Hiện Sở GTVT Đà Nẵng đang đôn đốc các đơn vị liên quan, thực hiện các thủ tục để hoàn thiện công tác chuẩn bị, tiến hành tổ chức khai trương dịch vụ xe đạp công cộng trước ngày 29/3/2023. Đây là dự án xe đạp công cộng đang được Sở chủ trì triển khai theo chủ trương Nghị quyết của HĐND thành phố và chỉ đạo của UBND thành phố giao Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai.
Công tác hoàn thiện các trạm xe đạp công cộng đang được đơn vị thi công tích cực triển khai. Theo quy hoạch, có 61 trạm được phân bổ trên khắp địa bàn 05 quận, trong đó: Hải Châu 32 trạm, Thanh Khê 05 trạm, Sơn Trà 16 trạm, Ngũ Hành Sơn 5 trạm và Cẩm Lệ 3 trạm.
Lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, vị trí đặt trạm xe đạp công cộng đã được nghiên cứu lựa chọn ưu tiên gần trạm xe buýt để kết nối hệ thống vận tải hành khách công cộng, gần các điểm thu hút, đảm bảo cảnh quan đô thị, không gây cản trở người đi bộ, đảm bảo an toàn giao thông, nằm trên vỉa hè thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Cùng với đó, khoảng 600 xe đạp sẽ được đưa vào sử dụng. Xe thiết kế có khóa chống mất cắp, chống tháo trộm các bộ phận của xe như ghi đông, yên xe, bánh xe, hộp xích…. Mỗi xe đạp được gắn một thẻ ID định danh, lắp đặt khóa thông minh, thiết bị định vị, thiết bị sạc và bộ thu năng lượng mặt trời.
Cước phí dịch xe đạp công công được tính tương ứng với thời gian sử dụng xe (tính theo giờ hoặc theo ngày). Phương thức thanh toán là trực tuyến qua các ví điện tử Zalopay, MoMo, Payoo… Giá vé theo giờ là 5.000đ/30 phút; giá theo ngày là 50.000/ngày cho mỗi chuyến đi không quá 7,5 giờ (được tính từ lúc mở khóa xe cho tới lúc khóa xe lần cuối cùng).
Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, sau một năm thí điểm, đơn vị sẽ có tổng kết, đánh giá, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định nhân rộng mô hình nếu dịch vụ xe đạp công cộng đạt hiệu quả, góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới một hệ thống giao thông xanh, bền vững.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.