Ngũ Hành Sơn, dài 8,38km với chi phí đầu tư dự kiến 173 triệu USD; tuyến tramway Nam - Bắc trục 3 kết nối nút giao AH17 - Nguyễn Hữu Thọ phía Nam sân bay quốc tế Đà Nẵng và ven biển phía Bắc, đi ven phía Tây sông Hàn, chiều dài 8,82km với chi phí đầu tư dự kiến 173 triệu USD; tuyến metro trục Đông - Tây đi qua khu vực Thanh Khê, Hải Châu hay phát sinh nhu cầu đi lại với các khu công nghiệp ở phía Đông Bắc Thành phố đến biển tại Công viên Biển Đông, chiều dài 17,2km với chi phí đầu tư dự kiến 2,36 tỷ USD. Trên cơ sở mạng lưới các tuyến đường sắt đô thị đã đề xuất, Công ty Seoul Metro kiến nghị ưu tiên đầu tư hai tuyến ở giai đoạn đầu là tramway Th1 trục Đông - Tây và tramway Tv1 trục Nam - Bắc. Thời gian tới, Công ty Seoul Metro sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GTVT Thành phố xúc tiến lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt đô thị ưu tiên đầu tư.

Trước đó, Hiệp hội Quy hoạch Giao thông Nhật Bản (JTPA) đã báo cáo một số kết quả nghiên cứu tiền khả thi về mạng lưới giao thông công cộng TP. Đà Nẵng với UBND Thành phố. Với kinh nghiệm triển khai hệ thống vận tải tự động (AGT) tại Nhật Bản, JTPA đề xuất xây dựng hệ thống AGT tại Đà Nẵng với chiều dài 14km, vận chuyển qua các tuyến đường huyết mạch của Thành phố với tổng kinh phí đầu tư 23.367 tỷ đồng.

Đánh giá cao kết quả nghiên cứu phát triển các loại hình vận tải khách công cộng hiện đại và tiên tiến nói trên của Công ty Seoul Metro và JTPA, ông Đặng Việt Dũng chỉ đạo Sở GTVT Thành phố và các sở, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với các đơn vị bạn bám sát tình hình thực tế và định hướng quy hoạch phát triển của Thành phố để triển khai các bước nghiên cứu tiếp theo, đặc biệt là tiếp tục xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tài trợ, đầu tư vào Đà Nẵng, nhất là đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, giao thông công cộng nói chung, các loại hình vận tải khách công cộng như trên nói riêng... Ông Dũng cũng đề nghị đoàn tư vấn điều chỉnh, bổ sung các thông tin về định hướng GTVT Đà Nẵng, dự báo nhu cầu của người dân, so sánh tỷ lệ các loại hình GTVT, hướng tuyến, đánh giá về dòng tiền, nguồn vốn và phương án tài chính của dự án để có cơ sở xem xét chủ trương tiếp tục thực hiện nghiên cứu khả thi dự án...

Ý kiến của bạn

Bình luận