Đắm mình trong lễ hội năm mới Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Xã hội 31/01/2017 10:43

Cũng như Tết Nguyên đán của người Việt, Chôl Chnăm Thmây là lễ hội đón năm mới và cũng là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer ở Nam bộ. Đây là nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào người Khmer trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam.

1_708792

Tết Chôl Chnăm Thmây còn được gọi là Tết chịu tuổi mang ý nghĩa đón mừng năm mới, mừng tuổi mới. Tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt thì người Khmer cũng hy vọng năm mới đến sẽ đem lại những điều may mắn và mọi người luôn được sung túc, hạnh phúc. Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra vào trung tuần tháng 4 dương lịch, thông thường được bắt đầu từ ngày 14 và diễn ra trong ba ngày. Thời điểm này được người Khmer coi là thời gian trời đất giao hòa giữa mùa khô và mùa mưa, khi mà mùa vụ đã được thu hoạch hoàn thành. Vì vậy, nó có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ mùa tới.

Trong những ngày Tết sẽ bắt gặp không khí náo nhiệt của bà con người Khmer chuẩn bị cho Tết cổ truyền của mình. Nào là trang phục lễ hội, ai ai cũng ăn mặc gọn gàng sạch đẹp, rồi trên tay mỗi người đều nhang, đèn, gạo, rượu, thịt, làm bánh… để phục vụ cho việc ăn uống, đãi khách và dâng cho nhà chùa. Mọi người sửa sang bàn thờ Phật, trang hoàng nhà cửa, quét dọn sân nhà, kết cổng chào… Trong đêm giao thừa, người dân chuẩn bị đầy đủ mâm thờ, sau đó ông bà, cha mẹ tập hợp con cháu lại, ngồi xếp chân về một phía trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang đèn, vái ba vái để tiễn đưa Têvêđa (một vị thần trong tín ngưỡng của người Khmer) cũ và rước Têvêđa mới, mong được ban phúc lành. Họ tin rằng Têvêđa là ông tiên được trời sai xuống chăm sóc dân chúng trong thời gian.

Trong ba ngày hội Chôl Chnăm Thmây, bà con Khmer còn đi thăm hỏi, mừng tuổi năm mới cho nhau, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, phát đạt. Tối đến, người ta đốt pháo thăng thiên, thả diều, đánh quay lửa... Các cụ già kể chuyện thần thoại, cổ tích cho con cháu. Gái, trai tham gia các cuộc hát đối đáp Aday, hát dù-kê, múa rôm-vông, các hoạt động thể thao… Đối với Tết Chôl Chnăm Thmây, người Khmer như hòa quyện vào đời sống của các thiện tín, thể hiện qua truyền thuyết và nghi thức thờ phụng. Ngày thứ nhất làm lễ rước đại nông lịch (lễ rước Maha Sâng Kran) bắt nguồn từ một truyền thuyết của Phật giáo, đó là chuyện Thom Ma Bal và Kabil Maha Prum (còn gọi là Thần bốn mặt). 

Vào ngày đầu năm mới thay vì rước đầu “Thần bốn mặt” được thờ trong chùa Khmer, người Khmer rước Maha Sâng Kran đi vòng quanh chính điện 3 lần. Mọi người ăn mặc thật đẹp rồi đội mâm lễ đến chùa cúng Phật vào giờ tốt đã được chọn, bất kể sáng hay chiều. Ngày thứ hai làm lễ dâng cơm và đắp núi cát. Mỗi gia đình làm cơm dâng lên cho sư, sãi ở chùa vào buổi sớm và trưa. Buổi chiều tổ chức lễ đắp núi cát để tìm phúc duyên. Mọi người đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một núi ở trung tâm tượng trưng cho vũ trụ. Tục này có dẫn chứng theo tích lâu đời biểu lộ ước vọng cầu mưa, cầu phúc của con người.  Các sự tích, truyền thuyết trong Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền của đồng bào Khmer Nam bộ là những bài học về cách sống, lối sống cho người Khmer theo triết lý đạo Phật. Tết Chôl Chnăm Thmây là dịp để bà con phật tử thể hiện tâm niệm của mình với đức Phật, với ông bà, cha mẹ mình.

Ngày thứ ba làm lễ tắm tượng Phật, tắm sư. 12 giờ trưa ngày mùng 3 Tết, người dân thỉnh tượng Phật trong chùa ra sân, dùng nước ướp ngũ hoa đã chuẩn bị trước để sư cả tắm tượng Phật. Người dân hứng nước tắm này để xức lên đầu, toàn thân với quan niệm được mạnh khỏe và Phật ban phước trong năm, đồng thời xóa tội lỗi. 

Tet-Chol-Chnam-Thmay2-1024x654

Điểm nhấn của nghi lễ độc đáo này chính là lúc mọi người đổ ra đường, dùng xô, chậu, vòi nước hay súng nước tha hồ té nước vào nhau, sau đó còn té nước vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Mọi người thoải mái tắm mình trong những làn nước, đón nhận nước té càng nhiều càng tốt bởi họ tin rằng như thế là thể hiện thay lời cầu chúc năm mới nhiều may mắn, khỏe mạnh và hạnh phúc. 

Cuối cùng, họ về nhà, làm lễ tắm tượng Phật thờ tại nhà, sau đó mời ông bà, cha mẹ đến để tạ lỗi, xin tha thứ những lỗi lầm, thiếu sót trong năm cũ. Sau cùng, họ đem bánh trái, quà dâng cho ông bà, cha mẹ. Đêm đến, họ tiếp tục cúng bái làm lễ Téveda Thmây - một vị thần chăm lo đời sống cho dân chúng trong năm mới và tổ chức các cuộc vui chơi cho đến khuya mới chấm dứt.

Cứ như vậy, mỗi dịp lễ, Tết truyền thống, đồng bào dân tộc Khmer lại tưng bừng mở hội, người người, nhà nhà sum vầy bên nhau. Lễ hội không chỉ có ý nghĩa tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết và những kết quả đạt được trong năm mà thông qua đó còn nhắn nhủ người dân nỗ lực, khắc phục khó khăn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Năm mới sẽ nhận nhiệm vụ mới từ sự tích cực thi đua học tập, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và chăm lo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ý kiến của bạn

Bình luận