Triều Tiên sở hữu nhiều tổ hợp tên lửa chống hạm. Ảnh: Blogspot. |
Triều Tiên đã phóng 4 tên lửa diệt hạm từ khu vực Wunsan bay khoảng 200 km ra ngoài khơi bờ biển phía đông, theo Reuters. Các chuyên gia quân sự cho rằng 4 tên lửa này nằm trong bộ ba vũ khí chống hạm đang được Triều Tiên biên chế để bảo vệ lãnh thổ.
Kumsong-1
Hải quân Triều Tiên trong giai đoạn 1970-2000 chỉ sở hữu các tổ hợp tên lửa chống hạm Kumsong-1 được phát triển từ mẫu P-15 Termit do Liên Xô chế tạo.
P-15 là dòng tên lửa hành trình chi phí rẻ của Liên Xô, có thể giúp tàu tên lửa cỡ nhỏ sở hữu hỏa lực lượng đương các thiết giáp hạm khổng lồ. Hệ thống điện tử trên P-15 khá đơn giản, sử dụng cơ cấu dẫn đường quán tính (INS) và đầu dò radar chủ động khi tiếp cận mục tiêu.
Phiên bản P-15U do Liên Xô sản xuất năm 1965 có tầm bắn 80 km. Chuyên gia Stijn Mitzer của trang NK News cho rằng Bình Nhưỡng có thể đã cải tiến toàn diện thiết kế P-15, giúp phiên bản nội địa Kumsong-1 đạt tầm bắn tối đa tới 300 km.
Tên lửa Kumsong-1 của Triều Tiên có khả năng bay hành trình ở độ cao 25-100 m, khiến tàu chiến đối phương có ít thời gian phát hiện và đánh chặn.
Kumsong-2
Ngoài tên lửa Kumsong-1 do Liên Xô chuyển giao, Triều Tiên còn sở hữu mẫu HY-2 do Trung Quốc sản xuất. Đây là phiên bản kéo dài thân, phát triển từ nền tảng HY-1, được Bình Nhưỡng định danh là Kumsong-2.
Dòng HY-1 và HY-2 được phát triển từ nền tảng P-15M của Liên Xô, có thể phóng từ tổ hợp tên lửa bờ hoặc máy bay. Tên lửa có độ cao hành trình 100-300 m. Ở pha cuối tiếp cận mục tiêu, quả đạn sẽ hạ độ cao xuống còn 8 m để gây khó khăn cho hệ thống đánh chặn. Tỷ lệ đánh trúng mục tiêu của mỗi quả HY-2 có thể lên tới 90%.
Trong khi HY-2 có tầm bắn tối đa 200 km, Triều Tiên tuyên bố đã cải tiến nâng tầm bắn của Kumsong-2 lên 300 km. Quả đạn có kích thước lớn hơn mẫu P-15 Liên Xô, sử dụng đầu nổ nặng tới 513 kg, đủ sức phá hủy các tàu khu trục cỡ lớn nếu đánh trúng đích.
Kumsong-3
Loại tên lửa này được hé lộ lần đầu trong một bộ phim tài liệu của Triều Tiên vào năm 2012, cho thấy các ống phóng tương tự tổ hợp 3M24E "Uran-E" do Nga xuất khẩu. Bình Nhưỡng có khả năng mua được công nghệ sản xuất loại tên lửa này từ Nga vào cuối thập niên 1990, trước khi tự chế tạo và thậm chí còn xuất khẩu sang Myanmar.
Phiên bản Kumsong-3 của Triều Tiên có nhiều nét khác so với mẫu 3M24E nguyên gốc. Ống chứa đạn được chỉnh sửa toàn diện, tăng số giá đỡ và cắt giảm nhiều bộ phận thừa, khiến nó gọn hơn mẫu ống phóng của Nga. Động cơ tên lửa cũng mang đặc trưng riêng của Triều Tiên, không giống với nguyên bản.
Tên lửa 3M24E có tầm bắn 130 km, nhưng Triều Tiên có thể đã cải tiến, nâng tầm bắn Kumsong-3 lên 260-300 km. Quả đạn thường bay ở độ cao hành trình 10-15 m, sau đó hạ xuống 3-4 m khi tiếp cận mục tiêu, khiến đối phương rất khó đánh chặn.
Mẫu 3M24E và Kumsong-3 được trang bị đầu đạn nổ lõm nặng 145 kg. Nhà sản xuất cho biết mỗi quả đạn có khả năng vô hiệu hóa một tàu khu trục có lượng giãn nước tới 5.000 tấn. Kích thước nhỏ, độ phản xạ radar thấp, khả năng kháng nhiễu cao và bay bám biển tốt là những yếu tố khiến Kumsong-3 nằm trong số những tên lửa chống hạm nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.
Bình Nhưỡng có thể đã sử dụng Kumsong-3 từ cuối thập niên 1990. Đây là minh chứng cho tiềm lực quốc phòng, cũng như khả năng giữ bí mật với các dự án quân sự của Triều Tiên. Với khả năng tự sản xuất tên lửa Kumsong-3, Bình Nhưỡng có thể dùng nó làm mũi nhọn trong bất kỳ chiến dịch trên biển nào, chuyên gia quân sự Zachary Keck khẳng định.
C-802 và KN-17
Ngoài bộ ba tên lửa Kumsong, Triều Tiên còn sở hữu hai loại tên lửa đầy tiềm năng khác là C-802 và KN-17.
Tên lửa hành trình C-802 do Trung Quốc sản xuất, được phát triển từ mẫu C-801 sao chép thiết kế tên lửa chống hạm Exocet của Pháp. Triều Tiên và Iran từng hợp tác cải tiến tên lửa C-802 vào đầu thập niên 2000. Tehran đã chuyển giao nhiều quả đạn cho Bình Nhưỡng.
Iran hy vọng Triều Tiên có thể nâng cấp uy lực cho tên lửa, trong khi Triều Tiên có thể ứng dụng công nghệ từ C-802 vào các dự án nội địa. Kết quả dự án hợp tác không được công bố, Bình Nhưỡng cũng chỉ sử dụng các quả đạn để nghiên cứu chứ không đưa chúng vào biên chế.
Trong khi đó, mẫu KN-17 được phát triển từ tên lửa đạn đạo tầm trung No Dong. Sự xuất hiện của nhiều van khí và cánh lái trên đầu quả đạn khiến chuyên gia phương Tây cho rằng KN-17 có khả năng cơ động cao, đủ sức đánh trúng những mục tiêu trên biển như tàu sân bay và tàu hậu cần. Tuy nhiên, loại vũ khí này vẫn chỉ trong giai đoạn thử nghiệm và chưa được biên chế chính thức.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.