"Đánh thức" cảng biển Việt Nam

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Hàng hải 17/04/2023 08:29

Là quốc gia ven biển, Việt Nam đã và đang phát huy lợi thế của hệ thống cảng biển. Tính riêng năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 733,18 triệu tấn, trong đó hàng container đạt 25,09 triệu TEUs. Tuy vậy, đây vẫn là con số khiêm tốn so với tiềm năng chưa được “đánh thức”.

Kỳ 1: 

Cảng biển Việt Nam hấp dẫn những nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới

Với những chính sách mở về đầu tư, thời gian qua, cảng biển Việt Nam đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư cảng biển, nhà đầu tư là các nhà khai thác cảng chuyên nghiệp, các hãng tàu lớn của thế giới tham gia đầu tư xây dựng và vận hành khai thác cảng.

Cả nước có gần 300 bến cảng

"Đánh thức" cảng biển Việt Nam - Ảnh 1.

Cảng nước sâu SP-PSA tại khu vực Cái Mép – Thị Vải

Theo Bộ GTVT, kể từ khi Quy hoạch hệ thống cảng biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009) và phê duyệt điều chỉnh (Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014), Bộ GTVT đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết 6 nhóm cảng biển và Quy hoạch chi tiết một số khu bến cảng quan trọng làm cơ sở trong định hướng đầu tư xây dựng, quản lý khai thác, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải.

Kết quả thực hiện quy hoạch các Nhóm cảng biển giai đoạn 2011-2020 như sau: 

Tổng lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2020 đạt 692,2 triệu tấn so với mục tiêu quy hoạch 640 - 680 triệu tấn (gấp khoảng 8,4 lần năm 2000), đạt mức tăng trưởng 13,3%/năm giai đoạn năm 2015 - 2020.

Năm 2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 706,1 triệu tấn, trong đó tỷ trọng hàng thông qua lớn nhất là nhóm cảng biển số 4 chiếm 42,3%, thứ 2 là nhóm cảng biển số 1 chiếm 28,2%. Mức tăng trưởng bình quân hàng thông qua cảng biển cả nước đạt 8,4%/năm giai đoạn 2017-2021.

Tính đến tháng 10/2022, cả nước có 296 bến cảng/chiều dài khoảng 107 km cầu cảng (gấp 5 lần năm 2000). Đã hình thành các cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực phía Bắc và phía Nam; tiếp nhận thành công tàu container đến 145.000 tấn tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), đến 214.000 tấn tại khu bến Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu); các bến chuyên dùng quy mô lớn gắn với các khu công nghiệp, liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện than tiếp nhận tàu đến 200.000 tấn, hàng lỏng đến 150.000 tấn (tàu xuất sản phẩm), dầu thô đến 320.000 tấn, cơ bản đã đạt được các mục tiêu quy hoạch đến năm 2020.

Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa của lĩnh vực hàng hải chiếm đến 23,17% toàn ngành so với mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 20305 là 9 - 14% (vượt 166 - 257%); là lĩnh vực duy nhất tăng trưởng trong 5 lĩnh vực GTVT trong năm 2020 dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trên cơ sở hành lang pháp lý ngành giao thông vận tải và lĩnh vực hàng hải ngày càng hoàn thiện, với những chính sách mở về đầu tư, thời gian qua cảng biển Việt Nam đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư cảng biển, nhà đầu tư là các nhà khai thác cảng chuyên nghiệp, các hãng tàu lớn của thế giới tham gia đầu tư xây dựng và vận hành khai thác cảng.

Ví dụ cụ thể là Tập đoàn DP World - UAE (nhà khai thác cảng số 5 thế giới) tham gia đầu tư, khai thác bến cảng SPCT - TP.Hồ Chí Minh; Tập đoàn SSA Marine - Mỹ (nhà khai thác cảng thứ 9 thế giới) tham gia đầu tư khai thác bến cảng CICT tại tỉnh Quảng Ninh và bến cảng SSIT tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn PSA - Singapore (nhà khai thác cảng số 3 thế giới) tham gia đầu tư, khai thác bến cảng SP-PSA tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu; Tập đoàn APMT – Đan Mạch (nhà khai thác cảng số 2 thế giới) tham gia đầu tư khai thác cảng CMIT tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn Hutchison Port Holding - Hồng Kông (nhà khai thác cảng biển số 1 thế giới) tham gia đầu tư bến cảng SITV tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong khi đó, các hãng tàu Mitsui O.S.K line (Nhật Bản), Wanhai Lines (Đài Loan) - hãng tàu trong Top 20 thế giới tham gia đầu tư, khai thác bến cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép; Hãng tàu MOL, NYK (hãng tàu trong Top 20 thế giới) tham gia đầu tư bến cảng Lạch Huyện…

Sức hút từ nhóm cảng biển số 4

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhóm cảng biển số 4 gồm 5 cảng: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An. 5 cảng này cũng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, năng động và phát triển nhất cả nước.

"Đánh thức" cảng biển Việt Nam - Ảnh 3.

Bến cảng SITV tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Như đã đề cập ở trên, tính riêng năm 2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 706,1 triệu tấn, trong đó tỷ trọng hàng thông qua lớn nhất là nhóm cảng biển số 4 chiếm 42,3%.

Cục Hàng hải VN đánh giá, khu vực TP.HCM có nhiều cảng được đầu tư với quy mô đồng bộ, hiện đại trang thiết bị xếp dỡ năng suất cao. Đáng chú ý, năng suất xếp dỡ cũng đạt tiêu chuẩn cấp khu vực và quốc tế, thời gian giải phóng tàu nhanh.

Trong đó, bến cảng Tân Cảng Cát Lái là khu cảng tập trung khối lượng container thông qua lớn nhất trên cả nước, tiếp nhận tàu trọng tải từ 20.000 - 30.000 tấn hoặc lớn hơn (giảm tải), chủ yếu vận tải đi các tuyến châu Á.

Năm 2022, sản lượng hàng hóa qua cảng biển TP.HCM đạt 8,11 triệu Teus. Trong khi vào thời điểm năm 2021 và 2020, sản lượng hàng lần lượt là 7,96 triệu Teus và 7,86 triệu Teus. Tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 1,2%.

Lấy ví dụ về cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, ông Ngô Khắc Lễ - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, cần cần có chiến lược phát triển khu vực cảng Cái Mép –Thị Vải trở thành Cảng trung chuyển quốc tế trên tuyến vận tải biển Đông Tây, nơi chuyên chở khoảng 90% hàng hóa thương mại của toàn cầu.

"Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải có những đặc điểm tự nhiên nổi bật mà chỉ có số ít 19 cảng hàng đầu thế giới có được để có thể trở thành cảng trung chuyển của thế giới", Phó Tổng thư ký VLA cho hay.

"Đánh thức" cảng biển Việt Nam - Ảnh 5.

Tàu của hãng vận tải container MAERSK làm hàng tại cảng CICT Cái Lân

Mới đây, trong danh sách 30 cảng container hàng đầu về lưu lượng năm 2022 được Tổ chức Nghiên cứu hàng hải Alphaliner công bố, cảng biển TP.HCM lần thứ hai liên tiếp đứng ở vị trí thứ 21 (trước đó là vào năm 2021).

Trước đó, tạp chí hàng hải Lloyd's List đánh giá, cảng biển TP.HCM là cảng giữ vững vị thế trong bối cảnh kinh tế cả nước tăng trưởng còn chậm sau đại dịch. "Việt Nam có thể phát triển trong chuỗi cung ứng chiến lược với cảng biển này. Tương lai của cảng biển TP.HCM có thể mở rộng hơn nữa và khu vực này cũng đang có những thay đổi quan trọng", Tạp chí Lloyd's List nêu quan điểm và dẫn chứng dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gần cảng biển TP.HCM.

"Với trị giá đầu tư dự kiến 6 tỷ USD, nếu được phê duyệt có thể là cảng trung chuyển lớn nhất cả nước và có tác dụng giao thương đáng kể với các nước trong khu vực", Lloyd's List nhận định.

Ý kiến của bạn

Bình luận