Xử lý mùi hôi của nước thải bằng một can nước mật mía ATM
Theo phản ánh của người dân, P/v Tạp chí GTVT đã đi tìm hiểu thực tế vấn đề bức xúc của người dân xung quang việc xả nước thải của nhà máy chế biến tinh bột sắn Ea Kar, ở khu vực thôn 9, xã Ea Sar, huyện Ea Kar tỉnh Đắk Lắk.
Tại thời điểm P/v thâm nhập, đang là mùa thu hoạch mì, nên nhà máy hoạt động khá rầm rộ 24/24. Hình ảnh đầu tiên P/v ghi nhận là bãi xe chở nguyên liệu sắn củ (mì) được tập kết ngay bên hông nhà máy, với nhiều chủng loại xe tải được cơi nới, nâng cao thành của thùng xe đang oằn mình cõng cả núi nguyên liệu sắn nằm đợi đến lượt vào nhà máy để chút xuống, vấn đề quá tải ở đây là rất rõ không cần bàn đến.
Công nước xả từ hồ bioga xuông hồ xử lý 1 rồi xả thẳng ra sông Krông Năng tại nhà máy mì |
Trong lúc P/v đang tìm hiểu, khi hỏi về những ô nhiễm do nhà máy gây ra, một người dân từng là công nhân của nhà máy đã phản ứng rất gay gắt: “Các anh hỏi mà làm gì, hỏi miết, nói miết mà có thấy ai đến giải quyết đâu, mùi hôi vẫn thế, nước sông vẫn vởn đục, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị rồi chẳng ăn thua gì cả”. Vừa ấm ức nói, người dân này vừa chỉ tay về phía dòng Sông Krông Năng đang chảy qua phía dưới nhà máy.
Qua thái độ của người dân này cho ta thấy, người dân nơi đây đã bất lực vì kêu cứu mãi cũng không ai nghe. Họ đành phải sống chung với một môi trường đang và ngày càng xảy ra sự ô nhiễm nghiêm trọng, luôn phải hứng chịu một bầu không khí bẩn bên một nhà máy mì chỉ biết lợi nhuận chứ không lo đến vấn đề môi trường chung quanh.
Mặt hồ xử lý sinh học nước thải ô nhiễm đặc quánh chỉ một lần rồi xả ra môi trường |
Sau một hồi thuyết phục, P/v được người dân này đồng ý dẫn đến các hồ xử lý nước thải của nhà máy trước khi thải ra môi trường. Theo ghi nhận của P/v tại thời điểm, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chỉ có 1 hồ bioga xử lý kị khí sau đó, nước thải từ hồ bioga chảy sang và 2 hồ sinh học bên cạnh. Tại đây, 1 hồ nước sinh học sau khi sử lý đơn giản, vận hành theo cách thủ công khi nước vẫn còn màu đen xám, đặc quánh, được theo một đường ông xả trực tiếp xuống sông Krông Năng.
“Đáng lẽ ra, nước thải sau khi từ hồ bioga sẽ phải qua hai hồ xử lý nước sinh học thì mới xả ra môi trường, nhưng do đợt này đang xây dựng công trình xử lý nước thải nên tạm thời chỉ qua một hồ xử lý thôi rồi thải luôn ra sông”. Một người dân làm công của nhà máy cho biết.
Ông khói nhà máy xả khỏi bụi ra ngay phía sau nhà máy gần sông Krông Năng |
Cũng theo người dân này, nếu khi mùi hôi quá nặng hoặc chuẩn bị có đoàn kiểm tra liên ngành xuống nhà máy, lập tức sẽ có 1 đến 2 can nước mật mía (còn gọi là ATM gì đó…) đổ xuống hồ xử lý sinh học 2 làm cho không còn mùi hôi nữa, nhưng khi kiểm tra xong rồi đâu lại vào đấy, không thấy giải quyết được gì… người dân bức xúc.
Một hồ xử lý sinh học đã qua sử dụng và bỏ hoang ngay mép sông Krông Năng không có bất cứ một sự che chắn nào bảo vệ môi trường |
Lò gạch không phép bủa vây dân lành
Cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) chừng 30km, khu vực xã Ea Bông (huyện Krông Ana) nơi được xem là “thủ phủ” của các lò gạch không phép ngang nhiên lộng hành, khiên người dân nơi đây vô cùng bức xúc.
Chị Hồ Hoàng Lan Hương (SN 1974, Buôn Mlết, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) cho hay, gia đình chị đã sinh sống ở đây từ năm 1992, lúc đó các lò gạch còn ít nhưng nay đã được mọc lên như nấm. Ô nhiễm cũng bắt đầu “hành hạ” sức khỏe của người dân từ đây.
“Từ ngày có các lò gạch, khói bụi bay mù mịt, tôi ở trong nhà còn chịu không nổi huống gì ở ngoài đường. Mái tôn của các gia đình ở đây cũng bị rỉ sét theo khói bụi và chất thải từ lò gạch. Mặc dù hàng ngày các lò gạch góp tiền thuê xe tưới nước, nhưng cũng không hạn chế được là bao, tưới được một lúc đường khô lại bụi mù trời. Nhà cửa của gia đình tôi cũng phải lau liên tục, chứ khói bụi vậy không lau sao mà chịu được”, chị Hương bức xúc nói.
Tình trạng lò gạch không phép vẫn hoạt động vô tội vạ tại xã Ea Bông |
Cũng theo chị Hương, từ khi các lò gạch hoạt động, khói bụi bủa vây khu dân cư khiến nhiều người dân mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, khó thở...
Ông Vũ Đình Với (SN 1968, xã Ea Bông) cho hay, hàng ngày các xe tải chở gạch, đất vẫn chạy tấp nập ngoài đường. Đặc biệt, cứ đêm xuống các xe tải, máy múc nối đuôi nhau chạy ầm ầm trên quốc lộ để né tránh lực lượng chức năng. Xe quá khổ làm gạch, đất đá vương vải khắp các nẻo đường mà xe đi qua, khiến cuộc sống người dân bị cuốn vào vòng khói bụi. Không những thế, các lò gạch còn hoạt động suốt ngày đêm khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. “Chúng tôi dân nghèo đâu có giám ý kiến với các chủ lò gạch đâu, mình nghèo nói người ta cũng bỏ ngoài tai”, ông Với âu sầu.
Quá bức xúc trước tình trạng các cơ sở ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm môi trường người dân nơi đây đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương xem xét, giải quyết nhưng đâu lại vào đấy.
Trao đổi với một chủ cơ sở sản xuất gạch tại đây, người này cho hay: “Gia đình tôi sản xuất từ lâu đời nay rồi, chủ yếu mua đất từ các hộ dân về, sau đó sử dụng than đá để đốt nên không ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng đã nâng ống khói lên cao thì làm sao ô nhiễm được. Cũng may tại địa phương có các lò gạch của chúng tôi, chứ giờ các lò mà nghỉ hết, dân chỉ có đi cướp bóc, ăn xin. Nhiều hộ dân nói chúng tôi đừng dẹp vì lo mất công ăn việc làm”, chủ cơ sở phân bua.
Lời biện minh cho quá trình sản xuất của mình là vậy, nhưng theo thực tế chúng tôi quan sát, tại các cơ sở tình trạng khói bụi không có dấu hiệu thuyên giảm. Những xe chở nguyên vật liệu và các lò nung hoạt động liên tục khiến cho bầu không khí nóng bức, ngột ngạt.
Liên quan đến vấn đề, ông Trần Đình Chiến, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Krông Ana cho biết, các lò sản xuất gạch tại địa phương đã có từ lâu đời. Ban đầu những lò này chỉ làm thủ công, nhưng do trữ lượng đất sét lớn 150 ha nên dần phát triển trên diện rộng. Các lò gạch tập trung nhiều nhất ở xã Ea Bông: 43 lò; Thị trấn Buôn Trấp: 24 lò; xã Bình Hòa: 2 lò. Mặc dù địa phương có trên 60 lò gạch hoạt động nhưng chỉ có một đơn vị có phép.
“Tiêu chuẩn để cấp phép cho các cơ sở là rất khó, bên cạnh đó, hiện nay tỉnh đã ủy quyền lại cho huyện cấp phép, nhưng do việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất là rất khó khăn. Còn nếu muốn dẹp các cơ sở không phép thì phải định hướng họ sang một công việc khác, bởi nghề này là kế sinh nhai của họ từ lâu”, ông Chiến thông tin.
Những con đường tại khu vức lò gạch lúc nào cũng trong tình trạng bụi mù khói bẩn |
“Sau khi nhận được các đơn phản ánh từ phía người dân về tình trạng ô nhiễm do khói bụi từ các lò gạch, huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo các xã yêu cầu các cơ sở sản xuất tuân thủ đúng quy định về môi trường. Đặc biệt không được sản xuất, vận chuyển nguyên vật liệu trong giờ cao điểm”, ông Chiến nói.
Cũng theo ông Chiến, trong thời gian qua huyện đã xử lí một số cơ sở khai thác quá mức tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các UBND xã, cơ sở sản xuất gạch và người dân từ nay đến năm 2020 phải chuyển đổi toàn bộ gạch nung sang gạch không nung hoặc chuyển sang mô hình chăn nuôi, trồng trọt.
“Nhưng đây là một bài toán nan giải đối với công tác quản lí của cơ quan chức năng khi vừa phải đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa phải tạo được công ăn việc làm cho người dân”, vị Trưởng phòng TNMT chia sẻ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.