Quy hoạch mạng lưới bến thủy nội địa Việt Nam còn thiếu đồng bộ |
Còn nhiều bất cập
Theo đánh giá của Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện nay ở nhiều địa phương, số lượng cảng, bến thủy hàng hóa hoạt động không phép diễn ra rất phổ biến. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 7/2017, toàn quốc có 8.252 bến thủy nội địa, trong đó bến đã được cấp phép hoạt động là 6.337 bến, bến hoạt động không phép là 1.950 bến, chiếm 24%; bến khách ngang sông có 2.526 bến, trong đó bến có phép là 2.058 bến, đạt 81,5%.
Điều này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý phương tiện, thuyền viên. Hơn nữa, những bến thủy không được cấp giấy phép nhưng vẫn hoạt động khai thác, gây mất an toàn cho các công trình, ảnh hưởng tới ATGT; phương tiện ra vào các bến này không được quản lý, kiểm tra về an toàn kỹ thuật, tình trạng chở quá tải...
Ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết: “Nhằm hạn chế tình trạng mở bến thủy nội địa tràn lan, vi phạm hành lang bảo vệ các công trình, gây mất TTATGT ĐTNĐ, Điều 5 Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT quy định việc đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch bến thủy nội địa đã đươc phê duyệt. Tại Điều 4 Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT quy định chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch bến thủy nội địa trọng phạm vi địa bàn quản lý. Theo đó về nguyên tắc, Bộ GTVT phân cấp cho sở GTVT các địa phương cấp phép hoạt động bến thủy nội địa trên phạm các tuyến đường thủy thuộc địa bàn, kể cả tuyến đường thủy quốc gia (trước đây do cảng vụ ĐTNĐ khu vực cấp)”.
“Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay công tác xây dựng phê duyệt quy hoạch bến thủy nội địa của nhiều địa phương triển khai chậm. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn quốc mới có 27 địa phương có quy hoạch (bến thủy nội địa) về giao thông ĐTNĐ nên công tác cấp giấy phép hoạt động đối với bến thủy nội địa, bến khách ngang sông gặp nhiều hạn chế. Phần lớn các địa phương chưa có quy hoạch chi tiết bến thủy nội địa hoặc có quy hoạch nhưng các địa phương hiện nay không đưa vào quy hoạch những bến hoạt động theo thời vụ, quy mô nhỏ, chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên để hoạt động hoặc các bến phục vụ thi công công trình, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, bến nổi. Vậy nên, việc cấp phép hoạt động đối với các bến này là không thực hiện được”, ông Giang thông tin.
Chính vì phần lớn các địa phương chưa có quy hoạch chi tiết bến thủy nội địa hoặc có quy hoạch nhưng chưa sát với thực tiễn nên còn khó khăn trong quá trình cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa cho các tổ chức, cá nhân, trong khi điều kiện cơ bản để đủ điều kiện cấp phép là phải theo quy hoạch.
Tháo gỡ khó khăn
Từ những đánh giá đó cho thấy, việc chậm thiết lập quy hoạch bến thủy không chỉ khiến sở GTVT lúng túng trong việc gia hạn hoạt động cho những bến thủy nằm trên tuyến ĐTNĐ quốc gia (được cảng vụ bàn giao lại) mà còn cả với bến nằm trên luồng tuyến đường thủy địa phương. Trao đổi với PV về những bất cập này, đại diện doanh nghiệp dịch vụ bến bãi tại cảng Đoan Hùng (Phú Thọ) thừa nhận, đúng là trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có nhiều bến thủy (chủ yếu cung cấp cát, sỏi) hoạt động nhưng đến nay chưa thể cấp phép vì luồng, tuyến chưa được công bố là luồng đường thủy địa phương và cũng chưa có quy hoạch cảng, bến thủy.
Mới đây, tại một cuộc họp giữa Bộ GTVT với các sở GTVT địa phương trong việc “bắt bệnh” quản lý ĐTNĐ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, yếu kém hiện nay trong công tác quản lý ĐTNĐ là thiếu đồng bộ về quy hoạch mạng lưới bến thủy nội địa Việt Nam. Sau khi Luật Giao thông ĐTNĐ có hiệu lực, Bộ GTVT đã ban hành quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa theo thẩm quyền, tuy nhiên nhiều địa phương đến nay vẫn chưa có quy hoạch hệ thống bến thủy, cũng như ít quan tâm đến đầu tư phát triển GTVT đường thủy. Đó cũng là lý do cảng, bến thủy nội địa bị manh mún, mỗi địa phương phát triển một kiểu, thiếu sự kết nối với vận tải đường bộ.
Tại cuộc họp này, Bộ GTVT cũng chỉ ra rằng, những quy định về phân cấp, ủy quyền quản lý luồng tuyến, cảng, bến thủy nội địa hiện nay chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng một số địa phương mong muốn đưa tuyến sông, kênh địa phương lên ĐTNĐ quốc gia, sau đó nhận được sự ủy quyền quản lý. Ngược lại, có tuyến ĐTNĐ quốc gia có tính liên vùng cần được thống nhất quản lý ở Trung ương thì địa phương lại đề nghị được ủy quyền cho địa phương quản lý. Điều này dẫn đến sông, kênh bị “cắt khúc” chưa phù hợp quy hoạch.
Theo ý kiến của Thứ trưởng Lê Đình Thọ, việc phân cấp cần rõ ràng, rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Cục ĐTNĐ Việt Nam và việc cấp phép, quản lý cảng, bến phải theo Luật Giao thông ĐTNĐ, căn cứ vào quy hoạch được phê duyệt. Khi quản lý cảng, bến theo quy hoạch mới có thể tính đến chuyện kết nối vận tải đường thủy với đường bộ và phương thức vận tải khác.
Nói về các giải pháp gỡ nút thắt trong quy hoạch cảng, bến thủy nội địa, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho rằng, hiện nay Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động ĐTNĐ để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ, nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ, chấp hành quy định về đầu tư xây dựng, khai thác công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ của các tổ chức, cá nhân; tạo kết nối và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp trong việc quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ…
Đồng thời, Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp tục có ý kiến đối với các tỉnh khẩn trương ban hành quy hoạch chi tiết hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn của tỉnh để phục vụ cho công tác cấp phép hoạt động bến thủy nội địa được thuận lợi và đạt hiệu quả cao
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.