Đây cũng là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của Dự án “Huy động cộng đồng phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng” giai đoạn 2017- 2020 do Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UNWOMEN) và Chính phủ Úc hỗ trợ cho Hội LHPN thành phố.
Lễ phát động có nhiều hoạt động chính như; Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017, Diễu hành xe buýt có gắn nhãn thông điệp truyền thông phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thể hiện cam kết của Đà Nẵng trong việc chấm dứt các hành vi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trên các phương tiện giao thông công cộng. Trong lúc diễu hành sẽ có Chương trình giao lưu “Chấm dứt quấy rối tình dục và bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái” với sự tham gia giao lưu của đại diện Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UNWOMEN).
Nhiều chương trình tiết mục được thể hiện tại buổi lễ |
Các thông điệp được truyền tải trong Tháng hành động như “Bình đẳng giới là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, “Chấm dứt bạo lực gia đình, vun đắp yêu thương”, “Phụ nữ và trẻ em gái hãy dũng cảm lên tiếng khi bị xâm hại”, “Bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái là tội ác”, “Hãy hành động để chấm dứt xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái”, “Nam giới hãy trở thành người tiên phong trong phòng ngừa và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”,...sẽ là dấu ấn có giá trị không chỉ về mặt truyền thông mà có ý nghĩa thực tiễn trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, trong việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được các quốc gia cam kết thực hiện là bằng chứng rõ nét chứng tỏ phát triển kinh tế phải gắn liền với bình đẳng giới và đảm bảo tiến bộ xã hội. Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều Kế hoạch, Chương trình hành động và các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới; cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của chính bản thân phụ nữ, công tác bình đẳng giới trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả.
Đại biểu đại diện các ban, ngành TP dự buổi lễ |
Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng nỗ lực đáng ghi nhận của các cấp ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội; khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới phần lớn vẫn nghiêng về phụ nữ và trẻ em gái. Tỷ lệ lao động mất việc làm, thất nghiệp gia tăng và lao động nữ luôn là đối tượng chịu nhiều tác động nhất. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Tư tưởng định kiến, phân biệt đối xử về giới vẫn còn tồn tại như là một thách thức, trở ngại lớn trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới. Đặc biệt là vấn đề xâm hại, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Qua đó, tháng hành động bình đẳng giới năm nay, với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” sẽ là đợt cao điểm đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, và mọi người dân, đặc biệt là nam giới cùng chung tay thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; nhất là trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới, hướng tới xây dựng “thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái” mà mục tiêu Kế hoạch thành phố đã đề ra.
Phát biểu tại buổi lễ bà Vũ Phương Ly – Chuyên gia cao cấp Chương trình Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam cho biết, Số liệu gần đây về tình trạng bạo lựcvới PN&TEG tại Việt Nam lên đến 87% trong tổng số hơn 1000 phụ nữ được hỏi báo cáo đã từng phải chịu ít nhất một hình thức quấy rối tình dục nơi công cộng trong khi 65 % người chứng kiến không có hành động gì để trợ giúp phụ nữ bị quấy rối (ActionAid, 2014), 78,2% nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là nữ giới (ILO, 2013). 50% nạn nhân là nữ giới chưa từng tiết lộ cho ai biết việc mình bị bạo lực; 58% phụ nữ trong độ tuổi đã từng kết hôn cho biết họ từng bị bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra ít nhất một lần (TKTK 2010); 87% nạn nhân chưa bao giờ viện đến sự trợ giúp của chính quyền hoặc các dịch vụ trợ giúp chính thức; Bạo lực gia đình cũng gây ra thiệt hại kinh tế lên đến > 3% GDP của Việt Nam năm 2010. Mỗi năm có khoảng 1.000 trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em được báo cáo tại Việt Nam, nạn nhân chủ yếu là trẻ em gái.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn và thách thức lớn nhất để xóa bỏ BLPN&TEG tại Việt Nam hiện nay là hệ thống những quan điểm và định kiến văn hóa-xã hội được xây dựng trên hệ tư tưởng Nho giáo và gia trưởng từ bao đời nay, có liên quan đến các khuôn mẫu về nam tính và nữ tính, về “tam tòng, tứ đức” về “công, dung, ngôn, hạnh” của người phụ nữ. Do đó, việc đầu tiên mà chúng ta cần làm là hãy lên tiếng và hành động để thay đổi các quan niệm về nam tính và nữ tính đã ăn sâu bám rễ trong gia đình, cộng đồng và xã hội của chúng ta. Bên cạnh, thể hiện sự ủng hộ và đồng cảm của chúng ta đối với nạn nhân, thay vì đổ lỗi hay chỉ trích họ. Chúng ta hãy cùng nhau đứng lên, hành động để chống lại tất cả các hình thức bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Cũng theo bà Phương Ly, UN Women cam kết tiếp tục đồng hành với chính quyền thành phố Đà Nẵng thông qua Hội LHPN thành phố để biến thành phố xinh đẹp, đáng sống của chúng ta trở thành một thành phố an toàn, thân thiện và nhạy cảm với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng và tất cả người dân nói chung
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.