Dân "kêu khổ" vì gần 2 tháng không có nước sinh hoạt

Tác giả: Quỳnh An

saosaosaosaosao
Xã hội 17/08/2015 11:26

Gần 2 tháng nay, hàng trăm hộ dân ở làng Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải sống trong cảnh "khát nước". Thậm chí, họ còn bỏ số tiền lớn ra đào nước giếng khoan nhiễm bẩn để sử dụng.

n2
Gần 2 tháng nay bể nước nhà ông Trường cạn khô không giọt nước.

 Gần 2 tháng không có giọt nước

Theo phản ánh của người dân, từ giữa tháng 6, các hộ gia đình ở  tổ 1 và tổ 2 (đặc biệt là ngách 52/25/43) làng Phú Mỹ, đường Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) gần 2 tháng nay người dân bị mất nước liên tục khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Bạn Nguyễn Văn Tùng, sinh viên đến thuê trọ tại tổ 1 bức xúc: “Mất nước kéo dài khiến cuộc sống sinh viên tụi em mệt mỏi, mỗi lần đi học về không có nước tắm giặt nên rất khổ. Nhiều lúc thấy ngứa ngáy em tìm sang nhà trọ nào có nước giếng khoan để..."tắm trộm", có lần bọn em sang tắm bị phát hiện nhà chủ mắng thậm tệ”.

Tương tự, bà Hệ sống tại tổ 2 than thở: “Nước mất gần 2 tháng nay rồi, dân chúng tôi không có nước sinh hoạt đành phải dùng nước giếng khoan. Biết là nước giếng khoan có nhiều độc tố độc hại nhưng vẫn nhắm mắt để dùng. Trước tình trạng không có nước dùng, nhiều gia đình phải bỏ ra 7 triệu đồng thuê thợ về đào nước giếng khoan để sử dụng. Từ hôm mất nước đến giờ ở xóm tôi đào được hơn 10 cái giếng rồi”.

IMG_3243
Không có nước sinh hoạt các hộ gia đình phải mua bình nước để sử dụng.

Chung cảnh ngộ chị Luyến sống cùng tổ bà Hệ than vãn: “Khổ nhất trẻ con không có nước tắm cô à, thậm chí nhiều gia đình phải di chuyển ra nơi khác để ở. Vài ngày đầu gia đình tôi còn có tiền mua nước bình về dùng chứ bây giờ cạn tiền mọi sinh hoạt, nấu ăn tôi đều đi xin nước giếng khoan để dùng cho tiết kiệm. Không biết đến bao giờ chúng tôi mới được dùng nước sạch?”.

Theo tìm hiểu của Tạp chí GTVT, các hộ dân kể trên đều sử dụng nguồn nước sạch của nhà máy nước Sông Đà do Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Nông Nghiệp Mỹ Đình (trạm nước sạch xã Mỹ Đình) đấu thầu lại để cung cấp nước cho các hộ dân. Trước khi cung cấp nước cho các hộ dân thì đơn vị cấp nước đã có hợp đồng cung cấp nước sinh hoạt giữa bên A (đơn vị cấp nước) và bên B (người được cung cấp nước).

Theo như hợp đồng cung cấp nước sinh hoạt thì bên cung cấp nước có trách nhiệm sửa chữa các hư hỏng trên đường ống chính và dịch vụ. Thông báo trên phương tiện thông tin địa phương cho bên sử dụng nước sinh hoạt biết khi có sự cố. Tuy nhiên, việc mất nước gần 2 tháng đơn vị cung cấp nước không có thông báo, đến khi các hộ dân viết đơn kiến nghị lên đơn vị cấp nước nhưng sự việc trên vẫn chưa được khắc phục.

Theo đó, kể từ khi mất nước đến nay, nhiều gia đình phải thuê thợ về đào nước giếng khoan để sinh hoạt, mỗi lần đào giếng mất 7 triệu đồng chưa kể máy móc.

Đào giếng nước khoan để sử dụng

IMG_3232
Nhiều hộ dân đã thuê thợ về đào nước giếng khoan để sử dụng.

Trước tình trạng mất nước kéo dài nhiều ngày, các hộ dân ở tổ 1 và tổ 2 đã làm đơn đề nghị lên đơn vị cấp nước, đó là HTX Dịch vụ Tổng hợp Nông nghiệp Mỹ Đình cầu cứu nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Đình Trường, đại diện Hội nông dân tổ dân phố số 2 cho biết: “Cả tổ 1 và tổ 2 ở đây có khoảng 200 hộ dân. Từ khi chưa vỡ đường ống nước Sông Đà thì dân chúng tôi đã bị mất nước rồi. Trước tình trạng trên người dân đã viết 2 lá đơn gửi xuống cho đơn vị cấp nước nhưng họ chỉ hứa hẹn rồi để đó”.

Cũng theo ông Trường, sau khi khắc phục xong sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà lần thứ 11 thì người dân ở các xã phường khác họ đã có nước sinh hoạt còn cư dân chúng tôi không có một giọt nước chảy về bể. Tính đến nay đã gần 2 tháng dân không có một giọt nước sạch nào để dùng. Chủ yếu mọi người cải tạo lại nước giếng khoan từ lâu đã bỏ hoặc thuê thợ về đào giếng khoan mới để sử dụng.

Có mặt tại khu vực mất nước kể trên, phóng viên chứng kiến nhiều gia đình đang cho thợ đào giếng khoan.

IMG_3768
Mỗi lần đào giếng khoan, chủ gia đình mất khoảng 7 triệu đồng.

 Anh Vũ Thanh Ngà, ở tổ 2 làng Phú Mỹ, người đang thuê thợ về đào giếng chia sẻ: “Để có nước giếng khoan sử dụng tôi phải mất hơn chục triệu để thuê thợ đào giếng và mua máy bơm. May mà chỗ nhà tôi đào lên còn có nước chứ nhiều nhà đào bốn đến năm lần mà vẫn không đúng mạch nước. Có nước giếng khoan là mừng lắm rồi chứ chờ nước máy về đến nhà không biết đến bao giờ? Sống ở Thủ đô mà hơn cả trên rừng”.

IMG_3779
Trong 8 tiếng công nhân mới khoan xong được một chiếc giếng khoan.

 Còn anh Trịnh Xuân Long, một thợ khoan giếng nước cho biết: “Từ khi vỡ đường ống nước Sông Đà, ngày nào chúng tôi cũng có người gọi đi khoan giếng, mỗi ngày chúng tôi khoan được 2 chiếc, mỗi chiếc dao động từ 6 đến 7 triệu đồng. Tính tư khi mất nước đến giờ chúng tôi khoan được khoảng 200 chiếc giếng khoan phục vụ nước cho bà con dùng tạm”.

IMG_3752
Cảnh mất nước dài ngày ám ảnh người dân Phú Mỹ.

Trước đó, ngày 13/8, đường dẫn ống nước Sông Đà lại bị vỡ lần thứ 13 tại vị chí Km 28 + 650 trên trên đại lộ Thăng Long qua địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội). Sự việc này làm khiến hàng nghìn hộ dân ở Hà Nội lại rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận