Các nghiên cứu viên trong phòng thí nghiệm của Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng. |
PGS Vũ Phan Tú, Trưởng ban Sau đại học (Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết đại học này đang nghiên cứu triển khai Đề án thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp. Hiện thế giới có 5 hình thức đào tạo tiến sĩ cùng với hai cách ghi trên văn bằng là tiến sĩ nghiên cứu và tiến sĩ ứng dụng, song ở Việt Nam hiện chỉ có tiến sĩ nghiên cứu.
Kinh tế tri thức đòi hỏi lực lượng lao động có kỹ năng cao trong việc nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao tri thức. Không chỉ lĩnh vực nghiên cứu trong trường mà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bên ngoài nhà trường cũng cần người được đào tạo trình độ tiến sĩ.
Ban đầu, Đại học Quốc gia TP HCM sẽ thí điểm chương trình đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp (Professional Doctorate - PD), áp dụng hai ngành Quản trị kinh doanh (Doctor of Business Administration - DBA) và ngành Quản lý giáo dục (Doctor of Education - EdD).
Chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp hướng tới phát triển năng lực người học để tạo ra đóng góp quan trọng vào thực tế nghề nghiệp thông qua nghiên cứu. Người học làm việc thực tế, có kinh nghiệm chuyên môn, có nhu cầu phát triển nghề nghiệp với các đề tài nghiên cứu liên quan trực tiếp đến công việc của họ.
"So với chương trình tiến sĩ truyền thống, chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng có thể bao gồm nhiều môn học hơn, chủ yếu học tập qua kinh nghiệm và trải nghiệm", ông Tú cho biết.
Một số khác biệt giữa tiến sĩ định hướng ứng dụng (PD) với tiến sĩ nghiên cứu, tiến sĩ hàn lâm (PhD):
Nội dung | Tiến sĩ nghiên cứu/tiến sĩ hàn lâm (PhD) | Tiến sĩ định hướng ứng dụng (PD) |
Người học | Thường là những người trẻ, có kinh nghiệm học tập | Thường là những người lớn tuổi, có kinh nghiệm nghề nghiệp, chuyên môn |
Mục đích | Nghiên cứu, tư vấn hoặc giảng dạy ở các cơ sở giáo dục | Phát triển chuyên môn, nghề nghiệp |
Kỹ năng đầu ra | Khả năng tiến hành nghiên cứu, áp dụng kết quả để mở rộng kiến thức chuyên ngành | Khả năng sắp xếp, vận dụng các kết quả nghiên cứu để giải quyết vấn đề thực tế |
Chương trình đào tạo | Thường là toàn thời gian, mang tính học thuật nhiều | Thường là bán thời gian, kết hợp học thuật với thực tế |
Nghiên cứu | Tạo ra, mở rộng và đóng góp vào kiến thức, lý thuyết trong lĩnh vực nghiên cứu; chú trọng đến nguyên nhân, câu hỏi "tại sao"? | Mở rộng và áp dụng kiến thức, nghiên cứu cho các vấn đề đang tồn tại trong lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn; chú trọng đến cách thức, câu hỏi "như thế nào, làm sao"? |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.