Con đường tại ngõ 2 phố Hàng chuối bị "cày nát" toàn bộ |
Xe quá tải "cày nát" đường trong ngõ
Theo phản ánh của người dân, trước khi chưa phá bỏ biệt thự số 7 tại ngõ 2, tổ 4b, phố Hàng Chuối từ cuối năm 2013 trở lại đây, người dân trong khu phố tận thấy những chiếc xe tải di chuyển vào ngõ 2 ngày một nhiều. Các xe trộn bê tông, xe chở đất đá chất có ngọn, khiến con đường trong ngõ bị xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc đi lại và môi trường sống của người dân.
Chị Hương sống tại ngõ 2 bức xúc cho biết: “Khi bắt đầu phá căn biệt thự thì những chiếc xe tải to chở vật liệu nặng đi rầm rầm, thậm chí những cỗ máy đào, múc đất cứ “gầm gừ” suốt đêm, tối đi ngủ nằm trong nhà cứ như động đất khiến người dân chúng tôi không thể nào ngủ nổi. Đặc biệt là các cháu học sinh tối không học bài được bởi những tiếng ồn do máy múc xung quanh. Không những thế đường đi vào ngõ “ổ gà, ổ trâu” chi chít, có nhiều đoạn nứt lún tạo thành vũng sâu đi rất nguy hiểm”.
Bùn, đất ngập ngụa tạo thành những vũng nước giữa đường tiềm ẩn tai nạn giao thông, |
Tương tự, ông Nguyên Cát Linh cùng tổ với chị Hương khẳng định rằng: “Trước đây ngõ này yên tĩnh lắm, con đường này được nhà nước làm cho rất sạch đẹp. Gần đây những xe cần cẩu lớn, xe chở vật liệu xây dựng nặng hàng mấy chục tấn đi vào khiến con đường mới bị “cày nát”. Không những đường bị hỏng, mà những công nhân xây dựng tại khu biệt thự số 7 đến ăn ở mất vệ sinh, họ còn tự ý đục cả tường của ngôi nhà số 5 để chui vào công trình số 7”.
Còn anh Phi chua chát nói: “Con đường bị xuống cấp nghiêm trọng nên đã có rất nhiều trường hợp đi về đã bị ngã ở đoạn đường này. Mọi người giờ đưa con đi học đều phải dắt bộ xe chứ không ai dám đi, trẻ con không ai dám cho ra đường chơi vì các lối đều bùn đất. Không những đường hỏng, xe ô tô đi lại nhiều khiến đường ống nước sinh hoạt của người dân cũng bị vỡ tứ tung, nước chảy lênh láng ra đường…khiến cho việc đi lại của người dân càng khó khăn hơn”.
Theo tìm hiểu của Tạp chí GTVT, nhà số 7, ngõ Hàng Chuối 2, là biệt thự được xây dựng từ năm 1954. Trước đây, do Bộ Đại học quản lý, sau đó Đại sứ Quán CHDC Nhân dân Lào tiếp quản và sử dụng là nhà khách cho các nhân viên ngoại giao. Đến cuối năm 2013, tòa biệt thự này bị phá dỡ, san phẳng trong 2 ngày. Cho đến cuối năm 2014, một nhóm công nhân đã đem máy móc xây dựng đến khoan sâu, đổ bê tông để chuẩn bị xây dựng khu chung cư 7 tầng trên căn biệt thự cũ. Việc làm trên đã gây nên tiếng động ầm ĩ cho khu phố, ảnh hưởng đến môi trường sống cho các hộ dân xung quanh. Đặc biệt là ngay sát Trường tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân làm các em học sinh không tập trung học được.
Chính quyền thờ ơ?
Đường ống nước của người dân cũng bị vỡ tứ tung |
Quá bức xúc trước sự việc kể trên, các hộ dân sống tại ngõ 2 gần khu vực xây dựng đã làm đơn gửi lên chính quyền các cấp kêu cứu. Tuy nhiên, đến nay sự việc xử lý vẫn chưa được tiến hành.
Theo tìm hiểu của Tạp chí GTVT, đường xá bị hư hỏng, đường nước bị vỡ có liên quan đến ngôi biệt thự số 7. Bởi khi phá vỡ biệt thự và chuẩn bị xây dựng nhà ở mới, các máy móc xây dựng hoạt động suốt ngày đêm, xe xích sắt, xe ủi, xe bê tông, xe tải trọng lớn đã phá hỏng toàn bộ đường ở ngõ 2 phố Hàng Chuối, phá nát đường nước và gây lún nứt cho các hộ dân xung quanh công trình.
Theo quan sát của phóng viên, con đường đi vào ngõ 2 phố Hàng Chuối đất đá lởm chởm, nhiều đoạn bị vũng sâu xuống tạo thành nhiều vũng nước. “Ổ gà, ổ trâu” chi chít, lớp nhựa đường đã bị bào mòn chỉ còn trơ lại bùn đất. Đường nước thì bị vỡ khiến nước chảy hết ra đường, cống rãnh bị lún và đào bới tứ tung.
Ông Nguyễn Kiểm, Tổ phó tổ 4b, ngõ 2, phường Hàng Chuối cho biết: “Trước sự việc trên chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên chính quyền phường, quận và gửi cả đơn lên UBND thành phố nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó các xe quá khổ, quá tải đi vào khiến con đường hư hỏng nặng, hệ thống cống nước cũng bị phá nát. Nhiều lần dân chúng tôi mang xe máy ra để chặn xe tải không cho đi vào nhưng không hiểu sao họ lại xin được giấy phép của Sở GTVT Hà Nội lưu hành trong phố Hàng Chuối nên chúng tôi cũng đành chịu”.
Cũng theo ông Kiểm, khi làm nát đường ống các công nhân xây dựng trong ngôi nhà số 7 đã tự ý sửa đường nước chứ không thông qua nhà máy nước và giao thông công chính để tu sửa. Theo đó, các hộ dân không yên tâm, bởi nước là do nhà máy nước quản lý, nếu sau này có sự cố gì thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi họ tự ý làm?
“Trước tình trạng trên, các hộ dân cũng mong muốn làm thế nào để trả lại mặt đường đẹp cho dân lưu thông được an toàn. Đồng thời, mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc không cho xe quá khổ quá tải được lưu thông trong phố, đặc biệt là trong ngõ. Khi sự việc như vậy xảy ra chúng tôi cũng kiến nghị lên UBND phường nhưng họ thờ ơ không quan tâm, ủng hộ dân. Ngoài ra, tôi có một thắc mắc, không hiểu vì sao mà UBND thành phố Hà Nội lại cho phép xây dựng khu chung cư trên căn biệt thự số 7 bị phá bỏ, nó có lợi ích gì cho kinh tế Hà Nội không? Trong khi khu dân cư hẹp như thế này”? ông Kiểm bức xúc.
Câu hỏi này chúng tôi dành cho chính quyền địa phương.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.