Gìn giữ phong tục dân tộc
Theo chân cô gái Tày Hoàng Thị Thu (25 tuổi) về bản tại xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, chúng tôi mới có dịp hiểu hơn về phong tục đón Tết của bà con dân tộc Tày nơi đây. Trên quãng đường dài về bản, Thu rất háo hức kể cho tôi nghe về những cái Tết của mình bên gia đình.
“Trước cổng nhà, bố tôi trồng một cây đào bích, năm nào cũng nở hoa trước Tết Nguyên đán. Mỗi khi nhìn qua cửa sổ nhà sàn, thấy lú nhú vài nụ hồng hồng bé xinh là biết dấu hiệu xuân đã về. Dù có đi học, đi làm xa nhà nhưng tôi không bao giờ quên được hình ảnh mẹ ngồi ngay gần bếp lửa, dùng khăn ẩm tỉ mẩn lau sạch từng chiếc lá dong, bố ngồi bên cạnh chẻ lạt giang lấy trên rừng để gói bánh chưng. Trên bếp lửa bập bùng, nồi nước cũng đã sôi ùng ục, cả nhà chuẩn bị mổ lợn gói bánh và làm thịt treo, làm lạp xưởng. Những lúc đó, tôi cảm nhận rõ không khí háo hức chuẩn bị đón mùa xuân mới và cứ như vậy một cái Tết nữa lại chuẩn bị len lỏi trong căn nhà sàn đã gắn bó với tôi từ thuở ấu thơ”, Thu chia sẻ.
Theo lời kể của bố mẹ Thu, người Tày ăn Tết bắt đầu từ ngày 28 tháng Chạp. Không khí Tết rộn ràng từ những ngày cuối năm, người ta sửa sang nhà cửa, trang trí cành đào, cành mận, câu đối Tết trên bàn thờ tổ tiên và mổ lợn, thịt gà, làm bánh chưng, chè lam, khẩu sli, thúc théc, mâm ngũ quả, vàng mã cho đêm giao thừa. Họ quan niệm rằng, sau một năm làm lụng vất vả, Tết là lúc tạm gác lại mọi tất bật, lo toan để ăn uống, vui chơi, thăm hỏi nhau.Đối với thế hệ tiền bối như bố mẹ Thu, khi còn là những đứa trẻ, Tết là dịp được mong chờ nhất với họ. Bởi lẽ thời đó, cuộc sống của những người Tày nơi đây còn nhiều khó khăn, trong nhà cả năm mới được ăn một bữa cơm ngon, được mặc áo mới đi chơi vào dịp Tết.
Nhưng mọi thứ đều thay đổi theo năm tháng, cuộc sống dần khấm khá hơn nhờ Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách mới dành cho đồng bào dân tộc. Những hủ tục được loại bỏ, người dân nơi đây được mở mang kiến thức, bắt tay vào sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, đến thế hệ của Thu, những phong tục đón Tết đầy bản sắc của người Tày vẫn được thực hiện theo truyền thống bởi người Tày nơi đây không muốn mất đi bản sắc dân tộc mình.Theo đó, ngày 29 người Tày bắt đầu làm thịt lợn và chế biến ra những món ăn như: Giò, chả, lạp xưởng… Trong ngày này, nhà nào cũng thức khuya, rang gạo để làm khẩu sli, món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của dân tộc Tày. Đến ngày 30 Tết, cả nhà cùng nhau gói bánh chưng đen, món ăn truyền thống ngày Tết nơi đây. Với người Tày, làm bánh chưng đen thường là công việc của phụ nữ. Công đoạn làm bánh khá cầu kỳ, nguyên liệu được chọn kỹ, gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong, gia vị và đặc biệt phải có bột than. Khâu quan trọng nhất chính là tạo màu đen cho bánh chưng. Màu của bánh được làm từ bột than của cây núc nác. Người dân lựa chọn những cành núc nác trên rừng, chặt về phơi khô, đốt thành than rồi đem giã. Bột than được trộn đều với gạo nếp, đảo đều tay cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen nhánh; khi dùng tay miết mạnh vào hạt gạo, nếu gạo vẫn giữ được màu đen thì đạt yêu cầu.
“Người Tày mình gói bánh chưng đen không cần dùng khuôn. Bánh cũng thường không gói thành hình vuông mà là hình tròn, dài hoặc gói bánh gù phần giữa. Thời gian luộc bánh chưng đen từ 10 đến 12 tiếng. Bánh chín dẻo quánh, nhân vàng ươm màu đỗ, thơm lừng mùi hành mỡ, hạt tiêu, mùi lá dong và mùi thơm đặc biệt của núc nác. Khi thưởng thức thì lấy chính sợi lạt quấn quanh thân bánh để cắt thành từng khoanh. Mỗi lần gói bánh, đám trẻ con háo hức, vụng về gói những chiếc bánh nhỏ, tự tay đánh dấu làm của riêng rất náo nhiệt”, Thu chia sẻ.
Lấy nước đầu năm
Đến chiều 30 Tết, nhà nào cũng quét dọn bàn thờ, tỉa chân hương, mổ con gà thiến làm mâm cơm cúng tổ tiên. Bàn thờ được trang trí hai bên hai cây mía buộc lá kết vào nhau bằng từng khoanh giấy đỏ, một cánh hoa đào nhỏ, một đĩa quả ngọt, chai rượu. Sau giao thừa, bánh chưng chín thì mang lên bàn thờ đặt hai bên, mỗi bên ba chiếc.
Đặc biệt, đêm giao thừa tại nơi đây rất nhộn nhịp, các cô gái trẻ trong làng ríu rít gọi nhau đi lấy nước, thứ nước mới được coi như lộc đầu năm. Theo phong tục của người Tày, khi bước sang thời khắc năm mới sau giao thừa, họ đi lấy nước mới ở mỏ nước đầu làng hoặc sông, suối, ý nói là bước khởi thủy năm mới tài lộc sẽ vào như nước, mọi sự trôi chảy, thuận hòa quanh năm. Khi đi lấy nước, họ thường mang theo 3 nén hương đến cắm bên cạnh máng và nói lời cảm tạ thần nước.
Bữa ăn đầu tiên năm mới vào sáng mồng 1 Tết là ăn cháo chè hoặc bánh trôi. Người Tày kiêng ăn thịt lợn hoặc mổ gà vào sáng mồng 1 Tết. Theo quan niệm, ăn cháo chè hay bánh ngọt có màu trắng là thanh tịnh ngọt ngào đón năm mới với cầu mong mọi điều tốt lành. Sau đó, họ cho trâu bò ăn bánh chưng, ngụ ý ăn Tết cùng gia chủ.
Ngày mùng 2 Tết, những cô gái đã là “vợ người ta” nhưng chưa tổ chức đám cưới sẽ sang nhà bố mẹ chàng trai chào hỏi, người cao tuổi trong gia đình sẽ mừng tuổi cô gái từ 02 - 3 đồng để về sắm đồ làm của hồi môn. Bởi lẽ, trong quan niệm của người Tày thời xưa, tục ăn hỏi có từ sớm, nhưng ít nhất cũng phải 3 - 4 năm sau mới tổ chức đám cưới, đó là thời gian để nhà trai chuẩn bị cỗ và các cô gái sắm sửa của hồi môn.
Các chàng trai, cô gái Tày mong ngóng nhất là ngày mùng 3, mùng 4 Tết. Cả bản tổ chức lễ hội, gái trai tụ họp trên cánh đồng rộng để đánh yến, ném còn, hát đối thâu đêm. Từ bản dưới đến làng trên đâu đâu cũng nghe tiếng hát vui: “Tiếng lượn tiếng sáo dặt dìu/Yến bay như bướm, còn bay như rồng”. Trong ngày đó, những trò chơi đã se duyên cho biết bao đôi lứa nên duyên vợ chồng. Ném còn trao duyên không phải thi xem ai ném qua được vòng tròn mà để đối phương bắt còn của mình. Chàng trai, cô gái nào đã ưng mắt ai thì ném còn cho họ, nếu bắt còn trượt phải trao cho đối phương một kỷ vật, có thể là chiếc khăn tay, chiếc vòng cổ…
Có thể thấy, dù cuộc sống có nhiều thay đổi song người Tày vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống riêng, đặc biệt trong dịp lễ, Tết. Mỗi tục lệ, tập quán thể hiện một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc anh em, góp phần tô đậm bản sắc văn hóa dân tộc phong phú và đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.