Dáng hình đất nước trong “Bài ca giao thông vận tải”

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 02/09/2017 07:01

Mạch máu giao thông chạy khắp các chiến trường, góp sức làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc, vì thế mà những bài hát hay nhất trong kháng chiến vẫn luôn gắn với những con đường, cây cầu và “Bài ca giao thông vận tải” là một trong những bài hát như thế.

 

200942315228_11_e0
 

Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt

Hoàng Vân là nhạc sỹ có số lượng bài hát mang tính chất “Ngành ca” nhiều nhất. Bên cạnh những ca khúc cách mạng nổi tiếng như: Hò kéo pháo, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Nổi trống lên rừng núi ơi, Không cho chúng nó thoát... thì những ca khúc ông viết về các ngành nghề cũng chiếm số lượng lớn. Thực tế, hầu hết các bài “Ngành ca” của ông đều vượt thời gian, thoát khỏi sự bó buộc khô cứng để trở thành những ca khúc bất hủ, được đông đảo công chúng yêu thích như: Bài ca GTVT, Bài ca sau tay lái, Bài ca xây dựng, Bài ca người giáo viên nhân dân, Tôi là người thợ lò, Bài ca người thủy thủ…

Trong những bài hát viết về ngành GTVT, Bài ca GTVT của nhạc sỹ Hoàng Vân đã được chọn làm “Ngành ca” trong Hội nghị đầu tiên của ngành GTVT hợp nhất hai miền Nam - Bắc. Bài ca ấy được ra đời trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt với những cảm xúc không dễ gì có được.

Theo lời tác giả Hoàng Vân, khi ông cùng một anh tài xế và một lái xe dự phòng đi vào Đoàn 559 qua những đợt bị trải bom, tận mắt chứng kiến sự sống và cái chết vô cùng thảm khốc và sự hy sinh anh dũng, quên mình xả thân để giữ những con đường của các chiến sỹ, những cô gái thanh niên xung phong còn ở độ tuổi thanh xuân, đang kỳ như nụ hoa hàm tiếu he hé nở, tình cảm ấy như một tư liệu đã giúp ông sáng tác được ca khúc Bài ca GTVT.

Cách đây không lâu khi chia sẻ những tâm tư của mình về Bài ca GTVT, nhạc sỹ Hoàng Vân tâm sự: “Thời điểm tôi bật lên những giai điệu cho ca khúc này là vào lúc 3h sáng, ngay ở Đường 20, khi xe tải không thể chạy nổi bởi phía dưới bùn lầy ngập ngụa, còn bên trên bầu trời máy bay trải bom liên tục, cứ 5 phút một đợt, mà kinh khủng nhất là chỉ có khoảng 30% số bom nổ, còn lại là bom nổ chậm. Đã thế, giặc lại rất gian xảo, cứ 30 phút lại quay lại thả bom tiếp. Nhưng sau mỗi đợt như vậy, các chiến sỹ thanh niên xung phong lại ào lên dò xét, cắm cờ để báo hiệu khu vực đó có an toàn hay không? Hầu hết những thanh niên xung phong ở đoạn đường đó là phụ nữ, có những gương mặt còn rất trẻ, má còn phớt lông măng, mắt to tròn rất quả cảm... Khi ba anh em ngồi trên ca-bin được hướng dẫn nhảy xuống để trú ẩn và được an toàn thì không còn nghe thấy tiếng hiệu lệnh cho xe lăn bánh, ai cũng thắc mắc là thường vào thời khắc này thì sẽ có tiếng hô ở những khúc rẽ hoặc ở từng đoạn đường vừa nguy kịch... Cả không gian im phăng phắc. Vào cái thời khắc mà người ta vừa thoát khỏi sự đeo đuổi của cái chết và đành phải xem nó như một cuộc trốn tìm thì bỗng nhiên rơi vào sự im lặng trống trải. Tôi tự hỏi: Những cô gái kia đâu? Họ trốn ở chỗ nào hay họ còn bận làm gì nữa. Nhưng không, họ đã hy sinh! Nhiều như thế, đông như thế mà đã hy sinh tất cả, trải tuổi thanh xuân đẹp đẽ của mình cho những chuyến xe lăn qua... Câu ca từ trên chính là dành cho những chiến sỹ tuổi hoa hàm tiếu đó và chỉ những con đường mới hiểu rõ nhất sự hy sinh cao đẹp mà nhẹ tựa lông hồng của những chiến sỹ này”.

Lời ca bay bổng mà chân thật

giai-ma-kinh-ngac-chieu-dai-cua-tuyen-duong-truong
giai-ma-kinh-ngac-chieu-dai-cua-tuyen-duong-truong

 

Với hoàn cảnh ra đời đặc biệt như thế, Bài ca GTVT không hề miêu tả không khí chiến tranh mà muốn biểu hiện tâm hồn, tình cảm của những người trong cuộc. Đó là những cô gái thanh niên xung phong, những chàng lính trẻ lái xe luôn phơi phới yêu đời, trẻ trung, lãng mạn. Có lẽ, để thể hiện sự khốc liệt của chiến tranh, nhạc sỹ Hoàng Vân đã có Bài ca bên tay lái - một ca khúc có hình tượng âm nhạc rất phù hợp với không khí chiến đấu khi đó. Còn ở Bài ca GTVT, tất cả dồn vào mấy câu có tứ văn học rất hay: “Như cánh tay dài vươn tới. Ta ôm lấy sông núi ruộng đồng…” và “Ơi! Những con đường ta yêu biết mấy. Đường vào nhà máy, đường về nông thôn. Qua những năm trường quê hương kháng chiến. Tất cả mọi con đường đều hướng ra tiền phương”. Chủ đề tác phẩm được dồn vào những câu kết: “Ta bước trên đường đi tới chiến thắng. Rì rào biển hát dọc đường Trường Sơn. Ta sẽ nối lại nhịp cầu Nam Bắc. Suốt đời ta sẽ còn mở những con đường vui”.

Bình luận về bài hát này, nhạc sỹ Nguyễn Đình San đánh giá: “Bài ca GTVT là một bài hát cực kỳ ngắn gọn, được viết ở thể 2 đoạn đơn, mỗi đoạn chỉ có 2 câu nhạc, bố cục rất chặt chẽ, mạch lạc. Chỉ nghe qua một vài lần ta rất dễ nhập tâm và có thể thuộc. Những nốt luyến láy, hoa mỹ được nhạc sỹ triệt để sử dụng để tạo cho bài hát nét duyên dáng, vẻ mặn mà, lấp lánh rất đáng yêu. Đây cũng là một đặc điểm dễ nhận thấy ở phong cách sáng tác ca khúc của nhạc sỹ Hoàng Vân: Trẻ trung, điệu đà, rất có hồn, có sức lôi cuốn người nghe. Ông luôn biết tạo nên những điểm nhấn của giai điệu, khi bằng việc vút lên những nốt cao rất đúng lúc, khi lại đổ xuống những nốt trầm đầy ấn tượng (như trong vọng cổ, người ta vẫn gọi là “xuống xề”). Cũng có trường hợp lại là những nốt luyến láy “đắt”.

Nghe Bài ca GTVT, ta có cảm giác như một bài tình ca bởi toát lên chất dịu dàng, đắm say, ngọt ngào, đam mê. Có người thắc mắc tại sao viết về GTVT trong chiến tranh, khi hiện thực quá sôi động, khốc liệt mà bài hát lại mềm mại, du dương đến vậy.

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc oanh liệt ấy, việc ra đời bài ca bất hủ này đã kịp thời trở thành món ăn tinh thần, sự động viên cỗ vũ cho toàn dân, toàn quân và đặc biệt là lực lượng thanh niên xung phong trước kẻ thù. Không chỉ vậy, nhiều bạn trẻ ngày nay chia sẻ, mỗi khi nghe những ca khúc này lại thấy rạo rực tình yêu quê hương đất nước, yêu tinh thần của những cô gái, chàng trai thanh niên xung phong. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn muốn được sống trong thời kỳ hào hùng của dân tộc để một lần được chia sẻ những gian nan với các cô gái nhỏ nhắn nhưng ý chí quật cường.

Bài hát luôn toát lên dáng hình đất nước, đặc biệt là tầm quan trọng của những huyết mạch giao thông, từ đó tưởng nhớ những công lao to lớn của lực lượng thanh niên xung phong đã hy sinh sức lực, tuổi trẻ và cả xương máu để đảm bảo sự thông suốt các tuyến đường chiến lược, đưa bộ đội, vũ khí ra chiến trường

Ý kiến của bạn

Bình luận